Nghệ thuật

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 là hoạt động thường niên của TP. Hà Nội nhằm triển khai kế hoạch thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Lễ hội gồm nhiều nội dung, hoạt động nhưng sẽ hướng đến vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay, đó là ứng xử với những di sản công nghiệp.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 là hoạt động thường niên của TP. Hà Nội nhằm triển khai kế hoạch thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Lễ hội gồm nhiều nội dung, hoạt động nhưng sẽ hướng đến vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay, đó là ứng xử với những di sản công nghiệp. Ngoài không gian chính là Nhà máy xe lửa Gia Lâm, các hoạt động của lễ hội còn được tổ chức tại tháp nước Hàng Đậu, ga Long Biên, ga Gia Lâm… Đây đều là những di sản công nghiệp gắn bó với Hà Nội trong thời gian qua.

Tháp nước Hàng Đậu lần đầu tiên mở cửa đón du khách vào tham quan,
đây là một địa điểm thu hút rất đông khách du lịch và người dân Thủ đô.

Hà Nội với bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, hồn thiêng sông núi, thành phố vì hòa bình, với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng (gồm 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và 1.350 làng nghề), Hà Nội cũng là nơi hội tụ nhiều di sản công nghiệp của cả nước. 

Từ năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với danh hiệu Thành phố Sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế. Sau gần 4 năm thực hiện, Hà Nội đã có nhiều hoạt động để cụ thể hóa những cam kết xây dựng thành phố sáng tạo.


Lễ hội với chủ đề "Dòng chảy" tập trung vào 3 trụ cột chính: thiết kế, cộng đồng, sáng tạo, với hơn 60 hoạt động văn hóa, 4 công trình giới thiệu kiến trúc và các hoạt động nghệ thuật, trưng bày, triển lãm, hội thảo, tọa đàm, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo… Những hoạt động này đã đem đến những ý tưởng cho việc tái thiết những di sản công nghiệp thành những không gian hữu ích, đem lại những giá trị kinh tế - văn hóa - xã hội.

Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa, phong phú. Trong đó, các hoạt động trình diễn nghệ thuật với chủ đề Dòng chảy tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm là sự kết hợp sự sáng tạo trên nền tảng truyền thống và đương đại, hay Âm cảnh ga Hà Nội là một sự sắp đặt âm thanh đặc sắc.


Hoạt động Hội chợ thủ công nghệ thuật là nơi quy tụ nhiều người trẻ đang theo đuổi các ngành nghề sáng tạo với những bản sắc riêng biệt của từng cá nhân. Bên cạnh đó, có sự tham gia của các nghệ nhân làng nghề truyền thống hứa hẹn mang tới sân chơi cởi mở, kích thích sự sáng tạo cho đội ngũ thiết kế trẻ.



Trong khuôn khổ Lễ hội, nhiều tọa đàm, hội thảo trong lĩnh vực thiết kế đã diễn ra như: Diễn đàn Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội, hội thảo quốc tế "Thành phố sáng tạo Hà Nội - Xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực"…

Ngoài những không gian kể trên, trong dịp này, các quận, huyện, thị xã cũng tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng nhằm kết nối sự sáng tạo và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, hướng tới sự phát triển của ngành Công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo của Thủ đô Hà Nội. 

Trong 10 ngày diễn ra lễ hội, những chuyến tàu nối liền ga Hà Nội với Nhà máy xe lửa Gia Lâm sẽ đưa du khách khám phá hành trình nghệ thuật đặc biệt chỉ với giá vé 20.000 đồng/vé khứ hồi/người. Du khách có thể mua vé trực tiếp tại ga hoặc qua kênh bán vé online của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam./.

Du khách tham gia triển lãm, tìm hiểu về dòng chảy lịch sử của Nhà máy xe lửa Gia Lâm.

Bài: Công Đạt, Ảnh: Khánh Long/ Báo ảnh Việt Nam

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/le-hoi-thiet-ke-sang-tao-ha-noi-nam-2023-354477.html


top