Chân dung

Người giữ hồn cho chùa Khmer

Nghệ nhân Lý Lết là con trai cụ Lý Nghét,một nghệ nhân xây chùa Khmer nổi tiếng khắp các tỉnh thành ở Nam Bộ. Nối nghiệp cha, Lý Lết cũng trở thành nghệ nhân làm chùa nổi tiếng. Ông đã xây dựng và trùng tu hơn 400 ngôi chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc và văn hóa của người Khmer trên đất Việt Nam, trong đó có những công trình đã gây được tiếng vang trên thế giới.
Tôi gặp nghệ nhân Lý Lết lần đầu tiên tại Tuần lễ đại đoàn kết các dân tộc – Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2013, tổ chức tạiLàng Văn hoá - Du lịch các Dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô (Sơn Tây-Hà Nội). Trông ông không giống gì dáng vẻ của một kiến trúc sư hay một nhà nghiên cứu văn hóa Khmer Nam Bộ. Nước da đen sạm, tóc đốm bạc, thân hình vạm vỡ, rắn chắc, trông Lý Lết giống như một dũng sỹ đua bò Bảy Núi . Ông bảo: “Làm công tác bảo tồn văn hóa không thể chỉ nghiên cứu trên sách vở với những lý thuyết suông được. Phải đi, phải đến tận những vùng văn hóa để nhìn ngắm và tìm ra những nét đặc trưng nhất của vùng đất đó”. Có lẽ vì thế mà trên mảnh đất Nam Bộ nhiều sông, lắm rạch, không nơi nào không in dấu chân của ông.

Nghệ nhân Lý Lết quê gốc ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, nơi có tới hơn 90% dân cư là đồng bào người Khmer. Là con trai duy nhất trong gia đình, nên từ lúc mới 6-7 tuổi, Lý Lết đã được cha dạy cho cách khắc các loại hoa văn trên những công trình chùa Khmer. Ngày cha mất, gia tài quý giá nhất để lại cho ông là một quyển sổ ghi chép đủ các loại mẫu hoa văn và quy cách, kỹ thuật làm chùa Khmer. Nghệ nhân Lý Lết tâm sự: “Trước khi mất, cha tôi dặn rằng,ngôi chùa là sự tổng hợp văn hoá của người Khmer. Vì vậy người xây chùa phải có cái tâm trung thực, phải làm đúng với truyền thống, có như vậy mới giữđược cái phần hồn của dân tộc”.

Mặc dù làm nghề xây dựng, trùng tu chùa đã lâu nhưng cái tên Lý Lết bắt đầu nổi tiếng sau sự kiện công trình chùa Dơi ở Sóc Trăng được trùng tu thành công vào năm 2009. Trước đó, vào tháng 8 năm 2007, gian chính điện của chùa Dơi rộng khoảng 200m² bỗng dung phát hỏa.Ngọn lửa đã thiêu rụi toàn bộ mái trên của chính điện, cửa gỗ, cột, kèo, cùng hàng chục pho tượng Phật và nội thất bên trong. Chùa Dơi là di tích đặc biệt cấp Quốc gia, được xây dựng cách đây hơn 400 năm và mang nhiều dấu ấn Phật giáo của người Khmer Nam Bộ, nên Nhà nước quyết định tiến hành trùng tu và phục dựng nguyên trạng. Và nghệ nhân Lý Lết được giao đảm đương công việc này.
 

Nghệ nhân Lý Lết được Việt Nam và thế giới biết đến như là tổng kiến trúc sư
của những công trình trùng tu, tôn tạo và xây dựng chùa Khmer.


Gian chính điện trong ngôi chùa được nghệ nhân Lý Lết dày công thể hiện
mang đậm dấu ấn văn hóa phật giáo của người Khmer Nam Bộ.


Nghệ nhân Lý Lết cắt nghĩa những họa tiết, hoa văn trang trí trong chùa vàng Khmer với các bạn trẻ.

Ông cho biết, để trùng tu được nguyên trạng chùa Dơi, liên tục trong 3 năm liền, từ năm 2007 đến 2009, ông phải lặn lội tìm đến nhữngngôi chùa Khmer ở khắp nơi nghiên cứu về các loại hoa văn và họa tiết mang đặc trưng văn hóa và kiến trúc của người Khmer ở Nam Bộ, để về ứng dụng vào việc khôi phục và trùng tu chùa Dơi. Cái khó nhất của việc trùng tu ở chùa Dơi là phần phục chế nguyên trạng pho tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đá sa thạch nguyên khối bị hư hại do lửa cháy. Những phần bị hư hại ít, Lý Lết đề xuất hàn bằng bột đá với keo,còn những vết nứt lớn ông đề xuất khoan rồi dùng sắt để cố định lại.Ròng rã ba năm trời, cuối cùng thì công việc trùng tu chùa Dơi cũng thành công mỹ mãn.

Người Khmer ở Sóc Trăng ai ai cũng công nhận chùa Dơi được trùng tu rất giống với ngôi chùa cũ, từ các họa tiết hoa văn trang trí bên ngoài cho đến các phần trang trí nội thất ở bên trong. Việc trùng tu thành công đến nỗi hãng tin AFP của Pháp đã đưa tin như một sự kiện mang dấu ấn lịch sử của Việt Nam trong việc trùng tu thành công một công trình kiến trúc cổ bị hư hại, mà nghệ nhân Lý Lết là tổng kiến trúc sư của công trình ấy.

Trong quá trình đi xây dựng và trùng tu các ngôi chùa theo lối kiến trúc của người Khmer thì việc xây dựng mới ngôi chùa Khmer ở Làng Văn hoá - Du lịch các Dân tộc Việt Nam là làm nghệ nhân Lý Lết mất nhiều công sức nhất.Ông cho biết: “Tôi đặc biệt hứng khởi với dự án này vì đây là ngôi chùa Khmer đầu tiên trên đất Bắc và được xây dựng không phải để trưng bày mà sẽ là một ngôi chùa thực sự vì có nhà sư trụ trì và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng cho đồng bào Khmer đang sinh sống và làm việc ở Thủ đô”. Vì vậy, ông đã đầu tư rất nhiều công sức cũng như tâm huyết vào công trình đặc biệt này, để khách du lịch và người dân Thủ đô cảm nhận được một không gian văn hóa đặc trưng của người Khmer Nam Bộ ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội.
 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới thăm ngôi chùa vàng Khmer
do nghệ nhân Lý Lết thiết kế và thi công tại Làng văn hóa các dân tộc ở Đồng Mô.


Ngôi chùa Khmer đầu tiên ở miền Bắc mang đậm dấu ấn tài hoa của nghệ nhân Lý Lết.


Ngôi chùa vàng Khmer đầu tiên ở miền Bắc là một địa chỉ khám phá lý thú
để các bạn trẻ tìm hiểu về kiến trúc, văn hóa của người Khmer Nam Bộ.


Nghệ nhân Lý Lết vui mừng vì công trình chùa vàng Khmer đầu tiên ở miền Bắc
có nhà sư trụ trì và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào Khmer.

Được biết, sắp tới nghệ nhân Lý Lết sẽ sang Campuchia để trùng tu những ngôi chùa bị hư hại theo lời mời của nước bạn. Với nghệ nhân Lý Lết, được làm việc, được chia sẻ những kiến thức về văn hóa Khmer không chỉ là niềm đam mê mà còn như một sự tri ân đối với cội nguồn văn hóa của dân tộc./.
Bài: Thông Thiện - Ảnh: Tất Sơn

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/nguoi-giu-hon-cho-chua-khmer-52456.html


top