Nghề điêu khắc mỹ nghệ truyền thống Thiết Úng ở xã Vân Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội) nổi tiếng trong và ngoài nước bởi sản phẩm có độ bền và tỉnh xảo trong các công đoạn chế tác.
Theo thống kê của UBND xã Vân Hà đến nay Thiết Úng có đến 95% hộ làm nghề điêu khắc mỹ nghệ, giải quyết được việc làm cho khoảng 500 - 600 lao động của địa phương, bình quân thu nhập khoảng 200-300 triệu đồng/hộ gia đình/năm. |
Để làm ra một sản phẩm chạm khắc gỗ, công đoạn đầu tiên là xử lý gỗ nguyên liệu. Người thợ phải chọn được loại gỗ hương để đảm bảo sản phẩm có độ bền, chắc, ít cong vênh rạn nứt, thớ gỗ phải dẻo mịn và không bị mối mọt theo thời gian. Pha gỗ là công đoạn hết sức quan trọng, đòi hỏi những thợ giỏi, giàu kinh nghiệm thực hiện. Những thanh gỗ sau khi được pha chế xong sẽ được những thợ đục, thợ khảm tạo ra những bức tượng có hoa văn, hoạ tiết trang trí nghệ thuật bằng việc điều khiển cẩn thận, tỉ mỉ đến từng chi tiết trên chiếc máy CMC (máy tạo hoa văn gỗ).
Theo nghệ nhân Đào Thị Hồng Thắm, người có hơn 20 năm làm nghề cho biết, nét độc đáo của sản phẩm mỹ nghệ Thiết Úng đó là với mỗi tác phẩm người làm đều chú ý vào việc tạo được cái thần thái trong tác phẩm. Tất cả chi tiết phải toát lên được sự đồng bộ, hài hoà, mềm mại và sinh động.
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nổi tiếng của làng nghề Thiết Úng như bức tượng Phúc - Lộc - Thọ, tranh tứ quý, tượng các con vật như lợn, rồng... được khách hàng trong và ngoài nước quan tâm và mua với số lượng lớn. Đến nay các sản phẩm điêu khắc mỹ nghệ đã được tiêu thụ phổ biến tại các tỉnh thành trong nước và được xuất khẩu tới một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…/.
Một số sản phẩm chạm khắc gỗ mỹ nghệ của người dân làng Thiết Úng:





 |
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Việt Cường
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/my-nghe-thiet-ung-102041.html