Làng gốm Chăm Bình Đức (trước đây có tên gọi là Trì Đức) thuộc xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Người Chăm nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề làm ruộng nước, nương rẫy, chăn nuôi gia súc và nghề gốm truyền thống. Gốm Gọ - một tên gọi đặc trưng được nhiều người biết khi đến với làng gốm nơi đây đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Sản phẩm gốm Chăm chủ yếu sử dụng trong sinh hoạt thường ngày trong gia đình như hỏa lò, trã, khuôn bánh căn, khuôn bánh xèo, lu đựng nước và đồ dùng trong tín ngưỡng, tôn giáo.
Loại đất được chọn là đất sét có màu vàng nhạt, có độ dẻo và mịn vừa phải, không bị lẫn lộn nhiều hạt sạn sỏi nhỏ. Đất sẽ được lấy vào mùa khô (khảng tháng 1-2 âm lịch hàng năm) và thông thường từ 5-6 gia đình cùng nhau phối hợp để lấy đất. Đất khi được vận chuyển về nhà sẽ đổ thành đống ở ngoài trời và không cần che chắn, đất sẽ được ủ kín bằng bọc nilon trong 1 đêm để tránh trời mưa sẽ làm đất nhão hoặc gió sẽ làm đất khô. Nhiên liệu chính để nung gốm từ trước đến nay là củi và rơm. Địa điểm nung tại một bãi đất trống nằm cạnh con mương lớn chảy qua giữa cánh đồng lúa cách làng khoảng 300m về phía Đông. Người Chăm không xây lò kín mà sắp xếp gốm nung lộ thiên. Gốm và củi được sắp thành hàng ngang vuông góc với hướng gió thổi. Một loại nước màu nâu đen (chiết xuất từ trái thị rừng hoặc vỏ cây chùm dụ) được rảy lên thân gốm để tạo hoa văn khi gốm vừa được đưa ra khỏi lò.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời và kỹ thuật chế tác gốm cổ xưa vẫn còn được bảo lưu nguyên vẹn, năm 2012 “Nghề gốm của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình” đã được công nhận và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/nghe-gom-truyen-thong-cua-nguoi-cham-binh-duc-334262.html