Chân dung

“Kỳ nữ” Kim Cương

“Khán giả có thể quên nghệ sỹ, sân khấu có thể quên nghệ sỹ, nhưng người nghệ sỹ không bao giờ quên sân khấu, quên khán giả”, NSND Kim Cương, người mang biệt danh “kỳ nữ” đã trải lòng như vậy trong đêm liveshow “Tạ ơn đời” của mình diễn ra vào tháng 8/2012 tại Nhà hát Tp. Hồ Chí Minh để tri ân người mẹ và cũng là người thầy của chị trong nghệ thuật, đó là NSND Bảy Nam, tri ân các bạn diễn, tri ân đến đông đảo các thế hệ công chúng yêu mến“kỳ nữ” Kim Cương…
NSND Kim Cương sinh ra và lớn lên trong một gia đình có đến 4 đời hoạt động sân khấu, hơn thế còn thuộc những thế hệ đầu tiên khai phá con đường phát triển sân khấu cải lương miền Nam với 4 tên tuổi nổi danh là Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nam, Năm Châu.

Từ trong bụng mẹ, Kim Cương đã được sống trong tiếng nhạc lời ca của nghệ thuật cải lương khi NSND Bảy Nam theo đoàn Đại Phước Cương lưu diễn từ Nam ra Bắc. Còn nhớ, khi Đoàn ra Huế diễn vở "Quan Âm Thị Kính", bé Kim Cương khi đó mới được 18 ngày tuổi đã lên sân khấu trong vai đứa con sơ sinh của Thị Mầu với đạo cụ là chiếc bình sữa. Lên 7 tuổi, trong vai Na Tra (vở "Na Tra lóc thịt", kịch bản của chính NSND Bảy Nam), Kim Cương đã được tán thưởng nhiệt liệt khi lần đầu tiên diễn cùng với mẹ và dì ruột là nghệ sĩ nổi tiếng Năm Phỉ.

Những tưởng Kim Cương sẽ xa mãi ánh đèn sân khấu khi gia đình gửi theo học văn hóa ở trường dòng, nhưng trong chuyến thăm mẹ đang lưu diễn cùng Đoàn hát ở Châu Đốc vào dịp nghỉ hè năm 17 tuổi, tình cờ Kim Cương lại được các các cô chú trong Đoàn nhờ biểu diễn dùm bản tân nhạc "Nụ cười sơn cước". Và thật không ngờ, chính bản tân nhạc ấy đã đánh dấu sự trở lại của Kim Cương. Gần như ngay sau đó, chị tiếp tục thành công với vai chính A Liễu trong vở cải lương "Giai nhân và Ác quỷ" mà soạn giả Duy Lân viết riêng để giới thiệu nữ nghệ sĩ trẻ Kim Cương. 
 

NSND Kim Cương, tháng 8/2012. (Ảnh: Lê Minh)

NSND Kim Cương trong trích đoạn "Trà hoa nữ" trong đêm “Tạ ơn đời” tháng 8/2012. (Ảnh: Lê Minh)

NSND Kim Cương và NSƯT Hữu Châu trong trích đoạn "Trà hoa nữ". (Ảnh: Lê Minh)

NSND Kim Cương trong trích đoạn "Trà hoa nữ". (Ảnh: Lê Minh)

NSND Kim Cương trong trích đoạn "Lá sầu riêng". (Ảnh Lê Minh)

NSND Kim Cương và diễn viên Lương Thế Thành trong trích đoạn "Lá sầu riêng". (Ảnh: Lê Minh)

NSND Kim Cương tri ân bạn diễn - nghệ sĩ Long Hải. (Ảnh: Lê Minh)

NSND Kim Cương và NSƯT Thành Lộc. (Ảnh: Lê Minh)

NSND Kim Cương cùng các nghệ sĩ trong đêm “Tạ ơn đời” tháng 8/2012. (Ảnh: Lê Minh)

Đến đầu những năm 1960, kịch nói miền Nam chính thức ra đời khi Kim Cương lập Ban thoại kịch Kim Cương. Từ đây, khán giả còn được thưởng thức một nghệ sĩ Kim Cương có lối diễn kịch rất hay với tài dẫn dắt tình cảm của khán giả một cách tự nhiên. Không những thế, chị còn có khả năng làm bầu sân khấu, làm đạo diễn (từng tu nghiệp ở Bulgaria) đều giỏi và là một tác giả viết nhiều kịch bản sân khấu đặc sắc. Dưới bút danh Hoàng Dũng, NSND Kim Cương đã viết trên 50 vở kịch cho đoàn kịch Kim Cương do chính chị lập năm 1960. Trong đó, có những vở kịch luôn sống mãi trong lòng nhiều thế hệ khán giả như: Tôi là mẹ, Lá sầu riêng, Trà hoa nữ, Dưới hai màu áo, Huyền thoại mẹ, Vực thẳm chiều cao, Bông hồng cài áo… Tại Đại hội Điện ảnh châu Á 1974, ngoài giải diễn viên xuất sắc nhất, Kim Cương còn được trao giải người viết đối thoại hay nhất. Và dù là nghệ sĩ, trưởng đoàn hay viết kịch bản, và cả đạo diễn… nhưng ở vị trí nào Kim Cương cũng xuất sắc nên chị đã xứng đáng được các thế hệ khán giả mộ điệu gọi là “Kỳ nữ Kim Cương”.

