Sáng 21/5, với 449/449 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (93,93% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Theo chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 21/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Sau khi thảo luận ở hội trường về: Việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua 2 Nghị quyết của Quốc hội về các nội dung này.
Trước khi biểu quyết thông qua, Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết, theo đó, quyết nghị: Rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 là Chủ nhật, ngày 15/3/2026.
Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XVI được triệu tập chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày bầu cử. Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2026 - 2031 được triệu tập chậm nhất là 45 ngày, kể từ ngày bầu cử.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
Thời gian còn lại của buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Dự thảo Luật được xây dựng nhằm bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, đáp ứng yêu cầu chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, về bầu cử sớm, rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; bám sát các nội dung sửa đổi Hiến pháp có liên quan đến dự án Luật.
Cùng với đó, hoàn thiện các quy định về bầu cử trong bối cảnh triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; điều chỉnh giảm thời gian thực hiện một số bước trong quy trình bầu cử song phải bảo đảm chặt chẽ, công khai, dân chủ, khả thi.
Dự thảo Luật đã lược bỏ toàn bộ các quy định có nội dung liên quan đến Hội đồng nhân dân cấp huyện; rà soát, sửa đổi, bổ sung 47/98 điều của Luật hiện hành; sửa đổi các quy định nhằm điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử...
Trong phiên họp chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng./.
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xv-bieu-quyet-thong-qua-nghi-quyet-ve-ngay-bau-cu-toan-quoc-397828.html