Du lịch

Khám phá những núi lửa ở Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông

Cách đây hơn 140 triệu năm, do vận động kiến tạo của vỏ trái đất đã hình thành nên nhiều miệng núi lửa được các nhà nghiên cứu địa chất đánh giá có nét đẹp hoang sơ với kết cấu độc đáo trên địa bàn Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông.
Núi lửa Chư B'Luk

Núi lửa
Chư B'Luk, nằm ở huyện Krông Nô, có hình nón cụt đặc trưng, đẹp ngoạn mục và có thể chiêm ngưỡng được từ một khoảng cách rất xa với các hướng khác nhau.

Đáng chú ý, đây là núi lửa duy nhất trong vùng Công viên địa chất Đắk Nông tạo ra hệ thống 50 hang động dung nham, có quy mô và độc đáo bậc nhất Đông Á, ẩn chứa nhiều điều thú vị đang cần được nghiên cứu và giải mã.

Ngoài ra, việc phát hiện ra di chỉ khảo cổ của người tiền sử sinh sống trong hệ thống hang động núi lửa này đã làm nổi bật thêm giá trị khoa học, giáo dục của điểm địa chất độc đáo này.

 

Núi lửa Chư B'Luk là điển hình của kiểu phun trào trung tâm, có niên đại từ 200.000-600.000 năm. Ảnh: Công Đạt/VNP
 

Hang C9 
Chư B'Luk là một trong những hang động núi lửa bazan thuộc Quần thể hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á.
Quần thể này đã được các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản công bố tìm thấy vào cuối năm 2014. 
Ảnh: Công Đạt/VNP


Vách hang có màu đỏ rực hết sức độc đáo. 
Ảnh: Công Đạt/VNP


Miệng hang núi lửa 
Chư B'LukẢnh: Công Đạt/VNP
 

Vẻ đẹp của những vách đá bên trong hang động núi lửa 
Chư B'Luk. Ảnh: Công Đạt/VNP
 

Hành trình khám phá cảnh quan  miệng núi lửa 
Chư B'Luk của du khách. Ảnh: Công Đạt/VNP

Núi lửa Nâm Gle

Nằm ở huyện Đắk Mil, núi lửa Nâm Gle được xem là một trong những núi lửa trẻ ở khu vực Tây Nguyên. Hình dáng núi lửa 
Nâm Gle khác hẳn so với các núi lửa khác trong khu vực Công viên địa chất Đắk Nông.

Từ trên cao xuống, núi lửa 
Nâm Gle trông giống như hai mảnh vỏ hến úp vào nhau. Đây là một trong những núi lửa có hình dáng đẹp, có sự kết hợp giữa phun trào khe nứt và phun nổ.

Núi lửa Nâm Gle nằm gần hồ nước tự nhiên khá rộng và đẹp. Theo nhận định của các nhà khoa học, hồ nước này có thể liên quan đến hoạt động của núi lửa này.



Nằm ở huyện Đắk Mil, núi lửa Nâm Gle được xem là một trong những núi lửa trẻ ở khu vực Tây Nguyên.
Hình dáng núi lửa này khác hẳn so với các núi lửa còn lại trong khu vực Công viên địa chất Đắk Nông. 
Ảnh: Công Đạt/VNP



Đá nham thạch tìm thấy ở xung quanh khu vực núi lửa 
Nâm Gle. Ảnh: Công Đạt/VNP

Núi lửa Nam Dơng

Tọa lạc ở huyện Cư Jut, Nam Dơng là núi lửa lớn thứ ba của Công viên địa chất Đắk Nông, có cảnh quan ngoạn mục và được bảo tồn khá nguyên vẹn.

Miệng núi lửa có hình phễu với độ cao của địa hình ít khác biệt so với xung quanh. Theo độ cao của miệng núi lửa, có thể gọi đây là miệng núi lửa âm, bởi vì nhìn từ xa cũng như ở gần (trong vòng bán kính 1 - 2km) không phân biệt được hình thái núi lửa.


Người dân bản địa trồng các loại hoa màu trên các miệng núi lửaNam Dơng. Ảnh: Công Đạt/VNP


Núi lửa Nam Dơng là núi lửa lớn thứ ba của Công viên địa chất Đắk Nông, có cảnh quan thu hút và được bảo tồn khá nguyên vẹn. 
Ảnh: Công Đạt/VNP
 
Cụm núi lửa Nâm Kar

Nằm trên địa bàn huyện Krông Nô, núi lửa Nâm Kar là một trong những núi lửa đẹp nhất trong khu vực Công viên địa chất Đắk Nông.

Ngoài miệng núi lửa chính còn có 2 miệng núi lửa phụ được hình thành dưới dạng lỗ thoát dung nham. Ngoài ra còn có các khuôn cây hóa thạch được hình thành trong quá trình phun trào núi lửa.

Núi lửa này có quy mô không lớn nhưng có tính độc đáo về kiểu hình thành, cấu tạo và có hình dạng đẹp ngoạn mục và độc đáo vào bậc nhất của Công viên địa chất Đắk Nông.



Cận cảnh miệng núi lửa Nâm Kar nhìn từ trên cao. Núi lửa có hình nón cụt, hay hình bát úp, miệng hình phễu trũng ở phần giữa;
gờ miệng xung quanh nổi cao, đặc trưng cho kiểu phun trào trung tâm. 
Ảnh: Công Đạt/VNP


Cảnh quan cánh đồng lúa ven núi lửa, 
Nâm Kar. Ảnh: Công Đạt/VNP


Người dân bản địa thu hoạch lúa trên cánh đồng lúa ven núi lửa 
Nâm Kar. Ảnh: Công Đạt/VNP


Chỉ dẫn đường đến Đăk Nông:
- Nếu sinh sống ở Sài Gòn hoặc các tỉnh xung quanh Đắk Nông, du khách có thể sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển tới Đắk Nông. Từ Sài Gòn di chuyển qua Bình Dương, tới Đồng Xoài của Bình Phước rồi từ đây theo QL14 để tới Đắk Nông. Hoặc du khách có thể dễ dàng tìm xe khách đi Đắk Nông khởi hành hàng ngày, với khoảng cách chừng 250km thường chỉ mất khoảng 7-8 tiếng cho chuyến đi.
- Về đường hàng không, Đắk Nông hiện không có sân bay, 2 sân bay gần nhất để có thể đến trung tâm tỉnh là sân bay Buôn Ma Thuột với khoảng cách 130km và sân bay Liên Khương (Đà Lạt) với khoảng cách 150km. Khách du lịch từ các tỉnh thành trong cả nước có thể đáp các chuyến bay tới Buôn Ma Thuột hoặc sân bay Đà Lạt, di chuyển về Công viên địa chất toàn cầu
 Đăk Nông.
Thực hiện: Công Đạt

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/kham-pha-nhung-nui-lua-o-cong-vien-dia-chat-toan-cau-dak-nong-277717.html


top