Không tiếng trống trường, cũng chẳng có tiếng chuông, không có sự căng thẳng của việc thi cử, cũng chẳng có áp lực của điểm số, "lớp học Hy Vọng" của các bạn nhỏ ở Bệnh viện nhi Trung ương cứ thế đều đều diễn ra trong tiếng cười giòn tan của trẻ nhỏ, niềm lạc quan của các thầy cô giáo, các y bác sĩ và niềm hi vọng con mau khỏi bệnh của các bậc phụ huynh.
10h kém 15…
Cả lớp đã được 8 em. Bình thường, nếu không trùng vào thời gian tiêm thuốc, khám bệnh hoặc các em không mệt, đã xuất viện, sĩ số lớp là hơn chục em. Hôm nay, khi các tình nguyện viên lên dẫn các em xuống học, một số bé đang phải khám nên không thể tham gia. Nhưng thật kỳ lạ, lớp ít chẳng ai thấy buồn mà còn thấy vui hơn. Bởi với họ, điều đó có nghĩa là ít em nhỏ bị ốm, ít em phải nằm ở viện lâu dài và nhiều em đã khỏi bệnh về nhà. Và có lẽ trên thế giới, chưa một lớp học nào mà thầy cô lại mong càng ít học sinh… càng tốt như nơi đây.
10h…
Lớp có thêm 1 thành viên nữa và giờ học tiếng Anh được bắt đầu. Để mở đầu bài học về chủ đề mùa đông, cô giáo Khuất Thị Lê Quyên (giáo viên Tiếng Anh, Trường Mầm non Quốc tế GreenWorld, Hà Nội) đã dùng những câu hỏi đơn giản về tên, tuổi tác, quê quán để mọi người làm quen. Nếu không thuộc khuôn viên viện, nếu không được báo trước, ít ai nghĩ rằng lớp học này là dành cho các bé đang bị bệnh tật. Với câu hỏi What’s your name? How old are you? Và Where are you from?”… các em đều trả lời vanh vách. Có em đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh, em từ Thái Nguyên xuống, có em nhà ngay Hà Nội. Em bé nhất 4 tuổi rưỡi, em lớn cũng 11,12 tuổi. Mỗi em mang một căn bệnh khác nhau, nào tim, nào ung thư máu, nào giảm tiểu cầu… Cứ tưởng các em ngại ngùng, cứ ngỡ các em sẽ mặc cảm với bệnh tình, ấy nhưng các em phát biểu, giao tiếp bằng tiếng Anh như thể các em đang ở trường bình thường. Cô Quyên chia sẻ: “Đây là lần thứ 3 tôi tham gia giảng dạy tình nguyện ở đây. Mỗi lần lên lớp là một lần trải nghiệm cảm xúc khác nhau. Thương cảm với bệnh tình của các em, tiếc nuối khi các em thông minh, tiếp thu bài nhanh mà không đủ sức đến trường và hạnh phúc khi thấy các em cười, các em hát”.

Một buổi học tiếng Anh trong "lớp học Hy Vọng” của các bạn nhỏ ở Bệnh viện nhi Trung ương.

Cô giáo đang hướng dẫn các bệnh nhi nói những từ mới về đồ vật.

Các em được dạy cách viết, cách phát âm những từ tiếng Anh về các đồ vật gần gũi như: khăn, mũ, găng tay, tất…

Cô giáo Khuất Thị Lê Quyên (giáo viên tiếng Anh Trường Mầm non Quốc tế GreenWorld, Hà Nội)
trong giờ dạy tiếng Anh cho các bệnh nhi của "lớp học Hy vọng”.

Bình thường, sĩ số lớp là hơn chục em nhưng một số bé đang phải khám nên không thể tham gia.

Trong giờ nghỉ giải lao, các em nhỏ được chỉ định lên hát cùng cô giáo.

Bé Đặng Thị Kiều Trâm hớn hở khỏe: “Con rất thích vẽ, thích hát cô ạ!. Nhưng, sau này lớn lên, con sẽ trở thành một bác sĩ.
Con muốn chữa bệnh cho các bạn của con”. Vừa nói, Trâm vừa chăm chăm hoàn thành bộ xếp hình bàn ghế trong giờ nghỉ lao.

Lớp học có những em đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh, em từ Thái Nguyên xuống, có em nhà ngay Hà Nội. Em bé nhất 4 tuổi rưỡi,
em lớn cũng tầm 11,12 tuổi. Mỗi em mang một căn bệnh khác nhau, nào tim, nào ung thư máu, nào giảm tiểu cầu…

Giờ nghỉ giải lao, các em được tham gia trò chơi.

Những ngón tay phồng to vì bệnh Fallo4 của bé Đặng Thị Kiều Trâm
đang thành thạo ghép những mảnh nhỏ của bộ xếp hình trong giờ nghỉ giải lao.

