Khám phá

Lễ cúng cơm mới của người Thổ

Người Thổ là một trong 54 dân tộc thiểu số của Việt Nam, chủ yếu sinh sống tại các huyện miền núi Thanh Hóa và Nghệ An. Theo quan niệm của họ, cây lúa là nguồn sống và mang linh hồn. Người Thổ gọi lúa là “Lúa Mẹ” nhằm coi đó là biểu tượng thiêng liêng của sự sinh sôi, ấm no và thịnh vượng. Sau mỗi vụ gặt, Lễ cúng cơm mới được tổ chức trang trọng để mời “hồn lúa” trở về với gia đình, cầu mong may mắn và mùa màng năm sau tươi tốt, bội thu. Người Thổ tin rằng cơm mới cần phải được dâng cúng trước khi đem ra ăn. Nếu ai ăn trước, “hồn lúa” sẽ rời bỏ gia đình, dẫn đến thất bát trong vụ mùa sau.

Người Thổ là một trong 54 dân tộc thiểu số của Việt Nam, chủ yếu sinh sống tại các huyện miền núi Thanh Hóa và Nghệ An. Theo quan niệm của họ, cây lúa là nguồn sống và mang linh hồn. Người Thổ gọi lúa là “Lúa Mẹ” nhằm coi đó là biểu tượng thiêng liêng của sự sinh sôi, ấm no và thịnh vượng. Sau mỗi vụ gặt, Lễ cúng cơm mới được tổ chức trang trọng để mời “hồn lúa” trở về với gia đình, cầu mong may mắn và mùa màng năm sau tươi tốt, bội thu. Người Thổ tin rằng cơm mới cần phải được dâng cúng trước khi đem ra ăn. Nếu ai ăn trước, “hồn lúa” sẽ rời bỏ gia đình, dẫn đến thất bát trong vụ mùa sau.

Người Thổ tái hiện Lễ cúng mừng cơm mới tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Trước lễ, gia chủ chuẩn bị mâm cúng chu đáo gồm: cơm mới, gà luộc, xôi, rượu cần và các sản vật đầu mùa. Lễ vật được chia thành hai phần: phần chay dâng lên thần linh và thổ địa; phần mặn dành cho tổ tiên. Những bông lúa được chọn lựa kỹ càng, treo gần bàn thờ như một lời mời hồn lúa trở về với con cháu.

Lễ vật gồm mâm chay dâng thần linh, thổ địa và mâm mặn dành cho tổ tiên.

Tâm điểm của buổi lễ là phần cúng do thầy Mo đảm nhiệm. Trong đời sống tâm linh người Thổ, thầy Mo đóng vai trò là cầu nối giữa con người và thế giới vô hình. Trong bộ trang phục truyền thống, thầy Mo thắp hương, rót rượu và đọc bài khấn bằng tiếng Thổ. Nội dung bài khấn thể hiện lòng biết ơn trời đất, tổ tiên đã ban mùa màng thuận lợi, đồng thời gửi gắm mong ước năm mới mưa thuận gió hòa, bản làng yên ấm, nhà nhà đủ đầy. Trong suốt thời gian hành lễ, mọi người đều giữ thái độ trang nghiêm, chăm chú theo dõi nghi thức và thực hiện đầy đủ các thủ tục theo lời thầy Mo với sự thành kính.

Mọi người thể hiện lòng biết ơn trời đất, tổ tiên cho mùa màng bội thu.
Thầy Mo đảm nhận phần cúng chính.

Sau phần lễ trang nghiêm là phần hội rộn ràng, đậm chất bản làng. Các hoạt động như múa hát và các trò chơi dân gian đặc trưng của người Thổ như kéo co, đánh cù, ném còn… diễn ra trong không khí sôi nổi. Mọi người diện trang phục mới đầy màu sắc, quây quần bên ché rượu cần, cùng nhau thưởng thức thành quả lao động sau một mùa vụ bội thu. Không gian sinh hoạt cộng đồng trở nên ấm áp, gần gũi, gắn kết tình cảm gia đình và thắt chặt sợi dây cộng đồng.

Thầy Mo làm lễ tạ ơn thổ địa.

Lễ cúng cơm mới là một phần thiêng liêng trong đời sống tinh thần của người Thổ. Qua nghi lễ này, họ thể hiện lòng biết ơn, niềm tin vào thần linh và sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên. Việc duy trì lễ cúng không chỉ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” trong cộng đồng.

Người Thổ chơi ném còn trong lễ hội.

Việc tái hiện Lễ cúng cơm mới tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam giúp người xem hiểu rõ hơn về tín ngưỡng và đời sống tinh thần của người Thổ, đồng thời góp phần giữ gìn và giới thiệu một nét văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc Thổ anh em./.

Sau phần lễ trang nghiêm là phần hội vui rộn ràng.
  • Bài và ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam
  •  

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/le-cung-com-moi-cua-nguoi-tho-397748.html


top