Trong khuôn khổ chương trình “Biển đảo trong lòng đồng bào”, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa vừa được người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) trang trọng tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội). Đây không chỉ là nghi lễ tôn vinh những binh phu xưa đã bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam mà còn là minh chứng sống động khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.
Trong khuôn khổ chương trình “Biển đảo trong lòng đồng bào”, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa vừa được người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) trang trọng tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội). Đây không chỉ là nghi lễ tôn vinh những binh phu xưa đã bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam mà còn là minh chứng sống động khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa vừa được trang trọng tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội).
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa có lịch sử hàng trăm năm được tổ chức tại Âm Linh tự (một di tích được xếp hạng quốc gia trên đảo Lý Sơn) vào khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ là dịp tri ân, tưởng nhớ những người lính đã lên đường làm nhiệm vụ tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Họ đã cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền quốc gia, và thực hiện các nhiệm vụ như đo đạc hải trình, thu lượm sản vật theo lệnh của triều đình nhà Nguyễn. Được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2013, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ mang ý nghĩa tín ngưỡng mà còn là một biểu tượng lịch sử của tinh thần quả cảm, sự hi sinh không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ thủy binh Việt Nam.
Theo các tài liệu lịch sử, vào thế kỷ 17, triều đình nhà Nguyễn đã thành lập Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, tuyển chọn những trai tráng khỏe mạnh, giỏi bơi lội từ đảo Lý Sơn. Họ đảm nhận các chuyến đi biển dài ngày đầy gian khổ để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên biển. Các chuyến đi thường kéo dài nhiều tháng với vô số hiểm nguy từ sóng gió và bão tố. Nhiều người trong số họ đã không bao giờ trở về. Từ đây, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ra đời như một nghi lễ cầu an và tưởng niệm, mong những người đi giữ biển được bình an trở về nhà.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính.
Trong nghi lễ, người dân làm những hình nhân bằng giấy, tạo hình đội binh Hoàng Sa, đặt trên thuyền mô hình, và mang đến cử hành tế lễ tại đình làng. Sau khi hoàn thành các nghi thức, những mô hình này được thả trôi ra biển. Hình ảnh ấy thể hiện tâm nguyện những hình nhân thế mạng sẽ chịu mọi rủi ro thay cho người lính. Đây là cách người dân gửi gắm niềm tin và tiếp thêm ý chí cho những người đi làm nhiệm vụ.
Trong buổi tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, các nghi lễ như lễ chánh tế, lễ thả thuyền và hình nhân thế mạng đã được tái hiện sinh động bởi người dân đảo Lý Sơn. Đông đảo du khách tham dự không chỉ được trải nghiệm một phần truyền thống độc đáo, mà còn cảm nhận được lòng yêu nước, ý chí bảo vệ biển đảo của người Việt Nam xuyên suốt qua nhiều thế hệ.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ là dịp tri ân các bậc tiền nhân mà còn là một sự nhắc nhở đầy ý nghĩa cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ từng tấc đất của tổ quốc. Qua buổi lễ, lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc được truyền tải, khơi dậy và giữ gìn, như một ngọn lửa thiêng chưa bao giờ tắt trong trái tim mỗi người.
- Bài, ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/linh-thieng-le-khao-le-the-linh-hoang-sa-382034.html