Lễ Sen Dolta của đồng bào dân tộc Khmer được tổ chức từ ngày 29/8 đến mùng 1/9 âm lịch hàng năm. Đây là lễ truyền thống quan trọng của họ nhằm tưởng nhớ công ơn của những bậc sinh thành, những người thân đã khuất, đồng thời thể hiện lòng tri ân đối với tổ tiên đã khai phá đất đai, bảo vệ cho phum, sóc. Ngoài ra, lễ Sen Dolta không chỉ là dịp để bày tỏ lòng hiếu kính mà còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, gắn bó, tình yêu thương gắn kết bền chặt được người Khmer gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Lễ Sen Dolta của đồng bào dân tộc Khmer được tổ chức từ ngày 29/8 đến mùng 1/9 âm lịch hàng năm. Đây là lễ truyền thống quan trọng của họ nhằm tưởng nhớ công ơn của những bậc sinh thành, những người thân đã khuất, đồng thời thể hiện lòng tri ân đối với tổ tiên đã khai phá đất đai, bảo vệ cho phum, sóc. Ngoài ra, lễ Sen Dolta không chỉ là dịp để bày tỏ lòng hiếu kính mà còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, gắn bó, tình yêu thương gắn kết bền chặt được người Khmer gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Trong tiếng Khmer, "Sen" nghĩa là cúng, "Dol" nghĩa là bà, "Ta" là ông. Sen Dolta là lời nhắc nhở về cội nguồn, về lòng hiếu thảo đối với tổ tiên. Những nghi thức cúng bái diễn ra trong không khí trầm lắng và thiêng liêng, mang đến cảm giác bình yên mà sâu sắc. Chính sự giản dị trong mỗi nghi thức càng làm nổi bật tinh thần luôn hướng về nguồn cội của đồng bào Khmer.
Trước đây, lễ Sen Dolta kéo dài tới nửa tháng, với nhiều nghi lễ tâm linh mang ý nghĩa thiêng liêng, từ cúng dường tổ tiên, tưởng nhớ người đã khuất, cho đến lễ tiễn đưa linh hồn về thế giới tâm linh. Ngày nay, do nhịp sống hiện đại thời gian diễn ra lễ chỉ còn 3 ngày, nhưng giá trị tinh thần của Sen Dolta vẫn vẹn nguyên.
Ngày đầu tiên, mọi nhà sửa soạn, dọn dẹp nhà cửa tươm tất, lau chùi bàn thờ tổ tiên sạch sẽ, bày biện cơm nước, hoa quả, rượu trà để mời linh hồn ông bà tổ tiên về đoàn tụ cùng con cháu. Ngoài lễ cúng tại gia tất cả các nghi thức quan trọng khác đều diễn ra ở chùa. Đặc biệt là lễ cầu siêu tập thể là nghi thức chính, quan trọng nhất của lễ Sen Dolta diễn ra trong ngày thứ 2.
Vào ngày này, người dân khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống, trang nghiêm, tề tựu đông đủ tại chùa Khmer. Ở chánh điện, sau khi thành kính dâng hương lên bàn thờ Phật, họ quây quần quanh các nhà sư để tham gia lễ cầu siêu tập thể, cầu nguyện cho linh hồn của người đã khuất được siêu thoát. Trong không gian linh thiêng, mọi người cùng tụng kinh, hướng lòng thành kính lên Đức Phật, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên và cùng cầu mong những điều tốt đẹp. Khi lễ cầu siêu kết thúc, người dân vẫn nán lại dưới mái chùa thân quen để cùng nhau trò chuyện, chia sẻ câu chuyện đồng áng, niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Không chỉ là nơi cầu nguyện, chùa là mái nhà chung, nơi gắn kết tình cảm cộng đồng.
Theo truyền thống xưa, vào ngày cuối của lễ từng có nghi thức thả thuyền bẹ chuối xuống sông để tiễn ông bà tổ tiên về cõi vĩnh hằng. Nhưng hiện nay việc cúng lễ Sen Dolta đã đơn giản hơn trước nên nghi thức thả thuyền này không còn nhiều người thực hiện.
Dù đã trải qua nhiều đổi thay của cuộc sống hiện đại, lễ Sen Dolta vẫn luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer. Đây không chỉ là dịp để thể hiện lòng hiếu thảo, mà còn là dịp để thế hệ trẻ hiểu và tiếp thu những giá trị văn hóa quý báu, lan tỏa tinh thần đoàn kết và tình yêu thương trong cộng đồng./.
- Bài và ảnh : Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam
-
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/net-dep-trong-le-sen-dolta-cua-nguoi-khmer-379669.html