Thể thao

Ngũ hình quyền trong võ Việt

Hệ thống ngũ hình quyền với 5 bài võ mô phỏng các động tác của năm con linh thú (long, hổ, báo, xà, hạc) từ xưa nằm trong chương trình luyện tập của một số dòng phái Vĩnh Xuân quyền ở Trung Quốc. Khi du nhập vào Việt Nam, võ đường Vĩnh Xuân Nguyễn Gia đã có những cải tiến để phù hợp với thể trạng và tinh thần võ học người Việt.
Theo võ sư Nguyễn Tiến Phi của võ đường Vĩnh Xuân Nguyễn Gia cho biết, Ngũ hình quyền trải qua một tiến trình lịch sử lâu dài và đã được sửa đổi rất nhiều. Đáng chú ý là sự bổ sung của hệ thống này vào kỹ thuật của các dòng phái Vĩnh Xuân quyền ở Việt Nam. Khi nghiên cứu 5 bài quyền là Long hình quyền, Hổ hình quyền, Báo hình quyền, Xà hình quyền, Hạc hình quyền, võ đường Vĩnh Xuân Nguyễn Gia đã có sự hòa hợp với các công phu Vĩnh Xuân quyền truyền thống. Điều này được thể hiện rõ trong các bài tập của môn sinh võ đường Vĩnh Xuân Nguyễn Gia.

Đối với người am hiểu võ học thì dễ dàng nhận ra một số khác biệt như các bài võ Ngũ hình quyền ở võ đường Vĩnh Xuân Nguyễn Gia có tính đơn thế và tính chất trường quyền. Đơn cử như trong bài võ Long quyền thì người học võ  lấy tỳ làm chủ, các động tác đặc trưng như thế chộp, vồ (cầm nã thủ), sử dụng bàn tay với các ngón tay xòe mở rộng trong những chiêu thức nhấn mạnh nguyên lý vòng tròn, các chiêu thức thường được diễn thế lặp lại 3 lần.


Ngũ hình quyền được chia làm 5 bài tương ứng với 5 loài linh thú bắt đầu từ xà, long, hổ,báo, hạc.


Bài Xà hình quyền có động tác tay giống như rắn đang vươn đầu tấn công kết hợp với thân pháp uyển chuyển, mềm mại.


Long hình quyền đặc trưng bởi những thế chộp, vồ.


Hạc quyền sử dụng những đòn đánh bằng cánh tay (tay hạc) và cổ tay.


Báo hình quyền đòi hỏi người luyện võ sử dụng tấn pháp linh hoạt, nhanh nhẹn,
phối hợp với những đòn tấn công nhanh bằng các khớp giữa của đốt ngón tay.



Emeric Mouries là một môn sinh đến từ nước Pháp đã theo học Vĩnh Xuân Nguyễn Gia được 2 năm
và hiện đang mở một võ đường tại Pháp.



Tư thế tấn điển hình của Xà quyền được thể hiện bởi môn sinh nữ người Ukraina gốc Việt Katia Trần.


Một thế đánh trong Long quyền.


Thế tấn trong Hổ hình quyền thể hiện sự uy nghi, dũng mãnh của chúa sơn lâm.


Một thế đá trong bài Hạc hình quyền.


Hình thức đấu đối luyện của Ngũ hình quyền.

Còn với Hổ hình quyền thì bài võ nhấn mạnh sự uyển chuyển và mạnh mẽ mô phỏng lại các động tác của chúa sơn lâm. Bài không có đòn chân (cước pháp), môn sinh dùng đòn đấm thẳng dẫn đạo (tay hổ), đòn đánh bằng lưng bàn tay kết hợp với bật chỏ ngang. Các đòn thế thường đi theo đường thẳng, với tốc độ cao và uy lực.

Khác với thế Hổ hình quyền, Báo hình quyền sử dụng tấn pháp linh hoạt, nhanh nhẹn phối hợp với những đòn tấn công chớp nhoáng bằng các khớp xương giữa của đốt ngón tay gọi là Báo Chùy (tay báo) dùng để chặn đòn đối phương hay đánh bật vào huyệt thái dương, thường sử dụng hai tay tấn công đồng thời kết hợp với cước pháp.

Võ sinh Katia Trần (người Ukraina gốc Việt) đã theo học võ đường Vĩnh Xuân Nguyễn Gia một thời gian rất ấn tượng với  bài Xà hình quyền. Katia Trần cho biết, rắn không chân nên bài Xà hình quyền không có đòn cước mà chủ luyện sự nhu nhuyễn, linh hoạt của những ngón tay (tay xà) uốn éo với nguyên tắc dùng eo xoay để phát lực, thường áp dụng những thế tấn rất thấp và có những thế đánh dạng hồi mã thương.

Hạc quyền sử dụng những đòn đánh bằng cạnh tay (tay hạc) và cổ tay gọi là Hạc Đỉnh thủ hoặc mỏ hạc gọi là Hạc Trủy thủ trong những tư thế mở rộng với những đòn đánh chỏ kết hợp với tấn chéo, tấn một chân (hạc tấn). Nhiều môn đồ Vịnh Xuân quyền đánh giá đây là bài quyền có phong cách hào sảng và đẹp nhất trong các bài ngũ hình quyền./.

Bài, ảnh: Khánh Long


 

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/ngu-hinh-quyen-trong-vo-viet-101415.html


top