«...
         NSND Kim Cương được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là “Nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam”. Tháng 5/2012, “Kỳ nữ” Kim Cương vinh dự được Chủ tịch Nước trao tặng danh hiệu cao quý Nghệ sỹ Nhân dân.
Nói về các vở diễn của mình, NSND Kim Cương cho biết, trong một lần xem kịch ở Pháp vào năm 1967, có cô diễn viên da đen đã nói một câu làm chị nhớ mãi: “Dòng máu của các bà mẹ chảy dưới tất cả màu da”. Từ đó về sau, câu nói này đã trở thành nguồn cảm hứng để NSND Kim Cương viết nhiều kịch bản người mẹ, đồng thời cũng là kim chỉ nam trong tình cảm mẹ con chị ngoài sân khấu. NSND Kim Cương cũng không nhớ rõ mình đã viết bao nhiêu vở kịch về đề tài tình mẹ con trong số hơn 70 vở diễn của mình. Trong đó, Lá sầu riêng, Huyền thoại mẹ và Bông hồng cài áo là những vở nổi tiếng nhất, ăn khách nhất và diễn nhiều suất nhất. Riêng vở "Lá sầu riêng" gắn với tên tuổi “Kỳ nữ” Kim Cương được viết năm 1965, là một cách chơi chữ, mượn cây sầu riêng để tượng trưng cho nhân dân miền Nam, đồng thời nói về những nỗi khổ sâu kín mà người phụ nữ luôn mang nặng trong lòng.
 

Nghệ sỹ Kim Cương thời trẻ. (Ảnh: Tư liệu)

Nghệ sỹ Kim Cương trong vở kịch "Tania" nổi tiếng của tác giả A. Ac-Bu-Dôp (Liên Xô cũ). (Ảnh: Tư liệu)

Nghệ sỹ Kim Cương (trái) trong vở "Về nguồn". (Ảnh: Tư liệu)

Nghệ sỹ Kim Cương trong vở "Hồi sinh". (Ảnh: Tư liệu)

Nghệ sỹ Kim Cương trong vở "Một thoáng đam mê". (Ảnh: Tư liệu)

Sau năm 1975, NSND Kim Cương tiếp tục thành công trong vai phụ trách đoàn kịch mang tên mình. Đặc biệt, chị đã mời đạo diễn Đoàn Bá dựng những vở kịch nổi tiếng của Liên Xô cũ trên sân khấu kịch Tp. Hồ Chí Minh như: Tanhia, Cuộc chia tay tháng sáu, Câu chuyện Ieckut… Chị còn kết hợp được với sân khấu phía Bắc để thực hiện các tác phẩm xuất sắc như: "Con nai đen" của Nguyễn Đình Nghi, "Lời nói dối cuối cùng" của Lưu Quang Vũ…

NSND Kim Cương chia sẻ, chị luôn nhớ lời má Bảy Nam dạy, phải luôn nghiêm túc khi đứng trên sân khấu vì đối với gia đình chị, sân khấu không phải là nghề mà là đạo. Là nghệ sĩ, muốn diễn hay, viết tốt phải có tâm hồn, và chị may mắn là có được tâm hồn nhạy cảm nên dễ đồng cảm với nỗi đau con người. Hiện tại, sau khi tạm chia tay sàn diễn sân khấu từ những năm 1990, gần 20 năm qua, trong cương vị Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Tp. Hồ Chí Minh, Thường vụ Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tp. Hồ Chí Minh, NSND Kim Cương đã tích cực tham gia hoạt động từ thiện, vận động nhiều người cùng đóng góp công sức, tiền của góp phần đem lại niềm vui cho những số phận không may mắn…

Trong đêm “Tạ ơn đời”, khi vào vai vũ nữ Y Lan trong trích đoạn "Trà hoa nữ" hay một bà Diệu thương con trong "Lá sầu riêng", lối diễn của NSND Kim Cương ở tuổi 75 vẫn vẹn nguyên xúc cảm cho những ai đã từng xem “kỳ nữ” Kim Cương của mấy chục năm về trước…/.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Lê Minh & Tư liệu 

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/ky-nu-kim-cuong-42827.html


top