Nội dung của dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo cần bám sát, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với các quy định mạnh mẽ phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và tiến gần tới thông lệ quốc tế.
Đây là yêu cầu được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Trưởng ban soạn thảo dự thảo Luật nêu rõ tại Phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập về Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, diễn ra ngày 25/12, tại Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, hiện nay, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang phát triển rất mạnh mẽ, có vai trò ngày càng quan trọng và được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng mới, đưa đất nước trở thành nước phát triển vào năm 2045 như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết nhấn mạnh: “Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Bộ trưởng đề nghị, việc xây dựng dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo cần dựa trên các quan điểm: Mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật sang khu vực ngoài công lập để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, đóng góp ngày càng hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tinh gọn bộ máy để tập trung đầu tư nâng cao năng lực của các tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập; thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; thu hút đầu tư ngoài ngân sách cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo, nhất là trong hoạt động quản lý nhà nước; nâng cao tính minh bạch, đạo đức và liêm chính trong hoạt động khoa học và công nghệ; tiếp tục kế thừa các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 còn phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với thực tiễn phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Báo cáo tại Phiên họp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Thị Ngọc Diệp cho biết, dự thảo Luật Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gồm 14 chương và 83 điều; trong đó có những nội dung chính, quan trọng được kế thừa từ Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013. Theo Nghị quyết số 55/2024/UBTVQH15 ngày 28/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đã nêu một số điểm nổi bật trong dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo như: Bổ sung quy định về tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập đặc biệt hoạt động trong các lĩnh vực Nhà nước ưu tiên đầu tư, bổ sung quy định về cơ chế tự chủ đối với tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập; bổ sung quy định cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập được tham gia thành lập, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức khoa học và công nghệ mà mình là thành viên tạo ra; đơn giản hóa các bước phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, giảm thời gian phê duyệt nhiệm vụ (đề xuất, xác định, tuyển chọn…) theo hướng giảm tải thời gian xét duyệt, yêu cầu, hồ sơ.
Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn cho rằng, đối với các tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập đặc biệt cần có cơ chế chính sách riêng để tạo thuận lợi phát triển nghiên cứu mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất bổ sung các nội dung liên quan đến chuyển đổi số vào dự thảo Luật nhằm tạo dựng một khung pháp lý vững chắc cho công cuộc chuyển đổi số trong thời gian tới.
Kết luận Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức các buổi làm việc với từng bộ, ngành, lĩnh vực liên quan để làm rõ hơn các nội dung trong dự thảo Luật; đồng thời, khẳng định sẽ tiếp thu tối đa những ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn./.
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/luat-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-can-nhung-quy-dinh-dot-pha-384627.html