Nằm cách thành phố Huế 15km về phía Bắc, nép mình bên bờ Bắc con sông Bồ thơ mộng, làng nghề mây tre đan Bao La thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tồn tại và phát triển hơn 600 năm, nơi đây đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua cho du khách yêu thích văn hóa và truyền thống Việt Nam mỗi dịp đến Huế.
Nằm cách thành phố Huế 15km về phía Bắc, nép mình bên bờ Bắc con sông Bồ thơ mộng, làng nghề mây tre đan Bao La thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tồn tại và phát triển hơn 600 năm, nơi đây đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua cho du khách yêu thích văn hóa và truyền thống Việt Nam mỗi dịp đến Huế.
Khởi nguồn từ một làng nghề nhỏ lẻ, chuyên sản xuất các sản phẩm mây tre gia dụng đơn giản, làng nghề Bao La từng đối mặt với nguy cơ mai một. Nhận thức được tiềm năng to lớn của làng nghề, năm 2007, Hợp tác xã ( HTX) Mây tre Bao La được thành lập, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình phát triển của làng nghề. Định hướng khôi phục và phát triển làng nghề gắn với du lịch, Hợp tác xã đã đưa ra những chiến lược táo bạo, đưa làng nghề Bao La "lột xác" ngoạn mục.
Hợp tác xã Mây tre đan Bao La là điểm đến không thể bỏ qua cho du khách yêu thích văn hóa và truyền thống Việt Nam mỗi dịp đến Huế.
Năm 2008, Hợp tác xã vinh dự được Hội Làng nghề Việt Nam trao tặng danh hiệu cao quý "Làng nghề tiêu biểu Việt Nam". Kể từ đó, Hợp tác xã liên tục gặt hái thành công với nhiều giải thưởng danh giá, khẳng định vị thế và chất lượng vượt trội của sản phẩm mây tre đan Bao La.
Ngày nay, làng nghề Bao La đã trở thành địa điểm sản xuất mây tre thủ công mỹ nghệ nổi tiếng trên toàn quốc và quốc tế. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng và phong phú, từ những vật dụng hàng ngày như khay, đĩa, rổ, rá,... đến những món đồ lưu niệm tinh xảo như lồng đèn, cầu tràng tiền, chùa Thiên Mụ,... Mỗi sản phẩm đều mang đậm dấu ấn truyền thống, kết hợp hài hòa giữa màu sắc truyền thống và hiện đại, thể hiện sự sáng tạo và khéo léo của người dân nơi đây.
Các sản phẩm được đem phơi tại sân của HTX.
Theo chia sẻ của ông Võ Văn Thành - Trưởng phòng kinh doanh HTX Mây tre đan Bao La cho biết: “Các sản phẩm của HTX được các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Hà Nội và khu vực phía Bắc ưa chuộng và ký hợp đồng mua bán. Mặc dù xuất khẩu qua đơn vị trung gian, nhưng HTX vẫn thu về doanh thu hơn 5,6 tỷ đồng mỗi năm, trung bình mỗi tháng riêng từ hàng xuất khẩu đạt khoảng 280 triệu đồng.Nhờ hoạt động kinh doanh hiệu quả, HTX đã tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 125 lao động tại địa phương với mức lương trung bình từ 4 triệu đồng/tháng”.
Với hơn 500 mẫu mã khác nhau, HTX không ngừng cho ra đời từ 30 - 40 mẫu sản phẩm mới mỗi năm, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường. Sản phẩm mây tre đan Bao La đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, góp phần khẳng định thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
HTX Mây tre đan Bao La tự hào khi đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc khẳng định chất lượng và giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống. Theo Sở Công Thương Thừa Thiên Huế, bộ sản phẩm rổ rá và lồng đèn trang trí (đèn Lục giác) của HTX đã vinh dự được chứng nhận OCOP 4 sao, đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình phát triển của làng nghề.
Chứng nhận OCOP 4 sao là minh chứng cho chất lượng vượt trội của sản phẩm mây tre đan Bao La, đáp ứng các tiêu chí khắt khe về nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm và tính độc đáo trong thiết kế. Đây là niềm tự hào không chỉ của HTX mà còn là niềm tự hào của người dân địa phương, góp phần khẳng định vị thế của làng nghề truyền thống trên thị trường. Tiếp nối thành công, năm 2023, HTX Mây tre đan Bao La tiếp tục khẳng định vị thế của mình khi được ban tổ chức sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung – Tây Nguyên chọn dự thi sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp quốc gia. Đây là cơ hội quý giá để HTX giới thiệu sản phẩm của mình đến với thị trường rộng lớn hơn, khẳng định thương hiệu và nâng tầm giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống.
Bà con xã viên kiểm tra sản phẩm trước khi đem đóng gói.
Làng nghề mây tre đan Bao La ngày nay không chỉ là nơi lưu giữ và phát huy truyền thống văn hóa lâu đời mà còn là điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước. Đến với Bao La, du khách có thể tham quan quy trình sản xuất, trải nghiệm tự tay làm những sản phẩm mây tre và mua sắm những món quà lưu niệm độc đáo. Không những thế làng nghề Bao La còn là một biểu tượng cho sự gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống, đồng thời là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của làng nghề Việt Nam trong thời đại mới.
Thực hiện: Trần Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/lang-nghe-may-tre-dan-bao-la-noi-truyen-thong-hoa-quyen-cung-hien-dai-366424.html