Nằm cách thành phố Đà Lạt chừng 20km, Khu du lịch làng Cù Lần (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) nằm lọt thỏm trong một thung lũng rộng gần 30ha và được bao phủ bởi màu xanh của bạt ngàn rừng thông. Thêm vào đó, chút không khí lành lạnh của cao nguyên càng làm say lòng du khách phương xa.
Cái tên làng Cù Lần được đặt theo tên loài cù lần rất hiền lành, trước đây có rất nhiều ở khu vực này. Nhờ bàn tay của những người có tâm huyết trong nghề du lịch “tô vẽ” thêm một số khu vực để tạo thành một khu du lịch nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, khám phá của du khách.
Đến làng khu du lịch Cù Lần, du khách có thể cưỡi ngựa dọc theo con đường đèo hoặc thử cảm giác mạnh trên những chiếc xe địa hình băng rừng, vượt suối. Riêng chúng tôi chọn cho mình cách đi bộ, tha thẩn từng bước để tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp có phần hoang sơ, bình dị nơi đây. Đặt những bước chân trên từng bậc đá xanh của con đường mòn uốn lượn quanh lưng đồi, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi phóng tầm mắt xuống phía dưới: một ngôi làng của người K’ho yên bình bên con suối nhỏ và những rừng hoa đang khoe sắc.
Đó là một ngôi làng nằm trên khoảng đất rộng và bằng phẳng được phủ đầy cỏ xanh và hoa tươi, được ví như “trái tim” của làng Cù Lần. Từng ngôi nhà sàn nằm sát nhau như một bản làng nguyên sơ cùng những vật dụng sinh hoạt lao động thường ngày của cư dân. Một người dân bản địa ở đây kể lại với chúng tôi rằng, nơi đây chính là trung tâm của bà con dân tộc K’ho sinh sống từ nhiều thế kỉ trước. Ngôi làng được chia thành nhiều khu vực nhỏ với nhiều dịch vụ riêng.

Vẻ đẹp hoang sơ, bình dị ở khu du lịch làng Cù Lần.

Cây cầu treo thi vị bắc qua thung lũng trong làng Cù Lần.

Làng Cù Lần thơ mộng nằm e ấp dưới đồi thông xanh.

Những kiểu nhà mộc mạc nhưng đầy thi vị ở khu du lịch làng Cù Lần.

Những chiếc xích đu tạo nên từ những khúc gỗ lớn đặt rải rác trong làng Cù Lần.

Cây cầu gỗ làm từ những thân cây bắc qua con suối nhỏ chảy quanh làng.

Thảm cỏ xanh mướt giữa trung tâm làng, nơi thường tổ chức các trò chơi tập thể hoặc cắm trại.

Chợ Chồm Hổm, nơi sản xuất và bán các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ của người dân bản địa.

Những con Cù Lần được làm bằng gỗ hoặc nhồi bông ngộ nghĩnh luôn là món quà lưu niệm được nhiều khách ưa chuộng. |
Chúng tôi ghé thăm xóm Đuốc với những ngôi nhà gỗ khang trang dựa lưng bên đồi thông quay mặt ra một hồ nước rộng. Nước hồ lắng đọng và trong vắt như thể in được cả bóng người dưới đáy hồ. Ngoài việc thử mạo hiểm băng qua cây cầu khỉ bắc ngang hồ, du khách còn được thưởng thức cảm giác chèo bè gỗ lênh đênh, ngắm nhìn đàn cá tung tăng quẫy lội. Ngoài ra, vào những dịp lễ hội, đây là địa điểm chính diễn ra những cuộc thi đua thuyền rất hào hứng. Những ngọn đuốc được thắp sáng khi trời về đêm làm khu xóm trở nên huyền ảo giữa núi đồi.
Rời khỏi xóm Đuốc, chúng tôi tiếp tục đến xóm K’ho với rất nhiều khu nhà sàn gỗ, đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên thấp thoáng dưới những vườn hoa Kim Châm luôn khoa sắc vàng óng ánh. Vào thăm những ngôi nhà này, du khách được chiêm ngưỡng những dụng cụ sinh hoạt và lao động để hiểu biết thêm về cuộc sông của người dân bản địa trước đây. Hoa Kim Châm được trồng dọc khắp hai bên các con đường, như dẫn mọi người lạc vào chốn tiên cảnh đầy hoa thơm, cỏ lạ, khói trắng bồng bềnh. Nếu muốn thưởng thức cảnh sinh hoạt nhộn nhịp, hãy ghé chợ Chồm hổm xem cách làm các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ của người bản địa. Những con cù lần được làm bằng gỗ hoặc nhồi bông ngộ nghĩnh luôn là món quà lưu niệm được nhiều khách ưa chuộng. Ngoài ra, những món ẩm thực mang phong vị của núi rừng cùng những bầu rượu cần nồng nàn cũng khiến du khách khó có thể từ chối khi ghé vào nhà hàng Cù Lần. Thảm cỏ xanh mướt giữa trung tâm làng chính là nơi tổ chức các trò chơi hoặc tổ chức cắm trại với các nhóm đi đông theo đoàn. Về đêm, vòng người nắm tay nhau xoay tròn quanh ánh lửa trại bập bùng, những điệu múa nhịp nhàng cùng tiếng cồng chiêng hòa quyện với nhau kéo dài đến tận khuya, làm chếnh choáng cả một vùng núi đồi.
Đến với Khu du lịch Cù Lần là đến với bầu không khí trong lành, thoáng mát cùng khung cảnh tự nhiên hoang sơ nhưng không kém phần kỳ vĩ, thơ mộng. Không chỉ thế, nét đẹp văn hóa, tinh thần của đồng bào Tây Nguyên được tái hiện và gìn giữ để giới thiệu với du khách chính là điểm nhấn quan trọng của ngôi làng có tên gọi thật dễ thương này…/.
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/lang-cu-lan-57162.html