Những tấm thiệp xinh xắn này chứa đựng bao ước mơ của những bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện nhi Trung ương. |
«...
- Lớp học Hy Vọng được thành lập vào ngày 16/11/2011.
- Thời gian học từ 10h đến 11h20 sáng; từ 15h đến 16h20 chiều, từ thứ 2 đến thứ 6.
- Các thầy cô giáo, các anh chị phụ trách đều là những tình nguyện viên hết lòng yêu thương các em, giúp các em phần nào quên đi nỗi đau thể xác bằng việc dạy các em con chữ, học hát, học vẽ và chơi các trò chơi.
- Tiêu chí hoạt động của lớp: “Các em không thể đến trường học chữ vì bệnh tật, chúng ta hãy mang lớp học đến bên giường bệnh cho các em”. |
11h kém 15…
Sau khi đã biết áo len, găng tay, khăn mũ tiếng Anh nói như thế nào, các em được tham gia trò chơi “Ghế ít mít nhiều”. 9 em được nghe một đoạn nhạc khi đi vòng quanh 8 chiếc ghế. Khi cô giáo dừng nhạc ở đâu các em phải nhanh chân chọn ngay 1 ghế cho mình ngồi. Nếu em nào không có chỗ sẽ bị loại và bị phạt hát 1 bài. Cô Quyên cho biết thêm: “Trước mỗi lần lên lớp ở đây, ngoài việc soạn giáo án, tôi còn phải chuẩn bị các trò chơi đặc biệt. Sao cho các em chơi không dùng sức quá nhiều mà vẫn vui, vẫn tràn ngập tiếng cười”. Câu bé Hứa Trung Hiếu năm nay 5 tuổi, quê ở Thái Nguyên. Hiếu vào viện khoảng 5 hôm, trừ hôm đầu tiên phải khám để chẩn đoán bệnh còn hầu như buổi nào cậu bé cũng có mặt ở lớp. Anh Nguyễn Anh Sơn, cậu Hiếu chia sẻ: “Hôm nay Hiếu xuất viện nhưng vẫn đòi đi từ sáng. Ngày đầu có cậu dẫn đi nhưng mấy hôm sau, cu cậu toàn tự xuống trước. Hôm nào đi học về là y rằng tối hôm đó véo von kể chuyện, cứ cười nói suốt còn hát cả tiếng Anh nữa”. Theo bác sĩ, Hiếu được chẩn đoán là mắc bệnh giảm tiểu cầu, khi mới vào tay chân em đều nổi các mảng bầm máu tụ. Sau những ngày điều trị, đến hôm nay gần như không còn các vết đó, nên em được xuất viện. Tuy nhiên, bác sĩ yêu cầu gia đình vẫn cần phải theo dõi và kiểm tra nữa. Khuôn mặt thiên thần, sang sủa, nhìn Hiếu cười với bạn bè, Hiếu hát cùng cô giáo, chẳng ai ngờ cậu bé đã từng vật vã chiến đấu với bệnh tật, đã từng ở giữa ranh giới mong manh sinh tử.
Ở lớp còn một cô bé tên là Đặng Thị Kiều Trâm đến từ Hà Tĩnh khá đặc biệt. Ai vào đây cũng ấn tượng với cô bé bởi nụ cười má lúm xinh xắn đáng yêu. Trâm hớn hở khỏe: “Con rất thích vẽ, thích hát ạ. Nhưng sau này lớn lên, con sẽ trở thành một bác sĩ. Con muốn chữa bệnh cho các bạn của con”. Vừa nói, Trâm vừa chăm chăm hoàn thành bộ xếp hình bàn ghế trong giờ nghỉ lao. Dường như em chẳng để ý đến những ngón tay phồng to vì bệnh Fallo4 (tim bẩm sinh) của mình. Bị Fallo4, Trâm buộc phải trải qua 3 lần phẫu thuật để thay tim nhân tạo. Lúc mới vào, toàn thân Trâm tím tái, sau khi phẫu thuật lần 1, đến hôm nay trông em đã sáng sủa hơn. Cô Phạm Thị Oanh, mẹ Trâm kể: “Nhìn người bé tẹo như trẻ em mẫu giáo vậy thôi chứ cô bé đã lên lớp 2 rồi. Trâm ham học và học giỏi lắm, ở lớp còn làm Sao đỏ nữa. Từ hôm vào viện đến nay, chỉ trừ mấy hôm mệt vì phẫu thuật còn hầu như buổi nào em cũng đến lớp. Mà đi học về là tỉ tê đủ thứ chuyện, nào là học bài gì, chơi trò gì, ai bị phạt ai được thưởng. Thấy bé vui vẻ, chị không còn gì hạnh phúc hơn”.
11h30
Lớp học tan… nhưng nhiều em vẫn nán lại đọc truyện, chơi xếp hình. Với các em, dường như thời gian học, thời gian được đọc sách, được vui chơi không bao giờ là đủ.
Kết thúc buổi học, một câu chào của cả cô lẫn trò làm gian phòng bỗng dưng nín lặng:
- “Hi vọng rằng sẽ không được gặp các em lần nữa ở đây”- Cô.
+ “Dạ vâng ạ”- Trò.
Ở lớp thường, việc hẹn gặp lại học sinh của mình vào buổi sau là điều đáng mong đợi. Nhưng ở đây, hi vọng lớn nhất của mọi người là… không phải gặp lại nhau ở lớp học này. Không phải vì ghét nhau mà vì như thế nghĩa là bé đã được xuất viện, đã lành vết thương.
Nằm yên bình bên cạnh những căn phòng nhuốm màu sinh ly tử biệt, "lớp học Hy vọng" như một không gian cổ tích chan chứa ước mơ, khát vọng sống của tất cả các em. Nơi đây cũng là khoảng lặng hạnh phúc nhất của những ông bố, bà mẹ khi thấy con hồn nhiên, vui tươi như bao đứa trẻ bình thường khác./.
Thực hiện: Công Đạt
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/lop-hoc-ben-giuong-benh-42021.html