Nghệ thuật

Men gốm cổ Bát Tràng

Gốm Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội) nổi tiếng đẹp nhờ có cốt gốm dày dặn và đặc biệt là màu men thanh nhã, giản dị nhưng tinh tế, quyến rũ lạ thường. Vì thế mà vào khoảng thế kỉ XV – XVII, gốm Bát Tràng phát triển cực thịnh. Sản phẩm gốm Bát Tràng đã theo các thuyền buôn Trung Quốc và các nước Phương Tây đến với Nhật Bản cũng như nhiều nước ở Đông Nam Á và Nam Á.
Theo các nghệ nhân làng gốm cho biết, gốm Bát Tràng có năm dòng men đặc trưng là men lam, men nâu, men trắng ngà, men xanh rêu và men rạn. Thời xưa, nguyên liệu tạo men gốm chủ yếu được lấy từ tự nhiên như đá đỏ, vôi sống, tro trấu, cao lanh… Cách pha chế men gốm được xem như một phương thức bí truyền của từng dòng họ. Vì vậy, trải qua thời gian và năm tháng, những phương thức ấy cũng dần mai một đi.
  

Đầu rồng giả cổ men xanh ngọc.

Chum lam xanh ngọc bích trang trí rồng và hoa sen.

Độc bình rồng men xanh ngọc theo phong cách thời Nguyễn.

Lư đốt trầm lưỡng long men vàng.

Chân đèn giả cổ thế kỷ 17 men vàng nâu.

Bình hoa rồng-long mã men vàng và cô ban.

Lọ men vàng giả cổ thời Trần.

Ngày nay, nghệ nhân gốm Trần Độ, thế hệ thứ 18 của dòng họ Trần, một trong những dòng họ làm gốm lâu đời ở Bát Tràng, đã mày mò tìm ra được nhiều bí quyết pha chế các dòng men quý theo lối xưa. Ông hiện có trong tay khoảng 70 phương thức pha chế các loại men gốm thuộc 5 dòng men cổ của Bát Tràng.
Từ loại men nâu truyền thống vốn gần như đã thất truyền, nghệ nhân Trần Độ đã nghiên cứu phục chế lại hàng trăm sản phẩm gốm cổ từ thời Lý, thời Trần, thời Lê. Ông còn nghiên cứu phục chế thành công các dòng men rạn, men chảy với các màu trắng nâu, xanh ngọc để thể hiện trên các đồ gia dụng, đồ thờ cúng, tượng cổ… Nhờ đó mà nhiều hiện vật gốm Bát Tràng do nghệ nhân Trần Độ phục chế thành công đã được lưu giữ trang trọng tại đền Hùng (Phú Thọ), đền Đô (Bắc Ninh), đền Cổ Loa (Hà Nội), Khu di tích vua Lê và Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu (Hà Nội).
Gốm Bát Tràng hôm nay không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp trầm ấm, giản dị, độc đáo của các dòng men cổ mà còn lấp lánh những sắc màu men mới tươi vui, sống động và quyến rũ khách muôn phương./.
Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Trần Trường Giang & Tư liệu

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/men-gom-co-bat-trang-22016.html


top