Văn hóa

Lê Hồng Phong - ngôi trường của những trí thức lớn

Trường Trung học Phổ thông (THPT) chuyên Lê Hồng Phong, tiền thân là trường Petrus Ký, được xây dựng năm 1927, mang lối kiến trúc cổ điển Pháp, là một trong ba ngôi trường THPT lâu đời nhất Tp. Hồ Chí Minh. Rất nhiều nhà giáo, nhà cách mạng, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nổi tiếng đã từng học tại ngôi trường này như: Trần Văn Ơn, GS Phạm Thiều, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, GS - Viện sĩ - Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa, GS - Bác sĩ Trịnh Kim Ảnh, GS - Bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng, GS - TS Nhạc sĩ Trần Văn Khê, GS - TS Nguyễn Ngọc Trân...
Vào năm 1927 ở Sài Gòn có 2 trường THPT là Collège Chasseloup-Laubat (năm 1874) và Collège de Jeunes Filles Indigèges (1915). Nhân dịp khánh thành tượng đồng của nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký, Thống đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse chính thức đặt tên cho ngôi trường thứ 3 của Sài Gòn là Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký. Do đó, trường có tên gọi là Petrus Ký, và tên này được sử dụng trong gần 50 năm.  Ngày nay, ngôi trường này tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Cừ thuộc quận 5.

Lịch sử trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã được xây dựng với nhiều thế hệ học sinh, thanh niên yêu nước từng châm ngòi cho cách mạng chống Pháp, chống Mỹ. Vào năm 1948, học sinh của trường đã bắt đầu phong trào đấu tranh đòi “Dạy và Học bằng Tiếng Việt”, bãi bỏ chế độ hà khắc kìm kẹp học sinh. Ngày 9/1/1950, mọt sự kiện ghi dấu lịch sử truyền thống học sinh, sinh viên toàn quốc, đó là ngày anh Trần Văn Ơn (1930-1951), học sinh trường Petrus Ký đã anh dũng ngã xuống trong cuộc xuống đường chống Pháp, tạo nên làn sóng biểu tình dâng cao khắp Sài Gòn - Chợ Lớn, đòi bảo vệ quyền lợi cho học sinh.



Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong  được xây dựng từ năm 1927,
là 1 trong 3 ngôi trường THPT lâu đời nhất ở Tp. Hồ Chí Minh.


Tượng bán thân cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Hồng Phong đặt trang trọng trong khuôn viên trường.


\
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong mang dấu ấn kiến trúc cổ điển Pháp.


Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong từng có tên gọi là Petrus Ký, và tên này được sử dụng trong gần 50 năm.


Trrường vinh dự được Thủ tướng Chính phủ giao trọng trách
xây dựng thành trung tâm chất lượng cao để đào tạo học sinh các tỉnh, thành phía Nam.


Mái ngói mang đặc trưng kiến trúc Pháp.


Ngôi trường là công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Đông Dương.


Các dãy phòng học có hành lang rộng phía trước tạo sự thông thoáng.


Cầu thang lên lầu cũng là đặc trưng kiến trúc trường học lúc bấy giờ.


Những ô cửa vòm mang đặc trưng kiến trúc cũ.


Hành lang chạy dài lát gạch hoa đỏ nối các dãy phòng học với nhau.


Khuôn viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong có nhiều cây phủ bóng râm mát.


Một khoảng xanh trong khuôn viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

Tính từ sau năm 1975, Trường Lê Hồng Phong đã đóng góp cho thành phố và đất nước trên 15.000 tú tài, hơn 7.000 em thi đỗ vào đại học, hơn 300 học sinh du học có học bổng ở các Đại học nước ngoài. Tính từ năm 1996 đến nay tỉ lệ học sinh của trường tốt nghiệp tú tài xấp xỉ 100%, trên 90% thí sinh trúng tuyển đại học.
Trường chính thức có vinh dự mang tên cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Hồng Phong (1902-1942) từ năm học 1976 - 1977. Năm học 1990 - 1991 trường được giao nhiệm vụ chuyên đào tạo học sinh giỏi cho Tp. Hồ Chí Minh. Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ giao trọng trách cho trường THPT chuyên Lê Hồng Phong xây dựng thành trung tâm đào tạo học sinh chất lượng cao các tỉnh, thành phía Nam.

Nhắc đến trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nhiều người đều biết đây là một công trình kiến trúc đẹp trong khuôn viên rộng rãi với những hàng cây cổ thụ, tháp đồng hồ hay những dãy hành lang cổ kính dưới mái vòm cong độc đáo. Ngôi trường là công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Đông Dương do chính người đề xướng phong cách này, kiến trúc sư Ernest Hebrard thiết kế. Không gian kiến trúc của trường cũng là điển hình về giao lưu văn hóa Việt Nam và phong cách Art Deco, thể nghiệm sự thích nghi kỹ thuật mới vào điều kiện khí hậu bản địa.

Tổng thể khuôn viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong gồm ba dãy phòng học và một dãy hành lang trước bao quanh sân lớn ở giữa theo đúng như kiểu mẫu thiết kế công trình trường học thời bấy giờ. Các dãy phòng học có hành lang rộng phía trước tạo sự thông thoáng. Hành lang được trang trí theo kiểu khung vòm để tạo nhịp điệu cho toàn bộ công trình, gợi lại một chút hình ảnh của kiến trúc Romanesque. Lan can hành lang không xây đặc toàn bộ mà được đục thành những lỗ hoặc đặt gạch vuông thông gió./.


Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Lê Minh

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/le-hong-phong-ngoi-truong-cua-nhung-tri-thuc-lon-78148.html


top