Tin tức

Khảo sát công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và phụ nữ mang thai tại Lai Châu

Trong 4 ngày (từ ngày 04/5 đến 07/5), Quỹ Dân số liên hiệp quốc (UNFPA) và Đoàn công tác liên ngành Bộ Y tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện cuộc khảo sát công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em và phụ nữ mang thai tại huyện biên giới Sìn Hồ, Lai Châu.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cùng cán bộ Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thăm Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ, Lai Châu. Ảnh: Việt Cường/VNP

Đại diện UNFPA trò chuyện với kỹ thuật viên Y tế tại Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ, Lai Châu. Ảnh: Việt Cường/VNP

Cũng trong khuôn khổ chương trình Đại diện UNFPA đã gặp gỡ và nói chuyện với các học viên lớp Cô đỡ thôn bản của tỉnh Lai Châu trong chuyến khảo sát tình hình thực hiện chăm sóc sức khỏe bà mẹ, phụ nữ mang thai tại các vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn ở tỉnh Lai Châu. Ảnh: Việt Cường/VNP
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ, thói quen đẻ tại nhà, tự đỡ đẻ của người dân nơi đây còn phổ biến; tỷ lệ phụ nữ mang thai sinh con tại nhà, nhất là đồng bào dân tộc Mông, Lự, Dao, Máng mặc dù có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, gây ra những nguy cơ tai biến sản khoa trong cộng đồng cao.

Trong năm 2020, dưới tác động một phần của dịch COVID-19, tỷ lệ sinh con tại nhà của phụ nữ mang thai ở huyện Sìn Hồ có sự tăng vọt sau nhiều năm giảm nhẹ, ở mức 46,5% (trong khi tỷ lệ chung toàn tỉnh Lai Châu là 33%). Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng dịch vụ khám thai ít nhất 4 lần của phụ nữ mang thai còn ở mức rất thấp (5,8%) so với tỷ lệ chung trên toàn quốc (trên 73%). Có hai thách thức lớn trong hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ ở khu vực dân tộc thiểu số tại Lai Châu. Đó là người dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu tại vùng sâu, vùng xa khiến việc tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục gặp nhiều khó khăn. Thách thức tiếp theo, do thuộc nhóm dân tộc thiểu số và điều kiện văn hóa xã hội đặc thù nên khu vực này gặp khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp và hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA cho biết: Cần tăng cường các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn và biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục được phổ cập bằng tiếng dân tộc; đồng thời các bác sỹ, nhân viên y tế, hộ sinh cần biết tiếng địa phương để có thể giải thích cho bà con. Với nỗ lực hỗ trợ người dân vùng dân tộc thiểu số, một số chiến lược chính mà UNFPA đưa ra bao gồm: tăng cường, nâng cao năng lực khám chữa bệnh của các cán bộ y tế để họ có đủ khả năng xử trí các tình huống khác nhau về tai biến sản khoa và các bệnh liên quan đến thai sản, từ đó đảm bảo an toàn, sức khỏe, hạnh phúc cho bà mẹ và trẻ em; khai thác hiệu quả nền tảng thông tin, truyền thông trực tuyến, hệ thống tư vấn từ xa thông qua các ứng dụng di động và nền tảng trực tuyến nhằm khắc phục những khó khăn do những điều kiện văn hóa xã hội đặc biệt, rào cản ngôn ngữ, vị trí địa lý do người dân tộc thiểu số hầu hết sống rất xa các cơ sở y tế.

Quỹ Dân số Liên hợp quốc đã làm việc rất tích cực với Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ban, ngành khác nhằm xác định chiến lược hỗ trợ Việt Nam một cách hiệu quả nhất, đặc biệt tập trung vào nhóm dân cư dễ bị tổn thương, như dân tộc thiểu số, người di cư, thanh thiếu niên và người khuyết tật”./.

Tin, ảnh: Việt Cường/VNP

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/khao-sat-cong-tac-cham-soc-suc-khoe-cho-ba-me-va-phu-nu-mang-thai-tai-lai-chau-260464.html


top