Nghề Việt

Nghề kim hoàn phố Hàng Bạc

Hàng Bạc là một phố nổi tiếng trong 36 phố cổ của Thăng Long - Hà Nội. Từ thời xa xưa, đây là khu vực thương mại sầm uất, có nghề kim hoàn đặc sắc.
Phố Hàng Bạc được hình thành từ thế kỷ 18. Nghề vàng bạc ở đây do Lưu Xuân Tín, người làng Châu Khê (Hải Dương), làm Thượng thư triều Lê Thành Tông (thế kỷ XVI) sáng lập. Sau khi được nhà vua cho phép mở lò đúc bạc thành nén cho triều đình, ông đem người trong họ hàng và nguời làng ra Thăng Long mở phường đúc bạc. Ngày trước, phố Hàng Bạc có 3 nghề khác nhau: Nghề đúc bạc nén, nghề kim hoàn và nghề đổi tiền. Tuy nhiên, nghề đổi tiền và đúc bạc nén không tồn tại nữa lâu vì tiền đồng tiền kẽm không còn tồn tại trên thị trường.

Phố Hàng Bạc nằm giữa trung tâm khu phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm Hà Nội. Trải qua nhiều thế kỷ với những biến động thời gian, phố Hàng Bạc vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc, nếp sống làng nghề xưa. Dọc hai bên phố là những ngôi nhà truyền thống lớp mái ngói đỏ, bên cạnh những toà nhà hình ống, kiến trúc kiểu Phương Tây. Đôi khi trên phố, người ta cũng bất chợt gặp những mái chùa, ngôi đình, miếu thờ Tổ nghề rêu phong nhuốm màu thời gian của phường nghề xưa. Ở phố hàng Bạc có đình Kim Ngân là công trình kiến trúc cổ có thời Hậu Lê (1428-1527). Đây là nơi lưu giữ dấu tích về phường nghề kim hoàn ở kinh thành Thăng Long xưa.









Các công đoạn chế tác trang sức của nghệ nhân phố Hàng Bạc. Ảnh: Thanh Giang, Phong Thu 


Sản phẩm nhẫn được đánh bóng trên máy. Ảnh: Thanh Giang


Du khách quốc tế thích thú khi đến với phố Hàng Bạc, bởi nơi đây có rất nhiều mặt hàng kim hoàn tinh xảo. Ảnh: Phong Thu

Cả phố Hàng Bạc ngày nay chỉ dài khoảng 0,5 km, nhưng có đến hàng trăm cửa hàng lớn nhỏ làm nghề chế tác kim hoàn và bán đồ mỹ nghệ vàng bạc. Phần nhiều những cửa hàng thời nay đã trang bị máy móc công nghệ mới từ nước ngoài, song bên cạnh đó vẫn có những gia đình còn giữ nghề chế tác đồ mỹ nghệ thủ công làm bằng tay có từ xa xưa.

Chúng tôi tìm đến cơ sở sửa chữa và chế tác đồ trang sức của nhà anh Bốn, ở số 27 Hàng Bạc. Xưởng được bố trí trong căn nhà nhỏ, rộng chừng 15m2, nằm trong ngõ sâu hun hút, lối vào chỉ vừa cho một người đi. Tại đây, thường có 6-7 người làm việc, mỗi người phụ trách một khâu thành chuỗi khép kín, từ gia công, giũa, muội, hoàn thiện, đánh bóng, đánh xi, nhận và trả hàng cho khách.

Đặc biệt, khi nói tới Hàng Bạc trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội 36 phố phường, nhiều người còn nhắc tới câu “ Con gái Hàng Bạc” với hàm ý những phụ nữ ở phố Hàng Bạc thường đẹp người, đẹp nết. Họ không chỉ giỏi trong làm ăn buôn bán, mà còn khéo nuôi con, duy trì nếp sống yên ấm trong mỗi gia đình. Thời nay, khi không ít các gia đình hiện đại đã mất dần khoảng thời gian gắn bó bên gia đình, thì ở đây nhiều gia đình vẫn sống quây quần bên nhau và duy trì những giá trị truyền thống của gia đình dòng họ./.













Các sản phẩm bạc tinh xảo được bày bán trên phố Hàng Bạc. Ảnh: Thanh Giang 
 
Bài và ảnh: Thanh Giang - Phong Thu

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/nghe-kim-hoan-pho-hang-bac-215455.html


top