Cái sự đặc biệt đầu tiên ở lớp học đặc biệt trên đảo Trường Sa Lớn này có lẽ phải nói đến cô giáo Nhung. Chị Nhung là cô giáo duy nhất trên đảo, nên vừa đảm nhận dạy 4 lớp vừa kiêm luôn vai trò hiệu trưởng của trường. Trước khi viết đơn tình nguyện xin ra dạy ở Trường Sa, chị Nhung đang công tác tại Trường tiểu học Suối Cát, xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà.
Bỏ qua tất cả những mường tượng, những lời khuyên nhủ của bạn vè, gia đình về sự khó khăn vất vả khi ra công tác ở đảo xa, chị vẫn quyết tâm với lời tự nhủ: “Mình đã quyết tâm thì chấp nhận mọi sự gian khổ!”.
Chúng tôi đến thăm buổi học hè của lũ trẻ trên đảo đúng lúc cô giáo Nhung đang bị viêm họng hạt. Cổ tuy đau, nói không rõ tiếng nhưng chị vẫn cố gắng lên lớp. Giờ ra chơi, chị đã kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện thú vị về lớp học đặc biệt và về lũ học trò đáng yêu của mình trên hòn đảo xa xôi này.
“Ngày chuẩn bị đồ đạc để ra đảo, mình nghĩ ngoài đó chắc thiếu thốn, nhà cửa lụp xụp, không có cây xanh, chỉ toàn đá và san hô…nên không mang theo bất cứ một đôi giày cao gót hay bộ áo dài nào cả, vì nghĩ rằng ra đó chỉ cần ăn bận đơn giản để đi dạy chứ mặc đồ đẹp cũng chẳng để làm gì. Đến ngày khai trường, các chiến sĩ trên đảo hỏi sao cô không mặc áo dài mới thấy thật mắc cỡ!”, cô giáo Nhung đã hiền lành tâm sự về những ngày chuẩn bị ra đảo của mình như thế.
Trước khi Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa khánh thành, cô giáo Nhung và 7 học trò của mình phải học tạm ở một căn phòng nhỏ của nhà văn hóa trên đảo. Ngày đó, cô phải kê 3 chiếc bảng to ở ba hướng khác nhau, bàn ghế cũng phải kê như vậy để dạy cho các em từ lớp 1 đến lớp 4 trong cùng một lớp. Tuy điều kiện cơ sở còn hạn chế nhưng cả cô và trò vẫn đảm bảo chương trình của Bộ giáo dục như trong đất liền.
Điều mà chúng tôi cảm nhận rõ nhất khi trò chuyện với cô giáo Nhung đó là sự quan tâm và lo lắng của cô đối với các học trò của mình. Cô luôn đau đáu một điều là làm sao dạy cho thật tốt để các học trò của mình không phải thua thiệt và có thể theo kịp với các bạn ở trong đất liền.

Đã 5 năm nay, cô giáo Bùi Thị Nhung gắn bó với Trường học tiểu học thị trấn Trường Sa và 7 đứa học trò đáng yêu của mình.

Chị Nhung là cô giáo duy nhất trên đảo, nên vừa đảm nhận dạy 4 lớp vừa kiêm luôn vai trò hiệu trưởng của trường.

Lớp của cô giáo Nhung rất đặc biệt vì có tới 4 lớp khác nhau (từ lớp 1 đến lớp 4) cùng học chung,
vì thế mỗi buổi học cô phải dạy 4 giáo án khác nhau.

Giờ học văn ngày thứ Sáu, cô giáo Nhung dạy chung cho cả lớp bài "Đồng dao biển đảo"
với ước mong vun đắp thêm cho tâm hồn con trẻ tình yêu biển đảo của quê hương.

Lũ trẻ quấn quýt thương yêu nhau và cùng giúp nhau học hành tiến tới.

Vì vậy, dẫu ở xa đất liền còn nhiều thiếu thốn nhưng không vì thế
mà kết quả học tập của các cháu thua kém so với các bạn ở trong đất liền.

Nguyễn Trinh Si, cậu học trò cá tính và có tâm hồn yêu biển đảo của cô giáo Nhung.

