Khám phá

Lễ cầu an của người Tày

Lễ cầu an, cầu phúc là một sinh hoạt dân gian gắn bó mật thiết với cộng đồng người Tày. Được tổ chức vào cuối tháng Giêng đầu tháng 2 âm lịch hàng năm, lễ cầu an là dịp để mọi người tụ họp thể hiện niềm thành kính với thần linh và cùng cầu mong, ước vọng về một cuộc sống an bình, ấm no, hạnh phúc.
 

Trong sinh hoạt tín ngưỡng của người Tày đây là buổi lễ quan trọng bậc nhất. Trước đây, người ta dành trọn một đêm để thực hiện các nghi lễ. Ngày nay, họ có thể làm lễ vào ban ngày tùy điều kiện của gia chủ. Với người Tày, lễ Cầu an là một nghi lễ quan trọng đầu năm, người Tày quan niệm, khi làm lễ này rồi sẽ được các đấng siêu nhiên, được những Pụt Luông (Phật lớn) và Đẳm (tổ tiên) phù trợ, hổ vồ không trúng, rắn cắn không vào, xuống nước tự nổi, làm gì được nấy…Tầm quan trọng của lễ được thể hiện ngay từ khâu chuẩn bị. Thông thường, các thành viên trong gia đình làm lễ chỉ mất một buổi để nấu nướng, sắp xếp các lễ vật. Tuy nhiên, việc chuẩn bị cho các lễ vật này kéo dài hàng tháng, có khi đến cả năm bởi người Tày luôn chọn, chuẩn bị, dành những sản vật thơm ngon nhất cho lễ cầu an. Lễ vật gồm có 3 loại: Lễ tam sinh tốt nhất do gia chủ tự nuôi là gà, cá, lợn quay, vịt; lễ chay là bánh dày bánh rợm, bánh chè lam…được làm từ những bông lúa nhà trồng; và thanh bông là hoa, quả. Để làm tốt việc chuẩn bị, thông thường sẽ có một thầy phụ lễ đến hướng dẫn giúp gia chủ.

Hình nộm người Tày dùng trong lễ cầu an.
Nàng hương giúp thầy cúng thay trang phục làm lễ.
Thày cúng thực hiện các nghi thức trong lễ cúng cầu an.
Tầng trên cùng của bàn thờ 3 tầng trong lễ cúng mùa xuân của người Tày.
Thày cúng thực hiện bài cúng Pụt Luông (Phật lớn) với nhạc cụ là cây đàn tính.

Khi việc chuẩn bị hoàn tất, đến giờ làm lễ, chủ nhà sẽ đón thầy cúng vào nhà. Khác với các lễ lớn khác của dân tộc Tày diễn ra ngoài trời, lễ cầu an được tổ chức ngay tại không gian trong nhà.  Mọi người tham dự lễ cúng phải ngồi đúng vị trí. Không gian ngồi được phân chia theo trật tự rõ ràng, chỉ cần nhìn vào đó có thể nhận biết vai trò, vị thế của từng người. Thầy cúng, phụ lễ và gia chủ được ngồi trước bàn thờ, phía trên vị trí bếp lửa. Vị trí giữa quanh bếp dành cho anh em họ mạc, đàn ông thôn bản đến dự. Cuối cùng, phía dưới là chỗ ngồi của đàn bà.

Tuy nhiên, tại không gian dành cho những người quan trọng nhất trong buổi lễ lại có sự hiện diện của một người con gái, đó là Nàng hương (người Tày gọi là Chậu Slay). Đây là một trong những người phụ lễ không thể thiếu trong lễ cúng. Nàng hương do nhà chủ chọn và nhất định phải là người thùy mị, nết na, trong trắng và đặc biệt phải chưa chồng (Nhằng slao). Cô sẽ là người giúp thầy cúng từ khâu chuẩn bị quần áo, mở lễ chọn người đi lấy hoa quế rừng- thủ tục đầu tiên và giúp thầy cúng thực hiện các nghi thức quan trọng. Sự hiện diện của Chậu Slay trong không gian tâm linh cấm kỵ với đàn bà con gái của người Tày là điều rất đặc biệt.

Tùy thuộc vào nội dung của các phần trong bài cúng, thày cúng sẽ sử dụng các loại nhạc cụ khác nhau.
Nàng hương và những người phụ lễ phụ giúp thầy cúng trong các nghi thức trong buổi lễ.
Tục buộc chỉ cổ tay mang đậm nét văn hóa của đồng bào Tày.
Thày cúng cùng gia chủ làm lễ cúng chúng sinh trước khi vào lễ cầu an.

Trong lễ cầu an này, tùy thuộc thầy cúng thuộc dòng nào thì thầy sẽ cúng theo điệu hát, dùng các nhạc cụ của dòng đó. Người tham dự sẽ được đắm chìm trong không gian tâm linh với lời cúng của thầy như hát, lúc bổng, lúc trầm, lúc trang nghiêm, lúc rộn ràng cùng với âm thanh của cây đàn tính, tiếng chuông… rất mê hoặc.

Tâm điểm của buổi lễ là nghi thức buộc chỉ cổ tay. Thầy cúng sẽ buộc những sợ chỉ đỏ lên cổ tay của các thành viên trong gia đình. Theo quan niệm của người Tày, sợi chỉ đó như lá bùa hộ mệnh bảo vệ mỗi người, mang đến những điều may mắn, tốt đẹp trong cuộc sống./.

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/le-cau-an-cua-nguoi-tay-297869.html


top