Tiềm năng địa phương

Làng thêu Đông Cứu

Về làng Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội), người ta không khỏi choáng ngợp với những sản phẩm thêu phục vụ lễ hội với đủ màu sắc. Những mẫu thêu cổ xưa vốn đã rất quen thuộc trong các trang phục lễ hội truyền thống tưởng chừng đã bị thất truyền nay đang được người dân nơi đây làm sống lại.
Nằm bên phía hữu ngạn con sông Nhuệ, làng Đông Cứu từ xa xưa đã nổi danh trong nước với nghề thêu các loại trang phục lễ hội truyền thống. Nhiều sản phẩm thêu truyền thống đặc trưng của làng như: nghi môn, câu đối, trướng, tán, lọng, áo lễ… hầu như có mặt ở khắp nơi trong cả nước. Tương truyền, ông tổ nghề thêu Đông Cứu là tiến sĩ Lê Công Hành (1606 - 1661). Ông đã học được nghề thêu khi đi sứ phương Bắc và đem về dạy cho quê hương mình là làng Quất Động và các làng lân cận, trong đó có Đông Cứu.
Các cao niên nhiều kinh nghiệm của làng thêu cho biết, công cụ dùng trong nghề thêu khá đơn giản như: kim thêu, khung thêu các cỡ (kiểu tròn và kiểu chữ nhật), kéo, thước, bút lông, phấn mỡ, chỉ thêu các màu và vải thêu (vải trắng, sa tanh, lụa)...
 

Họa tiết trang trí trên mũ đầu phượng có lúc tưởng chừng bị thất truyền, nhưng qua đôi bàn tay
của người thợ thêu Đông Cứu đã được phục hồi, làm nên một nét tinh hoa cho làng nghề hàng trăm năm tuổi.

Chỉ dùng cho các mẫu thêu truyền thống.

Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi bên các bức phác thảo mẫu thêu.

Theo tương truyền, ông tổ nghề thêu là Tiến sĩ Lê Công Hành (1606 - 1661), đã học được nghề
khi đi sứ phương Bắc và đem về dạy cho quê hương mình là làng Quất Động và các làng lân cận trong đó có Đông Cứu.

Một bức thêu hai mặt đòi hỏi kỹ thuật cao cũng như đôi bàn tay khéo léo của người thợ thêu Đông Cứu.


Họa tiết hình hạc, rùa tượng trưng cho sự trường thịnh, trang trí trên trang phục vua, chúa triều Nguyễn.

Họa tiết cổ trang trí trên các trang phục cung đình triều Nguyễn được thêu bằng kỹ thuật cổ truyền.

Nghề thêu ở Đông Cứu thu hút đông đảo lực lượng lao động trẻ trong làng tham gia.

Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi ngắm lại trang phục của vua, chúa triều Nguyễn vừa được khôi phục.

Đối với kĩ thuật thêu, phối màu là một điều quan trọng tạo nên bức thêu đẹp, khẳng định được tay nghề người thợ. Đối với những tay thợ giỏi, trên sản phẩm thêu bao giờ cũng phải đảm bảo nghiêm ngặt chân mũi chỉ đều đặn, cánh chỉ như quyện lấy nhau, đường thêu mềm mại.
Xưa kia, thợ thêu chỉ làm các loại nghi môn, câu đối, trướng và các loại khăn chầu, áo ngự... Kỹ thuật thêu cũng đơn giản, màu sắc chưa thật phong phú như ngày nay. Mãi đến đầu thế kỷ XX, nghề thêu mới tiến thêm một bước do có nguyên vật liệu nhập ngoại như các loại chỉ và màu công nghiệp của phương Tây. Theo năm tháng, nghề thêu ngày càng phát triển và có những bước ngoặt quan trọng, nhiều loại sản phẩm thêu thủ công đã đạt chất lượng và mĩ thuật cao. Người Đông Cứu có bàn tay rất khéo, chỉ cần vẽ phác những đường mẫu trên vải bằng phấn mờ là người thợ có thể cầm kim thêu và chỉ sau một thời gian ngắn tấm vải đã hiện lên những bức tranh sinh động.
Bảo tồn và phát huy những mẫu thêu cổ là điều mong ước và tâm huyết của nhiều nghệ nhân. Hiện nay ở làng Đông Cứu có anh Vũ Văn Giỏi nổi tiếng với kĩ thuật thêu phục chế những bộ triều phục của các vua, chúa triều Nguyễn. Người dân Đông Cứu bây giờ phần lớn quay sang nghề thêu các mẫu hoa văn cổ trên những mặt hàng phục vụ hội hè và làm trang phục cho các đoàn văn công. Vì thế, vào mùa lễ hội, nhiều nơi về Đông Cứu tìm mua hoặc đặt hàng thêu tán, lọng, y môn… ngày càng nhiều.
Nghề thêu tuy vất vả nhưng đem lại một khoản thu nhập không nhỏ cho người dân nơi đây. Việc phát triển nghề thêu vừa giúp ổn định kinh tế, vừa khôi phục, bảo tồn những mẫu thêu cổ xưa xem ra cũng là một hướng đi mới của làng Đông Cứu hôm nay./.
Bài: Hữu Tuấn - Ảnh: An Thành Đạt

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/lang-theu-dong-cuu-21476.html


top