“K’Ho Coffee” là thương hiệu cà phê do cặp vợ chồng Joshua (người Mỹ) và Cơ Liêng Rolan (dân tộc K’Ho, Lâm Đồng) gây dựng nhiều năm qua và hiện đã trở thành đại diện cho hương vị cà phê của cao nguyên LangBiang và là mô hình tiêu biểu về sản phẩm cà phê sạch của người dân tộc K’Ho giữa đại ngàn Tây Nguyên.
Câu chuyện “K’Ho Coffee” bắt đầu từ mối tình lãng mạn giữa chàng trai người Mỹ và cô gái người dân tộc K’Ho ở Lâm Đồng. Rời nước Mỹ năm 2008, Joshua làm việc cho một công ty ở Campuchia, nơi chuyên tổ chức các tour du lịch cho khách nước ngoài. Đặt chân đến Việt Nam, Joshua tình cờ đã gặp và yêu Cơ Liêng Rolan, cô gái xinh đẹp của núi rừng LangBiang khi đó đang là nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng tại Khu du lịch Đồi Mộng Mơ.
Sau khi kết hôn, cả hai quyết định lập nghiệp trên chính vùng đất quê hương của Rolan, dưới chân ngọn núi LangBiang huyền thoại. Trong một cuộc trò chuyện tình cờ với một vị khách nước ngoài về cà phê, ý tưởng sản xuất một loại cà phê sạch, cà phê nguyên chất đã nảy sinh trong đầu Rolan. Cặp vợ chồng Joshua - Rolan liền cùng nhau bắt tay vào thiết lập một thương hiệu cà phê mới có trách nhiệm với môi trường thông qua các biện pháp canh tác hữu cơ và giữ lợi nhuận trong tay của cộng đồng.
“K’Ho Coffee” được làm từ những trái cà phê sạch trên vùng cao nguyên LangBiang. Ảnh: Tư liệu
Vợ chồng Joshua - Rolan lựa chọn kỹ từng trái cà phê thành phẩm cho thương hiệu “K’Ho Coffee” của mình. Ảnh: Tư liệu
Cà phê Arabica được trồng phổ biến trên vùng cao nguyên LangBiang là nguyên liệu sản xuất cà phê sạch “K’Ho Coffee”.
Ảnh: Tư liệu
Hạt cà phê sau khi tách vỏ, phơi khô. Ảnh: Thông Hải
Hạt cà phê trước khi rang... Ảnh: Thông Hải
...và công đoạn rang cà phê. Ảnh: Thông Hải
Nguyên liệu cà phê sạch “K’Ho Coffee” giới thiệu với du khách nước ngoài cách rang một mẻ “K’Ho Coffee”. Ảnh: Thông Hải
Kiểm tra chất lượng hạt cà phê sau khi rang. Ảnh: Thông Hải
Cà phê bột thành phẩm trước khi đóng gói. Ảnh: Thông Hải
Chị Rolan trực tiếp đóng gói “K’Ho Coffee”. Ảnh: Thông Hải
Nguyên liệu cà phê sạch “K’Ho Coffee” được bảo quản cẩn thận. Ảnh: Thông Hải
Mẫu hạt cà phê Arabica để sản xuất sản phẩm “K’Ho Coffee” được lưu giữ. Ảnh: Thông Hải |
Với kiến thức của một người từng học ngành nông nghiệp, cộng với sự trợ giúp đắc lực của người vợ là người dân tộc bản địa, Joshua - Rolan nhanh chóng triển khai kế hoạch xây dựng thương hiệu sản phẩm cà phê mang tên “K’Ho Coffee”. Theo Rolan, chứng kiến cách người dân trồng cà phê từ lâu nên cô muốn giúp đỡ mọi người khẳng định thương hiệu cà phê của địa phương và xây dựng sản phẩm đặc trưng riêng cho người K’Ho.
