Chân dung

Lê Huy Tiếp và những mảng màu hiện thực lãng mạn

Họa sĩ Lê Huy Tiếp nổi tiếng trong làng mỹ thuật hiện đại Việt Nam với thể loại tranh sơn dầu khổ lớn. Tranh của ông để lại nhiều cảm xúc trong lòng người xem với gam màu tươi sáng và đặc biệt là bằng bút pháp hiện thực lãng mạn nhưng giàu tính triết lý nhân sinh quan.
Họa sỹ Lê Huy Tiếp sinh ngày 17/4/1951, quê ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Năm 1965, chàng trai xứ Nghệ mới 15 tuổi nhưng với niềm đam mê hội họa cháy bỏng đã liều mình đạp xe khoảng 300 cây số từ Nghệ An ra Hà Nội để đi học trong điều kiện khói lửa chiến tranh phá hoại của bom đạn Mỹ ở miền Bắc Việt Nam. Năm 1966, Lê Huy Tiếp thi đỗ vào trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Năm 1969, Tiếp được cử đi học tiếp tại Khoa Đồ họa trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Matxcơva ở Liên Xô (cũ).

Năm 1975 ông tốt nghiệp và về giảng dạy ngành đồ họa và hội họa tranh tường tại trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội cho đến tận năm 2002. Ông từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1976 ghi nhận thành công đầu tiên của họa sĩ Lê Huy Tiếp khi mới 25 tuổi với bức tranh sơn dầu "Cô gái và con chó trắng". Tác phẩm như dấu ấn khởi đầu cho những sáng tạo nghệ thuật hội họa tranh sơn dầu của ông. Bức "Cô gái và con chó trắng" gây chấn động thời bấy giờ bởi một hình thức diễn tả kỹ lưỡng và các hình ảnh được mô tả theo một cách nhìn mới lạ trong Mỹ thuật Việt Nam.

Với cái nhìn của chủ nghĩa hiện thực lãng mạn pha lẫn yếu tố siêu thực và bằng kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu nhuần nhuyễn, Lê Huy Tiếp đã cho ra đời nhiều tác phẩm tranh sơn dầu độc đáo như: "Sáng tác" (1978), "Miền Trung" (1980), "Nghề Biển" (1980), "Chiến tranh" (1986), "Hoà Bình"(1986), "Cái bàn của người trực ca" (1987), "Gió nóng" (1990), "Quê hương" (1990),"Tĩnh vật đêm Nha Trang" (1996), "Đợi" (1997), "Chân dung nhà phê bình Mỹ thuật Thái Bá Vân" (1998), "Trời và đất" (2003), "Nhìn ra biển" (2007), "Kỷ vật" (2009)... Trong đó có nhiều bức hiện đang được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
 

Họa sỹ Lê Huy Tiếp.


Người nổi tiếng với những bức tranh sơn dầu đậm chất chủ nghĩa hiện thực lãng mạn.

Bút pháp tả thực của ông luôn giàu tính triết lý nhân sinh quan.

Họa sỹ Lê Huy Tiếp giới thiệu kỹ thuật làm tranh in khắc với các đồng nghiệp.

Họa sỹ Lê Huy Tiếp tâm sự: "Tôi vẽ như viết hồi ký, viết ra những suy nghĩ về cuộc đời mà chủ yếu là hình ảnh con người sống và chết, tình yêu và chiến tranh, con người với thiên nhiên. Tôi nghĩ rằng, mỗi bức tranh đều là câu chuyện gắn bó với cuộc sống của tôi".

Lê Huy Tiếp diễn tả con người và cảnh vật trên tranh với những bố cục thoáng đạt, không gian rộng nhưng vô cùng chặt chẽ. Không chỉ để ghi lại chính xác cái đẹp của sự vật mà quan trọng hơn tác giả muốn gửi những tư tưởng kín đáo bằng con mắt quan sát tinh tế, từ đó cuốn hút người xem đưa họ tiếp cận với chủ đề tác phẩm.

