Bạn bè với Việt Nam

Laurent Brault - chuyên gia Pháp và tâm huyết đào tạo nhân lực cho Hàng không Việt

Được phái sang Việt Nam thành lập và phát triển khoa Hàng không tại Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội, chuyên gia Bộ giáo dục Pháp Laurent Brault đã nhận được sự yêu mến của các cộng sự và sinh viên Việt Nam. Hiện ông đang nỗ lực đào tạo cho Việt Nam những giảng viên giỏi trong lĩnh vực hàng không đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên chuyên tâm học ngành này trở thành những cử nhân có trình độ, đóng góp cho sự phát triển của Hàng không Việt Nam trong tương lai.
Năm 2018, khoa Hàng không được thành lập tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), thể hiện sự hợp tác ngoại giao của Chính phủ Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực giáo dục. Chuyên gia Laurent Brault sang Việt Nam khi đó làm việc mang theo tâm huyết và sứ mệnh của một nhà quản lý giáo dục Pháp để phát triển khoa Hàng không tại USTH. Những ngày đầu Khoa mới thành lập lại không có trưởng khoa, ông Laurent Brault đảm nhiệm vị trí Phó trưởng khoa với mọi thứ đều mới và nhiều khó khăn. Nỗ lực hết mình, ông cùng các cộng sự đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng Khoa Hàng Không trở thành địa chỉ đào tạo chuyên ngành đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Laurent Brault đảm nhiệm vai trò điều phối các hoạt động với đối tác Pháp, Quản lý các chương trình đào tạo, Tuyển dụng giáo viên, sinh viên đồng thời quản trị về tài chính. Ông cũng là nhà quản lý giáo dục và ngoại giao, tạo dựng những mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Khoa Hàng không với các đối tác quốc tế như: Hai cơ sở đào tạo hàng không hàng đầu Châu Âu là Trường Hàng không dân dụng quốc gia Pháp (ENAC), Viện Hàng không Vũ trụ Pháp (IAS) cùng Liên minh gồm 40 trường đại học và viện nghiên cứu uy tín của Pháp vì sự phát triển của USTH (USTH Consortium) đồng thời mở rộng quan hệ chiến lược với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines),  Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay (VAECO) để đưa sinh viên đến thực tập và tuyển dụng kỹ sư giỏi cho hai đơn vị này tại Việt Nam.

Laurent Brault chia sẻ với chúng tôi rằng, kỷ niệm đầu tiên mà ông đã rất đỗi tự hào là được chứng kiến phòng thí nghiệm Hàng không tại USTH được đưa vào hoạt động. Theo ông thì sự ra đời của Phòng thí nghiệm hàng không là kết quả của mối quan hệ hợp tác giữa USTH với các đối tác uy tín của Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực hàng không. Đây là phòng thí nghiệm được xây dựng với nguồn vốn đầu tư là 700.000 USD với trang thiết bị hiện đại theo chuẩn của các trường đào tạo hàng không quốc tế.

Phòng thí nghiệm cũng trở thành môi trường thực hành trực quan cho sinh viên ngành Hàng không, đồng thời là điểm nhấn trong chuỗi các phòng thí nghiệm quốc tế tại USTH. Từ việc xây dựng thành công phòng thí nghiệm đã khẳng định sự uy tín của hai chương trình đào tạo hàng không của USTH, bao gồm kỹ thuật Hàng không (trình độ đại học) và Quản trị vận tải Hàng không quốc tế (trình độ thạc sĩ).



Nhà quản lý giáo dục Laurent Brault, Phó khoa Hàng Không, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH, Đại học Việt Pháp), người rất tâm huyết với sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Hàng không Việt Nam. Ảnh: Việt Cường


Ông Laurent Brault tại phòng thí nghiệm của Khoa Hàng không, nơi mà ông rất tự hào với những trang thiết bị học tập hiện đại
và là môi trường lý tưởng cho thầy và trò của khoa học tập tốt nhất. Ảnh: Việt Cường



Các thiết bị hiện đại của phòng thí nghiệm Khoa Hàng không luôn in dấu những kỷ niệm đầu tiên
và là niềm tự hào mà Laurent Brault là người đã chứng kiến khi phòng thí nghiệm xây dựng. Ảnh: Việt Cường



Laurent Brault giới thiệu Hệ thiết bị mô phỏng cơ học chất lỏng trong phòng thí nghiệm của khoa Hàng không. Ảnh: Tư liệu


Laurent Brault cùng với các cộng sự và sinh viên của Khoa Hàng không. Ảnh: Tư liệu


Laurent Brault tại Lễ khai trương phòng thí nghiệm của khoa Hàng không. Ảnh: Tư liệu


Ban Giám hiệu USTH, đại diện các đối tác chụp ảnh cùng các em sinh viên khóa đầu tiên của ngành Kỹ thuật Hàng không. Ảnh: Tư liệu


Ngoài nhiệm vụ quản lý điều hành, Laurent Brault là người luôn thân thiện và hòa đồng, hỗ trợ sinh viên trong khoa trong việc học tập. Ảnh: Tư liệu

Sau 3 năm thành lập, khoa Hàng không đã và đang đào tạo 100 sinh viên, dự kiến sẽ có lớp cử nhân đầu tiên tốt nghiệp vào năm 2021. Theo ông Laurent Brault, khi thành lập khoa việc khó nhất với ông là tuyển dụng giảng viên viên dạy chuyên ngành này. Hiện khoa mới chỉ có 5 giảng viên người Việt Nam đều có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ chuyên ngành còn lại là sự hợp tác của các giảng viên quốc tế. Việc tiếp tục tìm kiếm, đào tạo các giảng viên giỏi người Việt để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho khoa vẫn được Laurent Brault coi là nhiệm vụ chiến lược mà Khoa Hàng không đang triển khai.

