Nghề Việt

Nghề dệt thổ cẩm của người Pà Thẻn

Dân tộc Pà Thẻn là một trong 54 dân tộc tại Việt Nam, họ chủ yếu sống tập chung tại tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang. Trải qua nhiều đời, đồng bào dân tộc Pà Thẻn đã hình thành và lưu giữ được một nền văn hóa đa dạng và phong phú trong đó đáng nói đến là nghề dệt thổ cẩm. Đây là một nét văn hóa phản ánh đậm nét đời sống tinh thần và cũng là niềm tự hào người dân tộc Pà Thẻn.

Người phụ nữ Pà Thẻn bên khung cửi tạo ra những sản phẩm đẹp và tỉ mỉ.

Để có được một bộ trang phục cầu kỳ thì các công đoạn dệt, thêu hoa văn, ghép vải của người Pà Thẻn hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống. Trước kia, nguyên liệu dệt vải là kéo từ sợi cây bông, cây đay, hiện chủ yếu dùng len chỉ. Sau khi nhuộm màu là mắc sợi, sang chỉ dệt thành những mảnh vải thổ cẩm hình vuông hay dải vải khổ nhỏ hoặc rộng đắp trực tiếp lên vải áo, khăn hoặc váy. Trong các mảng hoa văn, bao giờ hoa văn chủ đạo cũng được làm nổi bật, màu đỏ là màu sắc chính của bộ trang phục nữ. Màu đỏ trong trang phục của người Pà Thẻn được ví như màu của con chim lửa.


Điều đáng nói về các sắc màu khác nhau kết hợp trên trang phục của người Pà Thẻn làm cho họ trở nên lộng lẫy như những cánh bướm hoa rực rỡ sắc màu. Để có được một trang phục đẹp người phụ nữ Pà Thẻn phải lao động miệt mài bên khung cửi hàng tháng trời bởi y phục của họ rất cầu kỳ trong từng đường kim mũi chỉ và trong từng họa tiết trên y phục. Để có được một bộ quần áo là cả một sự lao động nghệ thuật kiên trì, tỉ mỉ. hơn - Chị Lý Thị Toàn người Pà Thẻn xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ - Trên trang phục của người Pà Thẻn luôn có những hình như cây cầu, ngôi nhà, con chó, hình quả trám bởi bắt nguồn truyền thuyết xa xưa kể lại rằng có một cô gái người Pà Thẻn mồ côi đi hội chợ xuân khi nhìn thấy các dân tộc khác có trang phục của riêng mình, cô gái đã rất tủi thân, cô độc và suy nghĩ mình cũng phải có bộ trang phục cho dân tộc mình, vô tình cô gái nhìn thấy đàn chim bay lượn trên cành cây với nhiều màu sắc: xanh, đỏ, tím ngay lúc đó trong tâm trí cô gái đã hình thành màu sắc trang phục cho mình và khi cô gái ngồi thêu trang phục cô đã đưa ước mơ và suy nghĩ của mình vào bộ trang phục đó. Vì mồ côi nên cô luôn ước có một người thương, một ngôi nhà và một con chó để bảo vệ mình, khu rừng cô ở có rất nhiều cây trám trắng nên cô đưa luôn hình quả trám vào trang phục để thêm sinh động có động vật, có cây cối thì cuộc sống sẽ tích cực và trong lành hơn. Chính vì vậy mà các bộ trang phục của dân tộc Pà Thẻn sẽ có các hình cây cầu thể hiện cho tình yêu, ngôi nhà thể hiện niềm hạnh phúc và hy sinh, con chó là biểu tượng của sự tương trợ bảo vệ, hình quả trám thể hiện sự cầu mong cho cuộc sống tích cực và trong sạch.



Những hoa văn phong phú được người phụ nữa Pà Thẻn tạo nên bên khung cửi đã được bảo lưu và truyền lại từ đời này sang đời khác. Trước hết, đó là hệ thống những hoa văn phân bố thành các dải băng ngang, trên khăn, ngực áo, eo lưng, gấu áo, khuỷu tay áo và thân váy. Đối với hoa văn hình người, chân chó, mắt cua, con nghé, sừng trâu phức tạp hơn để làm điểm nhấn trên ngực áo, eo lưng và hai bên hông váy. Ngoài ra, hoa văn cây thông, cây cỏ và một số loại thuốc quen thuộc của đồng bào là những chất liệu độc đáo tôn vinh thêm vẻ đẹp của bộ trang phục.


Với sự tỉ mỉ, dày công, những phụ nữ Pà Thẻn đã tạo ra bộ váy áo phụ nữ với sắc đỏ rực rỡ, màu chàm của nam giới, trẻ em được chú ý bởi chiếc mũ đội đầu nhiều màu sắc, mũ của bé gái có những chùm bông len đỏ. Người phụ nữ dân tộc Pà Thẻn, luôn luôn tự hào về bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Bằng đôi bàn tay khéo léo và tài hoa cùng với sự cần mẫn chăm chỉ bên khung cửi mà các bà, các chị người Pà Thẻn dệt lên những bộ váy áo cầu kỳ độc đáo, không những tôn vinh vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình nói riêng mà còn tôn vinh được cả vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam nói chung./.

Khách tham quan và tìm hiểu trang phục của người Pà Thẻn.

 Bài: Vy Thảo, ảnh: Trần Thanh Giang / Báo ảnh Việt Nam


https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/nghe-det-tho-cam-cua-nguoi-pa-then-315535.html


top