Nghề Việt

Lụa tơ tằm Triệu Văn Mão

Là một trong những gia đình làm nghề dệt lụa tơ tằm lâu năm ở làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội), cơ sở lụa tơ tằm Triệu Văn Mão được biết đến là nơi sản xuất ra những tấm vải lụa mềm mại và các sản phẩm từ lụa đạt chất lượng đáp ứng thị yếu của người tiêu dùng hiện nay. Cơ sở lụa tơ tằm Triệu Văn Mão được Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội trao chứng nhận OCOP 3 sao cho ba sản phẩm lụa satin, trơn, vân.
Bà Nguyễn Thị Tâm- con dâu ông Triệu Văn Mão đồng thời cũng là chủ cơ sở cho biết, ban đầu gia đình ông Triệu Văn Mão sản xuất tại nhà, đến năm 1964, tất cả các hộ đều gia nhập vào Hợp tác xã dệt Vạn Phúc để làm gia công với nguồn nguyên liệu được nhà nước cung cấp để xuất khẩu sang khu vực Đông Âu. Đến năm 1986, khi không xuất khẩu được sản phẩm, Hợp tác xã nguy cơ giải thể nên gia đình nhà ông Mão đã được Hợp tác xã giao cho một nửa máy móc và không gian sản xuất để tiếp tục giữ nghề truyền thống của làng.

Bà Tâm cho biết: “Thời điểm đó gia đình tôi cũng gặp khó khăn bởi người làng Vạn Phúc chưa đi buôn bán bao giờ. Lúc ấy, bố tôi ở nhà vẫn tiếp tục cho xưởng sản xuất để giữ nghề. Còn những người khác trong gia đình phải đi làm kinh tế bên ngoài để duy trì cuộc sống gia đình cũng như hỗ trợ thêm vào việc sản xuất lụa tơ tằm khi đó”.



Gia đình nghệ nhân Triệu Văn Mão làm nghề dệt lụa lâu đời tại làng Vạn Phúc (Hà Nội).


Các công nhân dệt lụa tại cơ sở của gia đình nghệ nhân Triệu Văn Mão.


Một chiếc suốt của máy dệt lụa.


Tơ được bảo quản trong nước để có độ mềm khi dệt.


Những guồng quay tơ thủ công vẫn được sử dụng tại đây.



Những sợi tơ đã được xử lý để có những màu sắc khác nhau.


Du khách nước ngoaòi thăm quan xưởng dệt của gia đình nghệ nhân Triệu Văn Mão.


Du khách tìm hiểu về quá trình con tằm nhả tơ tại xưởng.


Khách thăm qua khung dệt cổ của gia đình nghệ nhân Triệu Văn Mão.



Khách tham quan và mua sản phẩm tại cửa hàng của gia đình nghệ nhân Triệu Văn Mão.

Như là duyên nợ với nghề dệt lụa tơ tằm, năm 1993 bà Tâm bỏ kinh doanh bên ngoài để về cùng bố mình tiếp tục nghề truyền thống lâu đời của gia đình. Khi đó, gia đình ông Mão chỉ làm sản xuất lụa vân là sản phẩm đặc trưng của làng lụa Vạn Phúc. Bà Tâm đã bàn với ông Mão, nếu muốn duy trì việc sản xuất tiếp sản phẩm lụa vân thì cần phải sản xuất ra những sản phẩm lụa 2 màu có giá tiền vừa phải để ai cũng có thế mua được. Vì thế, gia đình nhà bà đã bắt tay sản xuất sản phẩm lụa được làm với tỉ lệ 70% sợi tơ tằm và 30% sợi tơ bóng. Sản phẩm này khi đó đã được khá nhiều người mua và vẫn còn xuất khẩu được một phần sang các nước Đông Âu.

Bà Tâm cho biết, trước đây gia đình bà hay nhập nguyên liệu tơ từ Vĩnh Phúc. Nhưng cách đây khoảng 5 năm, sau chuyến đi tham quan ở vùng Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức, khi đã kết nối được các cơ sở trồng dâu nuôi tằm nên đã chuyển sang nhập nguồn nguyên liệu ở Lâm Đồng về để sản xuất ra các mặt hàng có chất lượng cao hơn.

Từ những sợi tơ được nhập ở Lâm Đồng về, sẽ được đem dệt thành tấm vải mộc, sau đó đem nấu cho mềm ra và nhuộm màu. Có điểm đặc biệt là hiện nay, cơ sở vẫn duy trì việc sản xuất các tấm vải lụa vân. Việc sản xuất vải lụa vân nhiều công đoạn hơn những vải lụa khác, đòi hỏi sự kiên trì và đam mê của người làm. Để tiếp tục giữ nghề dệt thì cơ sở lụa tơ tằm Triệu Văn Mão còn đào tạo nghề cho nhiều bạn trẻ muốn học nghề dệt. Công việc đào tạo vẫn tiếp dẫn dù nghệ nhân Triệu Văn Mão đã qua đời.

Đến nay, không chỉ sản xuất ra những tấm vải lụa đa dạng như satin, trơn, vân… cung cấp cho khách mua, cơ sở lụa tơ tằm Triệu Văn Mão còn cung cấp sản phẩm làm quà tặng và sử dụng trong cuộc sống thường ngày như quần áo, khăn, áo dài… Năm 2019, cơ sở lụa tơ tằm Triệu Văn Mão được Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội trao chứng nhận OCOP 3 sao cho ba sản phẩm lụa satin, trơn, vân.







Một số sản phẩm lụa tơ tằm như lụa trơn, lụa  satin hoa, lụa vân  của gia đình nghệ nhân Triệu Văn Mão đạt chứng nhận OCOP do UBND TP Hà Nội trao.


Một số sản phẩm áo cộc tay nam với chất liệu là lụa tơ tằm.


Logo thương hiệu “Mão Silk” được in lên sản phẩm lụa của gia đình.


Các thiếu nữ thướt tha trong bộ áo dài lụa tơ tằm.

Bên cạnh đó, để phát triển thêm thương hiệu sản phẩm, hiện nay cơ sở lụa tơ tằm Triệu Văn Mão còn phối hợp với các công ty du lịch ở Hà Nội và sở du lịch một số tỉnh thành để đưa khách du lịch tới tham quan nghề dệt và sản phẩm của gia đình nói riêng và làng lụa Vạn Phúc nói chung.
 
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Trần Thanh Giang

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/lua-to-tam-trieu-van-mao-245293.html


top