Tin tức

Khai trương cổng thông tin Pháp-Việt chia sẻ tài liệu lịch sử quý hiếm về Việt Nam


Lễ khai trương cổng thông tin Pháp - Việt "Thư viện Hoa Phượng Vỹ". Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN
Ngày 7/4, Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam phối hợp với Thư viện Quốc gia Việt Nam phối hợp tổ chức họp báo khai trương Cổng thông tin Pháp-Việt: Thư viện Hoa Phượng Vĩ.

Đây là dự án thư viện số nằm trong khuôn khổ chương trình thỏa thuận hợp tác giữa Thư viện Quốc gia Việt Nam và Thư viện viện Quốc gia Pháp (BnF). 

Phát biểu tại họp báo, bà Kiều Thúy Nga, Giám đốc Thư viện quốc gia cho biết, với sự phối hợp tích cực của hai Thư viện Quốc gia thông qua một số hoạt động như tổ chức cuộc họp của Hội đồng khoa học bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến; lựa chọn tài liệu, số hóa tài liệu, xử lý các dữ liệu số cũng như chuẩn hóa các dữ liệu số, tích hợp các dữ liệu số và đề cử một số nhà nghiên cứu để chuẩn bị các bài giới thiệu cho các bộ sưu tập trong cổng thông tin, đến nay, sau gần 2 năm triển khai (từ 2019-2020), dự án đã cơ bản hoàn thành và "mở cửa” cho các nhà nghiên cứu, công chúng truy cập trực tuyến tại địa chỉ: https://heritage.bnf.fr/france-vietnam.

Nội dung trên cổng thông tin là những tài liệu phản ánh bức tranh sống động về mối quan hệ tương tác lịch sử, văn hóa, văn học giữa hai nước Việt Nam-Pháp từ thế kỷ 17 (năm 1922) đến giữa thế kỷ 20 (năm 1954); khoảng 2164 tài liệu được tập hợp, số hóa  từ các kho lưu chiểu của hai Thư viện Quốc gia Việt, Pháp cũng như Trung tâm hợp tác quốc tế về nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển Pháp (CIRAD) để đăng tải trên cổng thông tin. 

Số tài liệu trên được phân vào 8 nhóm chủ đề: lưu chuyển, truyền thống, tư tưởng, văn học, chuyển giao văn hóa, các triều đại và chính quyền, khoa học và xã hội, đời sống kinh tế. Mỗi thư mục chủ đề lớn này lại chia thành các tiểu mục.

Cũng theo bà Kiều Thúy Nga, trong tổng số hơn 2.000 tài liệu được đăng tải trên cổng thông tin, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã đóng góp khoảng 1.157 tài liệu số. Nhiều tư liệu trong số này chủ yếu tập trung vào các tư liệu bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Hình thức các tài liệu khá đa dạng. Ngoài tài liệu in, còn có các tài liệu bằng hình ảnh, âm thanh rất quý hiếm.

Cổng thông tin Pháp-Việt lần đầu tiên được giới thiệu vào ngày 12/2/2021 và sau hơn 1 tháng chạy thử nghiệm, tính đến nay, có khoảng 5.313 lượt truy cập, trong đó có khoảng 1.254 lượt truy cập từ Việt Nam. Qua đó, cho thấy mức độ quan tâm của giới học giả và cộng đồng với nguồn tư liệu di sản của hai Thư viện Quốc gia Việt Nam, Pháp.

Thư viện quốc gia Việt Nam và Thư viện Quốc gia Pháp hiện là hai thư viện đang sở hữu những bộ sưu tập tư liệu về Đông Dương và Việt Nam lớn nhất thế giới từ giai đoạn thế kỷ 17 cho đến giữa thế kỷ 20.

"Với cổng thông tin này, chúng tôi hy vọng sẽ giúp cho bạn đọc có thể tiếp cận những nguồn tư liệu cổ này một cách thuận lợi, dễ dàng hơn, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu về nguồn tư liệu di sản của hai thư viện, hai quốc gia", Giám đốc Thư viện quốc gia Kiều Thúy Nga chia sẻ.

Bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao việc khai trương Cổng thông tin Pháp-Việt: Thư viện Hoa Phượng Vĩ, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery nhấn mạnh, dự án thư viện số này đã thực hiện quyết tâm của Thư viện Quốc gia Pháp và các đối tác trong việc thực hiện một trong những khuyến cáo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) về sự tiếp cận của công chúng với các di sản tư liệu trong thời đại kỹ thuật số.

Giáo sư Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn hóa dân gian Việt Nam, cho rằng, dự án Cổng thông tin Pháp-Việt đã mở ra cơ hội để cho các các nhà nghiên cứu dân gian Việt Nam tiếp cận với những tài liệu gốc, giúp làm sáng tỏ cũng như phục vụ việc khôi phục một số lễ hội dân gian bị mai một, đồng thời phản ánh chính xác quá trình tiếp xúc, giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt-Pháp./.

TTXVN/VNP

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/khai-truong-cong-thong-tin-phap-viet-chia-se-tai-lieu-lich-su-quy-hiem-ve-viet-nam-257641.html


top