Khai thác hợp lý các giá trị văn hóa đặc trưng, kết hợp sử dụng nguồn lực hiệu quả chính là chìa khóa kiến tạo bản sắc du lịch độc đáo và phát triển bền vững. Đây là khẳng định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ tại Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển du lịch bền vững: Bản sắc, nguồn lực - Kinh nghiệm quốc tế và kiến giải cho Việt Nam” do Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế và Du lịch cùng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ trình bày đề dẫn hội thảo.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ, điều này không chỉ giúp bảo tồn văn hóa truyền thống và môi trường tự nhiên mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Việc kiến tạo và phát triển bản sắc du lịch bao gồm quá trình hình thành, lan tỏa bản sắc của các địa phương và quốc gia cũng như các hình thái du lịch dựa trên bản sắc văn hóa đặc thù. Còn nguồn lực trong phát triển du lịch chính là nguồn lực tự nhiên, văn hóa, con người, công nghệ và pháp lý.
Từ thực tiễn địa phương, Tiến sĩ Nguyễn Minh Trí, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, để phát triển du lịch bền vững yêu cầu tiên quyết là phải dựa trên nguồn lực văn hóa. Nguồn lực thiên nhiên có thể giống nhau ở nhiều nơi nhưng nguồn lực văn hóa là yếu tố tạo nên bản sắc của địa phương, thế mạnh tương đối bền vững trong phát triển sản phẩm du lịch cho các điểm đến. Sản phẩm du lịch hình thành trên nền tảng nguồn lực văn hóa thường là sản phẩm độc đáo, tạo nên bản sắc cho điểm đến và là yếu tố quan trọng cho phát triển du lịch bền vững.
Đề cập việc phát triển du lịch gắn với nguồn lực văn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Nguyễn Minh Trí cho biết, phần lớn tài nguyên du lịch của Thành phố là tài nguyên du lịch văn hóa. Đây là chất liệu quan trọng để Thành phố xây dựng và ra mắt sản phẩm du lịch mới. Từ đó, các sản phẩm du lịch văn hóa của Thành phố phong phú, đa dạng, không chỉ “trên bờ” mà còn cả “dưới nước”. Dù đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng việc phát triển du lịch gắn với nguồn lực văn hóa của Thành phố còn nhiều vấn đề đặt ra như, sức hấp dẫn đặc trưng, vị trí phân bố, cơ sở hạ tầng của điểm đến… chưa đáp ứng. Vì thế, Thành phố đang tập trung nhiều nhóm giải pháp, từ nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với nguồn lực văn hóa.
Thảo luận giải pháp phát triển du lịch bền vững gắn với tăng trưởng xanh và mục tiêu không rác thải, Tiến sĩ Lawson Veronica Janet Lesley, Chương trình tình nguyện viên Australia - Việt Nam cho rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ Chính phủ, cộng đồng và ngành du lịch để duy trì sự cân bằng giữa phát triển du lịch, bảo vệ môi trường. Chỉ khi có chiến lược tổng thể và hợp tác hiệu quả, du lịch bền vững mới có thể phát triển mạnh mẽ, góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy nền kinh tế đất nước./.
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/khai-thac-hop-ly-gia-tri-ban-sac-su-dung-hieu-qua-nguon-luc-phat-trien-du-lich-ben-vung-383778.html