Tiềm năng địa phương

Làm giàu từ cây ớt

Người dân ở xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đang khá giả lên nhờ nghề trồng ớt. Vùng đất nghèo khó dọc sông Tiền này đã thay da đổi thịt, nhiều ngôi nhà kiên cố đua nhau mọc lên, đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Về Bình Ninh vào mùa thu hoạch, bạn sẽ thấy những vườn ớt đỏ tươi trải dài thật đẹp mắt.
Cây ớt đã nặng tình với đất Bình Ninh hơn 10 năm nay. Ngày trước, đất này trồng lúa quanh năm chỉ đủ ăn, phải đến khi các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long đem giống ớt 207 về hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, nông dân mới tìm được hướng đổi đời.

Cây ớt ở Bình Ninh được nông dân trồng 2 vụ/năm, vụ 1 từ tháng 7 và đến tháng 9. Đây là vụ chính nên năng suất cao. Sau đó, bà con nhổ ớt, cải tạo đất, gieo hạt trồng vụ tiếp theo và vụ này thu hoạch trước Tết âm lịch khoảng hơn một tháng. Hầu hết, người dân nơi đây đều chọn giống ớt “hai mũi tên đỏ”, vì giống này khá dễ trồng mà năng suất lại cao hơn những loại ớt khác, chỉ 3 tháng trồng là đã cho thu hoạch.
 

Ớt Bình Ninh trái to, đều và có màu đỏ tươi nên rất được thương lái ưa chuộng.

Những vườn ớt xanh đang được người dân chăm sóc để chuẩn bị cho một mùa bội thu.

Thu hoạch ớt trên đồng.

Niềm vui của người nông dân được mùa ớt.

Nhộn nhịp mùa hái ớt chín.

Giá ớt có thể lên tới 54 nghìn đồng/kg.

Ớt trúng mùa ở Bình Ninh.

Xã Bình Ninh là vùng đất cao, pha cát nên rất hợp với cây ớt. Toàn xã có 3000 hộ thì hơn 1000 hộ sống bằng nghề trồng ớt. Diện tích trồng ớt lên tới 400 ha, chiếm khoảng 97% tổng diện tích đất trồng hoa màu, và tập trung nhiều nhất ở các ấp Bình Ninh Hạ, Bình Phú. Hộ trồng ít từ 2 - 3 công đất (khoảng 2 - 3 nghìn m2), hộ trồng nhiều 5 - 7 công, thậm chí có hộ trồng hơn 1 ha.

Theo tính toán của những người trồng ớt tại xã Bình Ninh, với năng suất hiện nay, 1 công đất (1000 mét vuông) cho thu hoạch từ 1 đến 1,2 tấn/vụ, trừ chi phí thu lãi 30 - 35 triệu đồng. Nếu trồng một ha (10 công) ớt sẽ lãi khoảng 300 - 350 triệu đồng. Như vậy, một năm 2 vụ cũng kiếm được khoảng gần cả tỉ đồng.

Gia đình ông Huỳnh Văn Tỷ ở ấp Bình Phú, xã Bình Ninh, huyện Chơ Gạo, tỉnh Tiền Giang hiện có 1,1 ha đất ruộng đều trồng ớt. Trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình ông lãi hơn 500 triệu đồng. Cây ớt cho kinh tế cao gấp 10 lần so với trồng lúa. Bình Ninh đang là "mô hình điểm” tham quan, học hỏi kinh nghiệm của nông dân các tỉnh lân cận như Đồng Tháp, Vĩnh Long… Ngoài ra, từ nghề trồng ớt, đã hình thành nghề hái ớt thuê thu hút lao động từ các địa phương khác.

Ông Lê Công Huấn, một chủ vựa thu mua ớt ở Bình Ninh cho biết: “Do ớt không đủ cung cấp cho các thương lái xuất khẩu sang Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Campuchia…nên giá ớt hiện nay rất cao, có ngày tăng lên tới 54 ngàn/kg. Ở đây có hơn 10 vựa thu mua ớt nên rất cạnh tranh, thậm chí người trồng ớt không cần đem đến vựa bán mà vẫn có người đến tận nơi thu mua đàng hoàng”.
 

Phân loại ớt trước khi đóng thùng tại một vựa buôn ớt ở Bình Ninh.

Mỗi ngày các đại lí thu gần 30 tấn ớt tươi.

Dùng quạt công suất lớn thổi tạp chất ra khỏi ớt.

Ớt tươi được đóng thùng để xuất khẩu.

Người nông dân có thu nhập cao và ổn định từ nghề trồng ớt.
 
Cây ớt đã trở thành "chìa khóa" giúp nông dân địa phương thoát khỏi cảnh nghèo khó và vươn lên làm giàu. Ông Phạm Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Ninh cho biết: “Tỉnh Tiền Giang đang phối hợp triển khai mô hình “Ứng dụng vi sinh vật có ích để sản xuất cây ớt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn GAP” tại xã Bình Ninh. Mô hình này nhằm giúp người trồng ớt giảm thiểu rủi ro, tăng năng suất. Công tác thủy lợi nội đồng cũng được địa phương thực hiện tốt để mùa khô vẫn đảm bảo nguồn nước phục vụ trồng ớt. Trong tương lai, chúng tôi sẽ phát triển mạnh cây ớt và hướng đến vùng chuyên canh trồng ớt ở Bình Ninh”.

Để có được trái ớt chất lượng và năng suất cao như vậy, người nông dân ở đây phải chăm sóc cẩn thận từ khi trồng cho tới lúc thu hoạch. Trong quá trình trồng ớt, khâu quan trọng nhất là phải xuống giống đúng mùa vụ sao cho tránh được mùa bão lúc cây còn non, tránh mù sương lúc cây trổ hoa. Ớt thường mắc một số bệnh khá phức tạp như thối cây, héo lá xanh, gỉ sắt, sán thư, nổ trái… Với các bệnh này hiện đều có thuốc bảo vệ thực vật phù hợp. Năm 2010-2011, huyện Chợ Gạo đã tổ chức hai lớp dạy nghề trồng ớt cho nông dân xã Bình Ninh. Nhiều người đã nắm được kĩ thuật trồng ớt, từ khâu làm đất, chọn giống, gieo hạt, trồng cây con, chăm sóc, cho đến thu hoạch.

Tỉnh Tiền Giang đang phát triển những vùng chuyên canh ớt và khuyến khích nhiều dự án đầu tư từ nước ngoài nhằm xây dựng các nhà máy chế biến ớt ngay tại địa phương. Hi vọng, không lâu nữa, người dân trồng ớt Bình Ninh sẽ được hưởng thêm nhiều lợi ích từ nghề trồng ớt./.
Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Nguyễn Luân

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/lam-giau-tu-cay-ot-33691.html


top