Tiềm năng địa phương

Mãng cầu Bà Đen

Vùng đất Nam Bộ xưa nay nổi tiếng là vựa trái cây lớn nhất của cả nước. Tại Tây Ninh, mãng cầu Bà Đen là một đặc sản. Chiếm tới hơn 40% thị phần mãng cầu cả nước, mãng cầu Bà Đen đang được xem là một trong những mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế lớn của địa phương.
Mãng cầu (na) là loài cây ăn quả nhiệt đới có nguồn gốc từ vùng Caribe với tên gọi phổ biến là Annona. Trái mãng cầu có chứa nhiều đường, canxi, phospho, rất giàu các loại vitamin, nên rất tốt cho sức khỏe. Mãng cầu có nhiều loại gồm: mãng cầu dai, mãng cầu bở, mãng cầu thanh long, mãng cầu giấy, mãng cầu tím, mãng cầu da cóc... Trong đó, mãng cầu dai là giống phổ biến nhất và được trồng nhiều ở khu vực núi Bà Đen.
 

Mãng cầu Bà Đen nổi tiếng thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng.

Thu hoạch mãng cầu.

Ở khu vực núi Bà Đen, khí hậu quanh năm ôn hoà, ban ngày nhiều nắng nhưng không quá gay gắt, đêm kéo dài và nhiệt độ thấp tạo sự kích thích và thúc đẩy mãng cầu ra hoa. Đặc biệt, chính sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm ở đây bình quân khoảng từ 8 - 10oC và sự chênh lệch nhiệt độ giữa các mùa trong năm khoảng từ 1,5 - 3oC đã tạo sự ổn định khí hậu, giúp mãng cầu có thể ra hoa kết trái quanh năm. Vụ thu hoạch chính vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 9 hàng năm. Bên cạnh đó, vùng núi Bà Đen còn có chất đất xám điển hình trên nền phù sa cổ cùng với địa hình triền núi dốc thoai thoải không úng nước nên rất thích hợp cho việc trồng mãng cầu, một loại cây trồng nông và không chịu được ngập.

Hiện tại, các xã ven chân núi Bà Đen và vùng phụ cận đã trở thành vùng chuyên canh mãng cầu lớn nhất cả nước với diện tích khoảng gần 4.500 ha và quy hoạch dự kiến đến năm 2015 sẽ khoảng 5.000 ha. Từ năm 2005, Hợp tác xã mãng cầu Thạnh Tân, thị xã Tây Ninh đã được thành lập để thực hiện việc bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm mãng cầu Bà Đen. Trong những năm gần đây, nhờ có chủ trương bảo tồn và phát triển các giống nông sản quý của Nhà nước, nên việc phát triển loại cây mãng cầu ở Bà Đen cũng gặp nhiều thuận lợi.

Nhờ có chủ trương, chính sách phù hợp nên các xã quanh khu vực núi Bà Đen đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh mãng cầu. Việc hình thành các vùng chuyên canh vừa giúp phát triển nghề trồng mãng cầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, vừa góp phần giải quyết được bài toán công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động của địa phương, bằng cách thu hút họ tham gia vào các việc như trồng trọt, chăm sóc, thu hái, chế biến và kinh doanh mãng cầu.
 

Nghề trồng mãng cầu đem lại hiệu qủa kinh tế cao cho người dân.

Hiện nay, khoảng 80% lượng mãng cầu Bà Đen của Tây Ninh được tiêu thụ tại các chợ và siêu thị lớn ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước. Trong đó tập trung ở những thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, mãng cầu Bà Đen còn được xuất khẩu sang các nước Campuchia, Malaysia, Canada, Pháp,...

Mới đây, Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận đăng kí chỉ dẫn địa lí cho sản phẩm mãng cầu Bà Đen. Đây là một bước khởi đầu thuận lợi để thương hiệu mãng cầu Bà Đen phát triển mạnh trên thị trường, nâng cao sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại, tránh việc lạm dụng, giả mạo thương hiệu, gây ảnh hưởng đến uy tín của địa phương cũng như quyền lợi của người tiêu dùng./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Lê Minh

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/mang-cau-ba-den-32274.html


top