Ngồi trước mặt tôi là một cụ bà tuổi đã ngoại 80, vóc dáng nhỏ nhắn, khuôn mặt phúc hậu và mái tóc trắng như sương. Đó chính là nghệ nhân ca trù Phó Thị Kim Đức, người đào nương cuối cùng còn lại của giáo phường ca trù Khâm Thiên nổi tiếng đất kinh kì Thăng Long xưa.
Nghệ nhân ca trù Phó Thị Kim Đức sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật ca trù của Hà Nội. Cha bà là ông Phó Đình Ổn, một kép hát tài danh, có thời làm quản ca của giáo phường Khâm Thiên, một giáo phường ca trù nức tiếng đất Hà Thành trước 1945.
Ngay từ nhỏ, bà đã được cha dạy cho từng lời ca, nhịp phách, lên bảy tuổi đã khá thạo nghề, đến năm 13 tuổi thì bắt đầu theo cha và anh đi hát ở Khâm Thiên như một đào nương chính thức.
Nghệ nhân ca trù Phó Thị Kim Đức (tháng 11/2011). Ảnh: Tất Sơn
|
Thời trẻ, nghệ nhân Phó Thị Kim Đức nổi tiếng là người hát tròn vành rõ chữ, giỏi sênh phách, lại có khả năng cảm thụ tinh tế những ý nhạc, tình thơ nên hát rất hay. Vì thế, bà nhanh chóng trở thành một đào nương nổi tiếng đất Hà Thành.
Sau Cách mạng tháng Tám, ca trù bị mai một, người theo nghề ca trù vì thế cũng thưa thớt dần đi. Bản thân bà Kim Đức cũng không còn sống được với nghề cũ nên đành phải chuyển sang sống bằng nghề đan len và làm đồ nhựa. Đến năm 1961, cơ duyên đưa đẩy thế nào rồi bà lại về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Tại đây, tuy không còn được hát ca trù như xưa, nhưng thay vào đó bà được giao hát chèo và ngâm thơ. Với chất giọng trời cho cùng với những kĩ năng điêu luyện về hát ca trù, bà đã nhanh chóng chinh phục được khán thính giả bằng giọng hát ngọt ngào, mượt mà, sang trọng và đầy tinh tế. Chính vì vậy, hồi đó bà vinh dự được nhiều lần vào Phủ Chủ tịch biểu diễn hát chèo và ngâm thơ phục vụ Bác Hồ mỗi khi Người có dịp đón khách quốc tế. Với những đóng góp lớn cho nghệ thuật, trong thời gian công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, bà đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Nghệ nhân Phó Thị Kim Đức trong một buổi biểu diễn ca trù. Ảnh: Tư liệu
Nghệ nhân Phó Thị Kim Đức trong một buổi biểu diễn ca trù. Ảnh: Tư liệu
Nghệ nhân Phó Thị Kim Đức và nhóm múa Bài Bông. Ảnh: Tư liệu
Nghệ nhân Phó Thị Kim Đức chuẩn bị trang phục cho các nghệ sĩ múa Bài Bông. Ảnh: Tư liệu |
Tâm sự về nghề, nghệ nhân Kim Đức cho rằng, mặc dù hiện nay ca trù đã hồi sinh và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, song cái “hồn” của nó dường như không còn được như xưa nữa, và người theo ca trù bây giờ cũng không còn niềm đam mê đến mức đắm đuối, sống chết với nghề như ngày xưa.
Hiện nay, có nhiều người tìm đến xin truyền nghề nhưng bà nhận lời rất ít, bởi bà muốn dành tâm sức để dạy cho những ai tâm huyết với nghề. Theo bà, học ca trù rất khó, ngoài năng khiếu, người học còn phải có cái tâm yêu nghề, kiên trì, khổ luyện, đeo đuổi mấy năm trời mới mong có ngày thành công. Vì vậy, bà dạy học trò rất nghiêm, tận tâm chỉ bảo từng li từng tí, từ kĩ thuật hát cho đến dáng ngồi, cách ăn mặc, cho đến cả phép ứng xử và đạo làm người trong cuộc sống. Bà từng nói: “Tôi không dạy nhiều người, dạy cho một vài người cũng được, nhưng dạy cho cẩn thận để người ta thừa kế được sau này, sao cho bộ môn này đúng là ca trù chứ không lai tạp lung tung”. Có lẽ vì thế mà nhiều tên tuổi lớn trong làng nghệ thuật ca trù và chèo của Việt Nam hiện nay như NSƯT Xuân Hoạch, NSƯT Đặng Công Hưng, NSƯT Đoàn Thanh Bình... đã từng đến xin thụ giáo tài năng của bà.
Hàng ngày bà vẫn dạy ca trù cho 2 đứa cháu nhỏ của mình với mong muốn giữ lại nghiệp truyền thống của gia đình.
Ảnh: Tất Sơn |
Hiện nay, ở tuổi 81, ngoài việc truyền nghề cho lớp cháu con, nghệ nhân Kim Đức còn tham gia nhóm ca trù Tràng An. Đặc biệt, mới đây, bà và nhóm ca trù Tràng An đã khôi phục thành công điệu múa Bài Bông, một điệu múa cung đình nổi tiếng của ca trù có từ thời nhà Trần (TK XIII)./.
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Tất Sơn & Tư liệu
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/nghe-nhan-ca-tru-kim-duc-29597.html