Với người Khmer Nam Bộ, lễ cưới là nghi thức gắn liền với gia tộc, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư. Đây một trong những nét độc đáo thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc của người Khmer. Lễ cưới của chú rể Danh Chanh Da và cô dâu Phan Thị Diễm Trinh (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) được tổ chức thời gian gần đây với đầy đủ các nghi thức truyền thống đó của một cặp đôi người Khmer Nam Bộ.
«
Dân tộc Khmer Nam Bộ có hơn một triệu người sinh sống chủ yếu ở các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang. Đây là một tộc người có dân số cao nhất trong nhóm Môn Khmer, thuộc ngữ hệ Nam Á.
» |
Trước lễ cưới, gia đình chú rể Danh Chanh Da và cô dâu Phan Thị Diễm Trinh tiến hành hai lễ là Lễ Nói (Pithi Stous) và Lễ Hỏi (Sđây Đon Đâng). Trong Lễ Nói, đàng trai chọn người có uy tín nhất trong phun, sóc (gọi là Pea Lea) đi cùng đến nhà gái dạm hỏi và tìm hiểu ngày nhà gái. Tiếp sau là Lễ Hỏi, hai nhà thông báo cho người thân và lối xóm biết họ đã chính thức là sui gia.
Lễ cưới diễn ra ba ngày tại nhà gái. Cô dâu mặc bộ trang phục truyền thống gồm chiếc xăm pốt hôl màu tím sẫm hay màu hồng cánh sen, mặc áo dài tầm pông màu đỏ thắm, quàng khăn ngang người và đội mũ pkál plac (loại mũ hình tháp nhọn nhiều tầng) bằng kim loại hoặc bằng giấy bồi. Chú rể vận bộ xà rông và áo ngắn bỏ ngoài màu đỏ, cổ đứng, xẻ đằng trước và cài khuy.
Ngày thứ nhất, chú rể nhờ bạn bè đến nhà cô dâu dựng rạp cưới và dọn dẹp nhà cửa cho ngăn nắp. Riêng cha mẹ chú rể nhờ hai người thanh niên chưa vợ đi cắt hoa cau (người Khmer gọi là bông vàng, bông bạc). Hoa cau được buộc lại thành ba bó, bó thứ nhất có ý nghĩa tạ ơn công ơn cha, bó thứ hai để tạ ơn mẹ, bó thứ ba để tạ ơn anh chị.

Nhà trai mang lễ vật sang nhà gái để làm lễ.

Lễ vật cúng ông bà tổ tiên trong lễ cưới.

Nghi thức chụm tay dưới cây dao trong lễ cưới của đồng bào Khmer
với mục đích tượng trưng cho sự bảo vệ gia đình của đôi vợ chồng mới cưới.

Chú rể Danh Chanh Da và cô dâu Phan Thị Diễm Trinh đang được ông Pea Lea (người có uy tín nhất trong vùng)
hướng dẫn các nghi lễ truyền thống trong ngày cưới của mình.

Bố mẹ cô dâu nhận những lễ vật do nhà trai mang đến trong ngày thứ 2 của lễ cưới.

Ông Pea Lea chuẩn bị lễ cắt hoa cau.

Hoa cau buộc lại thành ba bó, bó thứ nhất có ý nghĩa tạ ơn công ơn cha, bó thứ hai để tạ ơn mẹ, bó thứ ba để tạ ơn anh chị.

Ông Pea Lea rải hoa cau lên người chú rể và cô dâu làm lễ chúc phúc cho đôi uyên ương.

Họ nhà trai buộc tay phải của cô dâu còn họ nhà gái buộc tay trái cho chú rể,
một trong những nghi lễ truyền thống của người Khme trong lễ cưới. |
Ngày thứ hai, ông Pea Lea gọi cha mẹ chú rể và thân tộc chuẩn bị mang lễ vật sang nhà gái. Sau khi nói chuyện xong, giờ lành đến là nghi thức cúng trong tiếng nhạc lễ Krung pea ly truyền thống.
Lễ cắt hoa cau được xem là một lễ rất quan trọng, là nghi thức chính cho phép đôi trai gái thành vợ thành chồng. Lễ cắt hoa cau được người Khmer gọi là “Pithi kat khanh sla”. Ông Pea Lea đưa chùm hoa cau thứ nhất cho chú rễ tặng cô dâu, chùm thứ hai tặng mẹ vợ, chùm thứ ba cho em vợ, để tỏ lòng biết ơn đối với công nuôi dưỡng sinh thành của mẹ vợ và công khó của người em đã giúp đỡ vợ mình.
Ngày thứ 3, lễ tế thần mặt trời được làm vào buổi sáng. Sau đó đến lễ buộc chỉ cổ tay. Người ta dùng chỉ hồng buộc tay hai người, tượng trưng cho cuộc sống lứa đôi bền vững lâu dài. Sau lễ buộc tay, người ta cho cô dâu, chú rể vào buồng tân hôn.
Ngày nay, do quá trình giao lưu văn hóa và công việc lao động sản xuất nên các nghi thức trong hôn nhân của người Khmer đã có sự thay đổi nhưng cơ bản vẫn giữ nguyên những nét văn hóa truyền thống. Đây cũng là một trong những giá trị di sản văn hóa phi vật thể nên cần có giải pháp bảo tồn và phát huy một cách có hiệu quả để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.
Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Duy Khương
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/le-cuoi-cua-nguoi-khmer-nam-bo-55385.html