Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 15km, làng Bát Tràng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm đã trở thành địa điểm tham quan lý tưởng trong những ngày nghỉ cuối tuần. Gốm sứ Bát Tràng là một sản phẩm tiêu biểu của chương trình OCOP trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Đến làng Bát Tràng, du khách không thể bỏ qua chợ Gốm. Đây là một khu trưng bày, mua bán của cả làng, đã được quy hoạch thành trung tâm thương mại từ năm 2004 chuyên về các sản phẩm gốm, sứ, phục vụ du khách gần xa.
Bước vào khu chợ gốm Bát Tràng, các sản phẩm gốm sứ đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, từ cao cấp cho đến bình dân, như những đôi lục bình tinh xảo cỡ lớn, bộ đồ thờ, cốc chén, bát đĩa, tiểu cảnh non bộ, đồ lưu niệm, tranh sứ, trang sức gốm ... Giá cả ở đây vô cùng phong phú, có những sản phẩm tinh xảo giá lên đến chục triệu đồng, có những món đồ nhỏ nhắn, đáng yêu giá chỉ vài nghìn đồng, du khách tha hồ lựa chọn. Tại đây, du khách có cơ hội tự tay nhào nặn những sản phẩm gốm sứ, được trở thành một thợ gốm thực thụ, tha hồ sáng tạo từ đất sét và bàn xoay.
Lớp đào tạo nghề gốm cho thế hệ kế cận tại Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn phát triển gốm Bát Tràng.
Thợ vẽ gốm miệt mài, tỉ mẩn từng nét vẽ trang trí sản phẩm.
Các em nhỏ thích thú bên chiếc bàn xoay.
Lò bầu cổ cuối cùng tại Bát Tràng là địa điểm thu hút đông đảo du khách tới tham quan, chiêm ngưỡng.
Du khách quốc tế tìm hiểu về văn hóa lịch sử của làng gốm Bát Tràng.
Du khách quốc tế thích thú khi tận mắt chứng kiến công đoạn vẽ của người thợ gốm Bát Tràng.
Du khách quốc tế tham quan mua sắm tại quầy hàng ở làng gốm Bát Tràng.
Hai em nhỏ đến từ đất nước Nhật Bản đang lựa chọn những chiếc cốc xinh xắn trong buổi dã ngoại của trường tại chợ gốm Bát Tràng. |
Bên cạnh đó, nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về truyền thống nghề gốm hoặc lịch sử của ngôi làng cổ 500 tuổi này, du khách không thể bỏ qua Lò bầu cũ. Đây là nơi người dân Bát Tràng nung những đồ gốm sứ từ ngàn đời nay. Hiện lò đã nguội, lửa đã tắt, khu Lò bầu được chuyển sang làm nơi tham quan cho du khách. Vào dịp cuối tuần, rất đông các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội và vùng lân cận đến đây để làm chương trình trải nghiệm giáo dục cho học sinh.
Ngoài ra du khách cũng có thể tham quan Nhà cổ Vạn Vân - top 10 nhà cổ đẹp nhất Việt Nam, nằm ở cuối làng. Rộng hơn 400m2, Vạn Vân gồm ba ngôi nhà cổ gần 200 năm tuổi và một khu xưởng mô phỏng lò gốm. Trưng bày những sản phẩm cổ của làng Bát Tràng như lọ rồng, ấm men lam, bộ khuôn bản dập làm gốm…
Những năm gần đây, làng gốm Bát Tràng đã không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất, mẫu mã sản phẩm. Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được nhiều quốc gia quan tâm, ưa chuộng và đã có mặt ở các thị trường lớn trên thế giới như: Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Italia…
Bát Tràng là một làng cổ, do đó vẫn còn nhiều những con ngõ rất hẹp, hai bên tường đắp đầy than, lối đi chỉ vừa cho một xe máy. Khi vào những con ngõ này, du khách như được lạc trong “mê cung” của làng gốm, vừa thú vị vừa bình yên đến kỳ lạ.
Nếu quỹ thời gian hạn hẹp, du khách có thể vào tham quan tại khu nhà 7 tầng ngay đầu làng Bát Tràng, trưng bày đầy đủ các công đoạn làm gốm, các sản phẩm gốm và các mô hình lò gốm cổ, đủ thông tin cho du khách tìm hiểu.
Đến với làng gốm Bát Tràng, du khách sẽ có một chuyến tham quan, mua sắm và trải nghiệm thú vị./.
Các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng luôn giữ được những nét truyền thống.
Các sản phẩm gốm được bài trí bên trong lò bầu để du khách chiêm ngưỡng.
Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng phong phú đa dạng.
Sản phẩm đa dạng phong phú, Bát Tràng thu hút du khách trong và ngoài nước tham quan, mua sắm.
Ngoài những sản phẩm gốm truyền thống, Bát Tràng còn sản xuất nhiều sản phẩm kiểu mới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và các sản phẩm xuất khẩu theo đơn đặt hàng của nước ngoài. |
Bài và ảnh: Khánh Long – Công Đạt
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/lang-gom-bat-trang-217708.html