Tiêu điểm

Kinh tế tư nhân: Động lực và những kỳ vọng mới

Không ngừng lớn mạnh và trở thành động lực quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua đã tạo ra khoảng 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Những thay đổi về thể chế, chính sách đã tạo nên những thành tựu trong sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW (từ năm 2017 đến nay), khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có sự phát triển mạnh cả về chất, lượng và quy mô, tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Việt Nam được thế giới biết đến qua những tên tuổi các tập đoàn tư nhân như: Vingroup, Sun Group, T&T Group, Thaco, Vietjet, TH True Milk, Masan... Nhiều doanh nghiệp tư nhân đạt kim ngạch xuất khẩu hàng triệu USD, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, thu ngân sách và giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh, xã hội.

“Tháng 1/2021, cả nước có gần 10.100 doanh nghiệp thành lập mới”.
(Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã chung tay cùng các bộ, ngành và Chính phủ góp phần chống dịch hiệu quả, động thái này thể hiện sự đồng hành hiệu quả 3 bên, giữa Chính phủ - Doanh nghiệp - Người dân.

Trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, các chuyên gia tư vấn đã đặt ra các vấn đề cần giải quyết để kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.



Sun World Fansipan Legend nằm ở phía Tây Nam thị xã Sa Pa (Lào Cai), một quần thể du lịch văn hóa, dịch vụ cáp treo, vui chơi giải trí
và khách sạn nghỉ dưỡng đẳng cấp, nằm trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ đã trở thành huyền thoại - đỉnh Fansipan do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư.
Ảnh: Tư liệu Sun Group.


Vinhomes Royal City ở Hà Nội, khu đô thị mới kết hợp trung tâm thương mại, vui chơi giải trí,
văn phòng hiện đại bấc nhất Việt Nam hiện nay do Tập đoàn kinh tế tư nhân Vingroup làm chủ đầu tư. Ảnh: VNP



Công nhân phân xưởng tơ sợi của Công ty Cổ phần Tơ tằm Á Châu ở Tp. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: VNP



Dây chuyền Nhà máy sản xuất ô tô Hyundai Thành Công, thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công,
tại Khu công nghiệp Gián Khẩu (Gia Viễn, Ninh Bình). Ảnh: TTXVN



Nhờ đầu tư bài bản, quy mô và hiện đại, với một quy trình khép kín “tự sản xuất, tự kiểm nghiệm, tự phân phối”,
rau sạch thương hiệu VinEco đang là một trong những “điểm sáng” lấy được lòng tin của người tiêu dùng Việt. Ảnh: VNP



Hợp tác xã sản xuất dưa hấu VietGap ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây (Vị Thủy, Hậu Giang). Ảnh: TTXVN



Hợp tác xã Thủy sản Hòa Phong (xã Hòa Phong, huyện Mỹ Hào) trở thành mô hình điển hình của tỉnh Hưng Yên
trong việc thực hiện thành công quy trình nuôi cá sạch theo mô hình tạo sông trong ao, đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng hàng năm. Ảnh: VNP

Để hiện thực mục tiêu đó, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ thảo luận đề án về đổi mới toàn diện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế thực hiện Nghị quyết Trung ương số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng.

Thủ tướng cho rằng: “Chúng ta nhận thức đây là đề án quan trọng, quy mô và phạm vi rất rộng, tác động, ảnh hưởng rất lớn đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong bối cảnh phát triển mới của đất nước sau Đại hội Đảng XIII”.


“Đến cuối năm 2020, Việt Nam đã có hơn 800 nghìn doanh nghiệp tư nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và hơn 5,4 triệu hộ kinh doanh”.
(Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Về mục tiêu tổng quát, theo đề án, đến năm 2030, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý Nhà nước theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang quản lý và kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, góp phần đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế tư nhân nêu trong Nghị quyết 10-NQ/TW và Nghị quyết 98/NQ-CP.

Năm 2021 là năm bản lề để nền kinh tế bước vào thới kỳ mới 2021-2025 và cho cả giai đoạn 2021 - 2030. Với những kết quả đạt được trong giai đoạn 2016-2020 và những bài học kinh nghiệm được rút ra trong điều hành và quản lý, cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp kinh tế tư nhân và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, hy vọng các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2021 sẽ được hoàn thành toàn diện và vượt mức./.

 
Bài: Báo ảnh Việt Nam - Ảnh: TTXVN, VNP và Tư liệu Sun Group

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/kinh-te-tu-nhan-dong-luc-va-nhung-ky-vong-moi-254436.html


top