Đường từ nhà đến trường lúc nào cũng rộn vang tiếng cười hồn nhiên của lũ trẻ.

Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng trường vẫn cố gắng trang bị cho các cháu khu vui chơi khá tiện nghi và đầy đủ.

Khu xóm nhỏ bình yên này chính là tổ ấm của những đứa trẻ ở lớp học đặc biệt trên đảo Trường Sa Lớn.

Cậu bé Nguyễn Trinh Si mừng vui vì được nhận quà gửi ra từ đất liền. |
Ở nơi đảo xa, ngoài thời gian dạy chương trình của Bộ giáo dục, cô giáo Nhung còn lồng ghép vào đó các giờ học ngoại khóa như: dạy cho các cháu những bài thơ, bài hát về biển đảo, về Bác Hồ; giảng cho các cháu hiểu về biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa; dạy môn vẽ về các chủ đề gần gũi với đời sống của các cháu như tàu thủy, biển đảo, chiến sĩ… Vào các dịp lễ như ngày sinh nhật Bác hay ngày Quốc khánh, cô Nhung còn tổ chức đưa các học trò đi thắp hương đài tưởng niệm liệt sĩ, nhà tưởng niệm Bác Hồ, thăm mộ liệt sĩ trên đảo… Cô Nhung tự hào khoe với chúng tôi về lũ học trò của mình, bởi với cô, những cô cậu học trò của mình là những người đặc biệt nhất, chúng không chỉ là học trò mà còn là những người bạn nhỏ để cô gửi gắm chia sẻ niềm vui nơi đảo xa.
Nhắc đến đám học trò của mình, cô Nhung nhớ nhất cậu bé Nguyễn Trinh Si. Si là cậu học trò cá biệt nhất nhưng cũng đặc biệt nhất lớp. Si ham chơi, học kém nhất lớp, sợ khi vào đất liền cháu không theo kịp bài vở với các bạn nên cô phải rèn cặp từng cái nét chữ, từng cách đánh vần. Ấy vậy mà cậu bé cứ học trước lại quên sau. Thế nhưng bé Si lại có một trí nhớ đặc biệt. Si có thể nhớ nằm lòng bàn tay tên tuổi, công việc của bất cứ chú bộ đội nào ở trên đảo. Bởi vậy, nhiều khi không nhớ hết tên các chiến sĩ trên đảo, cô Nhung chỉ cần hỏi bé Si là bé lại nói ra vanh vách. Nhiều lần cô hỏi Si sau này lớn lên thích làm nghề gì, nó đều nói con thích đi bộ đội, thích làm bác sĩ chữa bệnh cho các chú bộ đội. Biết học trò mình yêu biển đảo, yêu cuộc sống nơi đây nhưng sợ cháu mãi chơi không học nên cô thường phải dọa yêu cậu học trò cá tính của mình: “Muốn vào bộ đội thì Si phải cố gắng học chứ, học dốt là người ta không cho vào bộ đội đâu đấy!”.
Không chỉ cô giáo Nhung mà ở đảo này ai cũng quý cái lớp học đặc biệt này. Cô Nhung kể, có chiến sĩ trên đảo đã từng tâm sự rằng, từ ngày có các cháu nhỏ ra đây, đảo như được tiếp thêm sức sống mới, nhìn các cháu nhỏ, anh thấy vơi đi phần nào nỗi nhớ các con trong đất liền, nhờ đó mà luôn yên tâm công tác.
Cả ngôi trường chỉ có một lớp học. Cô Nhung vừa làm hiệu trưởng vừa làm chủ nhiệm, vừa trực tiếp giảng dạy. Cả cô và trò tổng cộng có 8 người. Thế nhưng 8 con người này đã góp phần tạo lên một sức sống mới, một tinh thần mới cho Trường Sa. Nhìn những đứa trẻ đáng yêu cùng người giáo viên tận tụy, yêu nghề, yêu đảo như cô giáo Nhung, chúng ta có quyền tin rằng, những mầm xanh tương lai này của đảo sẽ lớn lên, vững vàng tiếp bước cha anh trong công cuộc dựng xây và bảo vệ vững chắc biển trời của quê hương./.
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/lop-hoc-dac-biet-o-truong-sa-47755.html