Tiềm năng địa phương

Nghề điêu khắc đá Bửu Long

Với hơn 300 năm tồn tại, làng nghề điêu khắc đá Bửu Long (phường Bửu Long, Tp. Biên Hòa) được coi là làng nghề thủ công lâu đời nhất của vùng đất Đồng Nai đang ngày đêm sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo từ đá.
Theo "Gia Định thành thông chí" của Trịnh Hoài Đức (1765 -1825) ghi rằng, nhóm Cao, Lôi, Liêm của Trần Thượng Xuyên do không chịu sự thuần phục của nhà Thanh (Trung Quốc) đã vượt biển đến sinh sống tại xứ Bàn Lân (Biên Hòa ngày nay). Những cư dân này mang theo nghề làm đá đã cùng với người Việt bản địa lập nên làng nghề điêu khắc đá.

Đá nguyên liệu để làm sản phẩm đá mỹ nghệ Bửu Long là đá tấm, đá phiến. Những người thợ tìm đá nguyên liệu được gọi là thợ làm “đá sống”, phải lên núi tìm những tảng đá đạt yêu cầu mang về. Từ đây, những người thợ điêu khắc đá bắt đầu công việc chế tác sản phẩm, gọi là thợ làm “đá chín”.



Nguyên liệu đá thô (đá sống) làm nên các sản phẩm điêu khắc đá.


Đá nguyên liệu sử dụng làm sản phẩm đá mỹ nghệ Bửu Long thường là các loại đá tấm, đá phiến.


Những người thợ chế tác nguyên liệu thô được gọi là thợ làm “đá sống”.


Tất cả các khối đá lớn đem về được chia nhỏ sử dụng chế tác sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng.


Những người thợ có thâm niên lâu năm mới làm ra được những sản phẩm điêu khắc có tính nghệ thuật.


Sự tỉ mỉ và cẩn thận là yếu tố không thể thiếu trong nghề điêu khắc đá.


Để đạt được độ tinh xảo cho sản phẩm phụ thuộc vào đôi bàn tay khéo léo, lành nghề của người thợ đá.


Để một khối đá sống trở thành sản phẩm mỹ nghệ trải qua rất nhiều công đoạn.


Các sản phẩm đều được người thợ đá sáng tạo trở thành các tác phẩm độc đáo, có giá trị.

Đến cơ sở Nhật Thành trong lúc từng nhóm thợ đang say mê làm “đá chín” mới biết để khối đá trở nên sinh động và có hồn, người thợ phải sử dụng nhiều thủ thuật với nhiều loại công cụ khác nhau như đục nhảy, đục phá, đục láng, đục rãnh, đục khớp, đục vòng…

Một khối đá sống muốn thành một sản phẩm cần qua bốn công đoạn tạo tác của người thợ làng đá Bửu Long bao gồm: vạt mảng tạo dáng, vẽ chi tiết trên đá đã tạo dáng (bằng mực nho), đục hoàn chỉnh và tạo hình, đánh bóng sản phẩm (bằng đá mài). Trong đó, công đoạn tạo hình và đánh bóng được coi là khó nhất.

Ngày nay, làng nghề điêu khắc đá Bửu Long đã áp dụng công nghệ vào sản xuất, đá nguyên liệu được cắt, gọt, giũa bằng hệ thống máy cưa, cắt hiện đại. Tuy vậy, để đạt được độ tinh xảo cho sản phẩm thì vẫn cần đến đôi bàn tay khéo léo, lành nghề của người thợ. Các sản phẩm: tháp sen, tượng rồng, lân hay sư tử dũng mãnh… đều được người thợ thổi hồn vào để trở thành những tác phẩm độc đáo, có giá trị.

Làng điêu khắc đá còn làm ra nhiều sản phẩm khác như: khám thờ, lư hương, bát nhang, đèn, linh vị, bia, cối xay, cối giã gạo, ly chén, bình đựng, bộ cờ…


Một số sản phẩm điêu khắc đá độc đáo của làng nghề Bửu Long:








Hơn ba thế kỷ với nhiều thăng trầm, làng nghề điêu khắc đá Bửu Long đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân tài hoa như Hà Kiều, Dương Văn Hai, Ngụy Đức Mỹ, Phạm Thành Đầu… Hiện những cơ sở làm đá ở Bửu Long như Tân Phát Hưng, Tín Nghĩa, Tân Vĩnh Quang, Nhật Thành... với quy mô khá lớn đã góp phần tạo nên thương hiệu cho làng nghề. Sản phẩm đá Bửu Long có mặt khắp nơi trong cả nước và đang vươn ra thị trường nước ngoài như: Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản…/.
 
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Thông Hải

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/nghe-dieu-khac-da-buu-long-95990.html


top