Chân dung

Lê Xuân Tùng người thổi hồn vào tò he truyền thống

Với niềm đam mê nghệ thuật cũng như mong muốn sáng tạo ra những đồ chơi độc đáo, chất lượng, Lê Xuân Tùng đã kế thừa và phát huy truyền thống làm tò he của gia đình.

Sinh ra và lớn lên tại làng Xuân La, huyện Phú Xuyên (Hà Tây cũ),  nay là Hà Nội – cái nôi của nghề làm tò he, cũng như bao đứa trẻ khác trong làng, Lê Xuân Tùng ngay từ nhỏ đã  tiếp xúc với bột gạo đủ màu sắc, nguyên liệu chính để làm tò he.

Lê Xuân Tùng trở thành nghệ nhân tò he tài hoa nhờ vào tài năng thiên bẩm cũng như óc sáng tạo và ý chí kiên cường.

Từ những cục bột mà người lớn làm còn dư lại, Xuân Tùng bắt chước nặn các hình  theo những gì mà anh quan sát và học được từ các thành viên trong gia đình anh. Ban đầu, anh chỉ nặn những con vật quen thuộc có hình thù đơn giản, dần dần tay nghề của anh được cải thiện cùng với sự chỉ dạy của các nghệ nhân. Đến năm 12 tuổi, Xuân Tùng chính thức trở thành nghệ nhân tò he và có thể làm cùng với gia đình.

Năm 17 tuổi, Xuân Tùng cùng anh trai vào TP.HCM lập nghiệp. Tại nơi đất khách, quê người, nghề nặn tò he thu nhập thấp lại không ổn định, hai anh em phải bươn chải, làm đủ mọi nghề để mưu sinh như  biểu diễn xiếc, nặn bong bóng, viết thư pháp… Sau nhiều gian nan, Xuân Tùng mới nhận ra tò he là con đường để khởi nghiệp và anh quyết định quay trở lại với nghề.


Nghề làm tò he không đòi hỏi nhiều vốn cũng như mặt bằng. Dụng cụ hành nghề đơn giản, gồm một tráp nhỏ đựng những viên bột đủ màu sắc, những que tre được vót cẩn thận tròn đều, cái lược nhỏ, cục sáp nến... Nhìn bề ngoài nhiều người nghĩ nặn tò he không quá khó, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Nặn tò he như một môn nghệ thuật, đòi hỏi người làm phải khéo léo, sáng tạo, chính xác trong từng chi tiết thì mới tạo ra sản phẩm bắt mắt.

Mặc dù Khó khăn, vất vả là vậy thế nhưng mỗi khi nhìn thấy ánh mắt thích thú, hiếu kỳ của các em nhỏ quây quanh, đan xen là tiếng rầm rồ thốt lên mỗi khi đôi bàn tay điêu luyện bóp nặn từng cục bột, dứt khoác trong từng thao tác, trong long anh lại dâng lên cảm giác vui đến lạ thường. Đó cũng chính là động lực thúc đẩy Tùng kiên trì với nghề.


Với mong muốn đưa món trò chơi dân gian tò he đến với đông đảo mọi người, đặc biệt là trẻ em thành phố, vốn dĩ chỉ biết đến những món đồ chơi hiện đại, năm 2014, Xuân Tùng tham gia chương trình Vietnam’s Got Talent với những màn trình diễn nặn tò he hết sức điêu luyện và anh đã được lọt vào Top 49 thí sinh xuất sắc nhất của cuộc thi.

Không dừng lại ở đó, anh còn khiến ban giám khảo cũng như khán giả bất ngờ khi vẽ tranh bằng chính bột tò he trong đêm bán kết chương trình.Tiết mục đã nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ khán giả và ban giám khảo. Đây chính là sự đổi mới vượt bậc mà Xuân Tùng đã làm được – đưa nghề nặn tò he trở thành nghệ thuật biểu diễn. Tò he không chỉ đơn thuần là những hình mẫu trên thanh tre nhỏ nữa, mà trở thành những bức tranh mang đậm nét văn hóa, đặc trưng của Việt Nam.

Giống như các loại đồ chơi truyền thống nói chung, tò he hiện nay đang phải cạnh tranh với đồ chơi hiện đại. Tuy nhiên, với màu sắc bắt bắt, hình dáng ngộ nghĩnh, đáng yêu, tò he vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với trẻ em và cả với người lớn.




Chia sẻ về dự định tương lai, Xuân Tùng mong muốn có thể tìm ra nguyên liệu mới thay thế bột gạo. Đây cũng chính là điều khó khăn nhất của nghề tò he, bởi vì tò he làm ra chỉ bảo quản được trong thời gian ngắn, khoảng 2-3 tháng.  Ngoài ra, vào các ngày lễ hội hay các dịp đặc biệt, anh sẽ cho ra mắt những sản phẩm gắn liền với nét văn hóa đặc trưng như: nhân vật chị Hằng, chú Cuội mặc trang phục Việt Nam nhưng với khuôn mặt chibi vào tết Trung Thu, ông già Noeel đứng cạnh Elsa vào lễ Giáng sinh…

Xuân Tùng hiện là một trong số ít những nghệ nhân tò he trẻ kiên trì bám trụ với nghề với mong muốn giữ gìn làng nghề truyền thống mà ông cha để lại và truyền lửa cho những thế hệ mai sau./.

Làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nghề nặn tò he. Đây cũng là làng nghề tò he duy nhất ở Việt Nam. Không chỉ là một nghề mưu sinh, nặn tò he ở làng Xuân La đã trở thành nét đẹp văn hóa dân gian, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, bản sắc văn hóa và cội nguồn dân tộc Việt Nam. 

 Thực hiện: Thông Hải

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/le-xuan-tung-nguoi-thoi-hon-vao-to-he-truyen-thong-326085.html


top