Đời sống Việt

Mãn nhãn những cây hồng cổ bonsai

Với hơn 30 năm gắn bó với nghề làm bonsai tiểu cảnh, anh Đào Mạnh Hùng đang sở hữu bộ sưu tập cây hoa hồng cổ bằng phương pháp uốn dáng cây bonsai độc đáo.
Có lẽ ai cũng choáng ngợp khi ghé thăm Công viên thực vật cảnh Việt Nam của anh Đào Mạnh Hùng nằm ở xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội với khoảng 20.000 gốc hồng gồm 300 giống hồng trên khắp thế giới và hơn 10 giống hồng nội địa. 

Anh Hùng cho biết, tại Việt Nam, cây cảnh bonsai từ lâu đã được nhiều người ưa chuộng. Khoảng 1,2 năm trở lại đây, nhu cầu xanh hóa không gian sống, cải thiện môi trường đem lại sự thông thoáng và trong lành của nhiều người ngày càng cao, đặc biệt là đô thị nên hồng bonsai bắt đầu thu hút được sự chú ý của giới làm nghề và trở thành lựa chọn hoàn hảo ngay cả những không gian chật hẹp nhất.


Anh Đào Mạnh Hùng chăm sóc tỉa lá thường xuyên để tạo thế cho cây.


Anh Đào Mạnh Hùng đang giới thiệu về cây hồng bonsai nhỏ của mình đến với người xem.



Hiện nay, hoa hồng bonsai đang là một thú chơi được nhiều người quan tâm vì nó có những thế cây độc đáo và cho những bông hoa đẹp quanh năm.



Ngoài việc chơi thế cây, người chơi cũng rất quan tâm đến vẻ đẹp của những bông hoa hồng.
Một cây hoa hồng bonsai đẹp ngoài việc thế cây độc và lạ thì cũng phải cho ra những bông hoa sặc sỡ.



Người chơi hoa hồng bonsai thường ghép những mắt hoa hồng đẹp ở những vùng miền khác
vào cây hồng đã tạo dáng để tạo sự hoàn hảo về cả thế và hoa cho cây.



Vì hoa hồng là giống cây phát triển nhanh nên đòi hỏi người chơi phải thường xuyên cắt tỉa, gò dáng nếu không cây sẽ mọc khộng theo ý muốn.

Hồng bonsai giống như thiên nhiên thu nhỏ, trong đó công đoạn tạo hình để làm sao tạo ra một tổng thể thống nhất giữa cây và chậu được xem là yếu quan trọng, quyết định đến giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ của cây. Việc tạo hình của cây phụ thuộc vào phong cách sáng tạo của người trồng khi ghép cây. Với mỗi sự sắp xếp, thay đổi đã tạo nên một cây hồng bonsai nghệ thuật mang phong cách khác nhau.

Các giống hồng truyền thống của Việt Nam thường được dùng ghép là hồng Bạch, hồng Nhung, hồng cổ Văn Khôi... Bên cạnh đó là một số giống hồng ngoại được nhập từ nước ngoài về như Nhật, Mỹ, Anh, Pháp…Để có giống hồng nhập ngoại để ghép, anh Hùng đã cất công tìm hiểu rất nhiều và đặt giống qua nhiều năm rồi tìm cách thuần chủng để thích nghi với khí hậu ở Việt Nam

Trong quá trình ghép cây, người trồng thường ghép trong khoảng thời từ 9-10 giờ sáng hoặc từ 3-5 giờ chiều. Sau khoảng 19-20 ngày, khi chỗ mắt ghép đã liền thì người trồng sẽ cho mở mắt vào khoảng thời gian buổi chiều để tránh ánh nắng không bị xiên vào lớp da non ở giữa mắt ghép và thân mẹ. Sau 1 tuần là cây có thể nảy lộc từ 1-2cm và người trồng chăm sóc chế độ dinh dưỡng theo từng loại để cây trở thành cây trưởng thành. Với sự độc đáo về ngoại hình, thân hồng bonsai càng xù xì và già cỗi thì càng đẹp và có giá trị.



Một cây hoa hồng cổ Sapa có độ tuổi hàng trăm năm được trưng bày tại Lễ hội hoa hồng.




Một số tác phẩm hoa hồng bonsai có nhiều dáng khác nhau được tạo từ việc ghép giữa giống hoa hồng ngoại và Việt Nam với nhau.


Hiện nay, hoa hồng bonsai đang là một thú chơi được nhiều người quan tâm vì nó có những thế cây độc đáo và cho những bông hoa đẹp quanh năm.



Ban giám khảo chấm thi những sản phẩm hồng bonsai được đem dự thi trong lễ hội hoa hồng được tổ chức ở Việt Nam.

Đến Công viên thực vật cảnh Việt Nam, người yêu hoa hồng có thể chiêm ngưỡng và được ngắm nhìn từ những giống hoa từ truyền thống đến ngoại nhập như hồng nhung, hồng leo, hồng Tường Vy, hồng chùm son, hồng 3 màu, hồng leo Thanh Hương, hồng Hoàng Khánh, hoa hồng Minh Tú, hoa hồng Cát Anh, hồng Abraham Darby, hồng Mon Coeur… Bạn còn có cơ hội chiêm ngưỡng những loài hoa hồng ngoại quý hiếm như hồng Bạch Cổ, hồng Khai Tuệ, hồng Tầm Xuân Bắc, cây hoa hồng cổ thân gỗ… Bên cạnh đó, Công viên thực vật cảnh Việt Nam cũng tổ chức tour du lịch để các bạn trẻ và các gia đình đưa con đến tham quan, có thêm kiến thức bổ ích bổ ích và trau dồi kỹ năng sống.

Ngoài ra, nhận thấy nhu cầu không gian xanh trong cuộc sống hiện nay ngày càng được nhiều người sử dụng hồng bonsai để bày trí,  anh Hùng cũng kinh doanh việc bán nhiều cây được đặt những tên gọi Việt Nam như Hồng Vân, Nguyệt Cát, Vân Khuê, Hoài Thu… để người mua dễ gọi và dễ nói chuyện với nhau về cách chăm sóc hơn./.

 
Bài: Ngân Hà- Ảnh: Tất Sơn

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/man-nhan-nhung-cay-hong-co-bonsai-275694.html


top