Cuộc đời sáng tác của họa sĩ Lê Huy Tiếp đã được khẳng định qua 04 tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007 gồm: "Chiến tranh" (sơn dầu - 1987), "Đợi" (sơn dầu - 1977), "Eva trở về" (sơn dầu - 1997) và bộ tranh in độc bản "Môi trường biển" (2001). Sự kết hợp hài hòa giữa chủ nghĩa hiện thực với chủ nghĩa tượng trưng siêu thực xuyên suốt các tác phẩm của họa sĩ. Ở bức "Chiến tranh", trên nền trời tím tái bị che phủ bởi tầng khói xám và mặt đất bị hủy hoại đầy lửa và máu là bức họa Monalisa của danh họa vĩ đại Leonardo Da Vinci đang bốc cháy, tác giả muốn gửi gắm một thông điệp, đó chiến tranh không chỉ là sự hủy diệt vật chất và sự sống mà còn là sự hủy diệt về mặt tinh thần, trong đó có cả những giá trị văn hóa đã trở thành tài sản chung của nhân loại. Năm 1997, tác phẩm "Đợi" là hình ảnh đầy ẩn dụ về một bà mẹ đang mang thai nhìn ra bãi biển đầy giông bão như trông ngóng người thân và phía sau trên bức tường lỗ chỗ vết đạn của chiến tranh có bức tranh dân gian Đông Hồ "Đại Cát" ý như mong muốn mọi sự tốt lành cho dù thực tế cuộc đời vẫn còn lắm khổ đau.

Nhiều người nhận xét, hội họa hiện thực của Lê Huy Tiếp đã đi xa hơn nhiều hiện thực của thị giác, đánh thức những rung động sâu thẳm trong lòng người xem về một triết lý phương Đông mà ông tâm đắc, đó là sự cân bằng âm dương để tạo nên sự hài hòa trong cuộc sống con người. Vẻ đẹp của con người và cuộc sống được tôn lên nhờ ánh sáng và bóng tối, nhờ ngày và đêm, quá khứ và hiện tại, cái thiện và cái ác, cũng như những giá trị tư tưởng được nhận ra giữa ranh giới chiến tranh và hòa bình.
 

Tác phẩm "Đợi" (sơn dầu, sáng tác năm 1977, Giải thưởng Nhà nước năm 2007).

Tác phẩm "Chiến tranh" (sơn dầu, sáng tác năm 1987, Giải thưởng Nhà nước năm 2007).

Tác phẩm "Eva trở về" (sơn dầu, sáng tác năm 1997, Giải thưởng Nhà nước năm 2007).


Bộ tranh in độc bản "Môi trường biển" (sáng tác năm 2001, Giải thưởng Nhà nước năm 2007).

Tác phẩm"Cô gái và con chó trắng".

Tác phẩm "Tĩnh vật" .

Tác phẩm "Kỷ vật" .

Tác phẩm "Sáng tạo" .

Tác phẩm "Ngóng ra biển".

Tác phẩm "Bắt đầu" .

Tác phẩm "Trời và đất" .

Không chỉ thành công ở mảng tranh sơn dầu, họa sỹ Lê Huy Tiếp còn thành công cả ở lĩnh vực đồ họa với dòng tranh in khắc, một trong những loại hình nghệ thuật tồn tại lâu đời trên thế giới. Lê Huy Tiếp được xem là người đầu tiên đưa tranh độc bản vào Việt Nam, có nhiều đóng góp đào tạo thế hệ họa sĩ đồ họa trẻ và vực dậy phong trào sáng tác tranh in khắc do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Điển hình là bộ tranh "Môi trường biển" (In độc bản - 2001), họa sĩ đã sử dụng phối hợp nhiều kỹ thuật và đưa vào tranh không ít vật phẩm có sẵn trong tự nhiên để tạo nên chiều sâu, sự phong phú về không gian và màu sắc cho tác phẩm. Những con chuồn chuồn, bươm bướm, cánh hoa, nhành lá, những lông chim đủ sắc màu, sợi tóc, tấm ren mỏng... qua bàn tay điêu luyện của họa sỹ đã chuyển tải thành công ý tưởng kêu gọi bảo vệ môi trường đầy tính triết lý cuộc sống và nhân sinh quan.

Họa sĩ Lê Huy Tiếp là người đã cần mẫn lao động, suốt đời tìm tòi sáng tạo để cho ra nhiều tác phẩm nghệ thuật tạo hình độc đáo. Tên ông đã có chỗ trong lòng người yêu mỹ thuật Việt Nam. Và lịch sử mỹ thuật hiện đại nước nhà đã dành cho ông những vị trí trang trọng trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với những tác phẩm mỹ thuật nổi tiếng thành công ở cả chất liệu sơn dầu và đồ họa./.
Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Trịnh Văn Bộ

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/le-huy-tiep-va-nhung-mang-mau-hien-thuc-lang-man-40327.html


top