Thay vì chỉ bán cà phê thô, Joshua - Rolan muốn bán loại cà phê đã chế biến ngay tại buôn Bonneur C của Rolan. Đích thân Joshua - Rolan chọn lựa những trái cà phê đã chín, hạt mẩy, chắc trước khi đem xay vỏ, rửa sạch, phơi khô trong 7 ngày trên những giá đỡ cách mặt đất. Hạt cà phê sau khi phơi khô tiếp tục được lột lụa, chà bóng, phân loại, rang, đóng gói và sử dụng. Mọi công đoạn trong quy trình chế biến “K’Ho Coffee” đều hoàn toàn bằng tay.
Sau rất nhiều thử nghiệm, năm 2012, lô hàng 10kg “K’Ho Coffee” đã thực hiện thành công và được bán hết ngay. “K’Ho Coffee” sau đó tiếp tục được đông đảo khách hàng đón nhận khi tham dự Organic Famers’ Market tại Tp. Hồ Chí Minh. Nhờ đó, người đại diện của Công ty Real Speliality Coffee Roaster đã tìm đến tận thôn Bonneur C để khảo sát quy trình sản xuất và quyết định đặt mua 20 tấn mỗi năm nhưng vợ chồng Joshua - Rolan phải từ chối vì làm không xuể và để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chất lượng. Họ bắt đầu đầu tư 130 triệu đồng để mua một chiếc máy rang hiện đại. Mỗi mẻ rang hết 20 phút, được 4kg hạt. Lúc này, nhờ sự hỗ trợ của máy móc hiện đại nên chất lượng cà phê được nâng cao rõ rệt, và giá bán đã tăng lên 500.000 đồng/kg so với giá 280.000-350.000 đồng/kg rang hoàn toàn thủ công.
Ngoài diện tích cà phê của gia đình, hiện Joshua - Rolan còn liên kết với các hộ trồng cà phê Arabica trong vùng với tổng diện tích 50ha làm vùng nguyên liệu riêng. Nhờ tuân thủ quy trình chuẩn, cà phê tươi được mua lại với giá cao hơn thị trường giúp bà con tin tưởng, duy trì phương pháp trồng cà phê sạch.
Chị Rolan giới thiệu với khách tham quan tìm hiểu cách lựa chọn hạt cà phê thành phẩm. Ảnh: Thông Hải
Joshua trình diễn cách pha cà phê giữ hương vị cà phê nguyên chất độc đáo của “K’Ho Coffee”. Ảnh: Tư liệu
Du khách nếm thử hương vị “K’Ho Coffee”. Ảnh: Thông Hải
Họa tiết trên bao bì “K’Ho Coffee” mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc K’Ho. Ảnh: Thông Hải
Sản phẩm “K’Ho Coffee” được trưng bày giới thiệu đến du khách quốc tế tại một Festival. Ảnh: Tư liệu
“K’Ho Coffee” hiện được khách du lịch Mỹ và các nước châu Âu đặt mua
để thưởng thức hay để làm quà cho bạn bè, người thân. Ảnh: Tư liệu |
Rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Đà Lạt biết tiếng “K’Ho Coffee” đã tìm đến ngôi nhà của Joshua - Rolan với mong muốn trải nghiệm cảm giác được nếm thử hương vị cà phê nguyên chất độc đáo của chính người dân tộc bản địa ngay trong không gian vườn cà phê trên sườn đồi. Theo Joshua, hiện đã có 7 cửa hàng trong cả nước sử dụng sản phẩm cà “K’Ho Coffee” và làm kênh phân phối tiêu thụ. Trong đó, Đà Lạt có hai cửa hàng, các thành phố lớn khác như Nha Trang, Tp. Hồ Chí Minh cũng có cửa hàng giới thiệu “K’Ho Coffee”. Không những thế, sẵn mối quan hệ của người từng làm du lịch, đi nhiều nơi trên thế giới như Joshua, “K’Ho Coffee” còn đang được nhiều khách du lịch Mỹ và các nước châu Âu đặt mua để thưởng thức hay để làm quà cho bạn bè, người thân./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Thông Hải & Tư liệu
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/kho-coffee-ca-phe-sach-cua-nguoi-kho-121612.html