Laurent Brault cũng đã mời 15 chuyên gia các nước trên thế giới đến từ Libăng, Anh và trường Hàng không dân dụng Pháp đến Việt Nam giảng dạy cho sinh viên Việt Nam, giúp các em có kiến thức tổng quan về ngành kỹ thuật hàng không. Các chuyên gia này cùng giúp khoa Hàng không tập huấn nhiều kỹ năng cho giảng viên để họ chính là người sẽ dẫn dắt sinh viên học những chương trình của khoa. Laurent Brault nhận xét rằng lĩnh vực bảo trì, bảo dưỡng Việt Nam đang rất thiếu nguồn nhân lực, hiện tại các hãng Hàng không Việt Nam vẫn còn phải gửi máy bay sang sửa chữa, bảo trì ở nước ngoài. Ông kỳ vọng chất lượng giảng dạy cũng như sự kết hợp hài hoà giữa lý thuyết và thực tiễn tại khoa Hàng không sẽ trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết nhất để sau này tốt nghiệp sẽ  trở thành cán bộ nguồn cho ngành bảo trì, bảo dưỡng và kỹ thuật hàng không tại Việt Nam.


Hiện theo thỏa thuận hợp tác, Vietnam Airlines cam kết mỗi năm tuyển dụng 30 cử nhân kỹ thuật hàng không tốt nghiệp USTH vào làm việc tại hãng hoặc VAECO cho năm khóa học đầu tiên.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, mỗi năm cả nước cần bổ sung khoảng 150 - 200 nhân sự cho lực lượng kỹ thuật tàu bay, bao gồm cả kỹ sư máy bay và thợ kỹ thuật máy bay. Hiện ngành vận tải hàng không Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu nhân lực. Ngành cử nhân Kỹ thuật hàng không tại USTH đặt mục tiêu đào tạo kỹ sư bảo dưỡng máy bay trình độ đại học và chứng chỉ đào tạo cơ bản bảo dưỡng máy bay B1/B2 của Cục Hàng không Việt Nam.

Cũng theo Laurent Brault, bên cạnh hướng đào tạo và làm việc về bảo dưỡng máy bay, các sinh viên có thể lựa chọn học tiếp chuyên sâu về nghiên cứu và phát triển kĩ thuật hàng không. Chúng tôi sẽ giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không và kỹ thuật bảo dưỡng các dòng máy bay dân dụng. Qua đó có thể đáp ứng ngay lập tức nhu cầu về nhân sự kỹ thuật cao từ các tổ chức hàng không trong nước cũng như các tổ chức hàng không trên toàn cầu.

Laurent Brault chờ đón lớp sinh viên đầu tiên tốt nghiệp năm 2021 sẽ là những người lan tỏa các giá trị đào tạo về Khoa hàng không đến các khóa kế tiếp, các em đủ năng lực và tự tin bước chân vào ngành Hàng không Việt Nam để trở thành những chủ nhân của đất nước, giúp những cánh bay Việt Nam “dệt lụa bầu trời”

Ngoài ra, sinh viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội chuyển tiếp trình độ thạc sĩ quản lý hàng không tại USTH và Đại học Hàng không dân dụng quốc gia Pháp (ENAC) để trở thành nhân sự quản lý cấp cao của các hàng hàng không tại Việt Nam. Laurent Brault  mong muốn phát triển chương trình cử nhân kỹ thuật hàng không một cách sâu rộng và hướng đến mục tiêu xa hơn nữa là xây dựng tại Việt Nam một hệ sinh thái hàng không cân bằng và bền vững.

Ngoài thời gian quản lý tại Khoa Hàng không, Laurent Brault cũng là diễn giả của nhiều chương trình như “Xu hướng phát triển của ngành hàng không trước những thách thức về môi trường”. Ông đã đến giao lưu và truyền cảm hứng đến sinh viên ngành kỹ thuật tại ĐH Bách Khoa yêu thích lĩnh vực hàng không. Laurent Brault luông mong muốn góp sức mình cùng với các chuyên gia đưa ra những giải pháp công nghệ có thể áp dụng để giảm thiểu các tác động về thách thức của ngành hàng không trước ảnh hưởng của môi trường./.

 
Bài: Bích Vân - Ảnh: Việt Cường và Tư liệu

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/laurent-brault-chuyen-gia-phap-va-tam-huyet-dao-tao-nhan-luc-cho-hang-khong-viet-246241.html


top