Thể thao

Kendo – môn võ rèn cốt cách người dùng kiếm

Du nhập vào Việt Nam khoảng hơn mười năm nay, môn Kendo (Kiếm đạo) từ Nhật Bản ngày càng thu hút nhiều các bạn trẻ tìm hiểu và luyện tập. Học Kendo không chỉ giúp rèn luyện thể chất mà còn nuôi dưỡng sức mạnh tinh thần.
Đến thăm câu lạc bộ Kendo Thăng Long tại Khu tập thể Giảng Võ, Hà Nội, chúng tôi được chứng kiến không khí luyện tập sôi nổi của khoảng 50 võ sinh. Những tiếng hét vang, tiếng kiếm tre chan chát cùng tiếng bước chân rầm rập khiến võ đường như muốn bùng nổ.

Trong bộ võ phục mang nhiều nét giống võ sĩ samurai, anh Lê Hải Sơn, chủ nhiệm CLB cho biết, Kendo là môn võ thuật có nguồn gốc từ Nhật Bản. Trong tiếng Nhật, “ken” có nghĩa kiếm, “do” có nghĩa là đạo. Kendo có thể hiểu là kiếm đạo hay đạo dùng kiếm.

Theo anh Sơn, môn Kendo được du nhập vào Việt Nam khoảng đầu những năm 2000. Ban đầu Kendo được dạy cho con em của người Nhật làm việc tại Hà Nội. Sau đó, môn võ này dần được nhiều người Việt Nam theo học và tập luyện. Hiện nay, phong trào luyện tập Kendo ngày càng phát triển không chỉ ở Hà Nội mà còn tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.



Kendo xuất hiện tại Việt Nam khoảng cuối thập niên 90. Đến năm 2009 CLB Kendo Việt Nam chính thức được thành lập
với các chi nhánh tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào luyện tập Kendo tại Việt Nam.


Các bạn trẻ tìm đến học Kendo không chỉ rèn luyện thể thao mà còn tới đây để học cách đối nhân xử thế.


Thành lập từ tháng 8/2014, CLB Kendo Thăng Long là sân chơi bổ ích
cho tất cả những ai yêu thích Kiếm đạo cũng như văn hóa Nhật Bản.


Những bài tập thiền giúp các kendoka thư giãn và lấy lại thăng bằng cho cơ thể sau buổi tập. 

Đến với Kendo, các võ sinh (kendoka) không chỉ được học về kiếm thuật mà học cả kiếm đạo – hay còn gọi là cốt cách người dùng kiếm. “Đạo” được rèn luyện bằng ý thức luyện tập chuyên chú, đối xử chân thành với đồng môn, kính trọng người thầy dạy và không bao giờ xúc phạm người khác. Theo quan niệm của những kendoka, việc chiến thắng bản thân quan trọng hơn rất nhiều so với việc chiến thắng đối thủ.

Kendo là một môn thể thao võ thuật phát triển từ môn kiếm thuật cổ truyền Nhật Bản - Kenjutsu. Môn này hình thành cuối thời kỳ Meiji (khoảng thế kỷ 19) nhằm tập luyện cho các chiến binh. Sau chiến tranh thế giới thứ II, bộ môn này được khôi phục và được coi là môn thể thao chính thức vào năm 1946. Kendo phát triển nhanh chóng và được đưa vào hệ thống các trường học Nhật Bản. Cho tới nay đã có khoảng hơn 10 triệu người tham gia tập luyện Kendo trên khắp thế giới.
Quá trình tập luyện Kendo không chỉ giúp võ sinh giải tỏa căng thẳng sau một ngày làm việc nặng nhọc, rèn luyện sức khỏe, mà còn phát triển sự tự tin và quyết đoán của người học. “Kendo giúp tôi ra quyết định nhanh hơn, chính xác hơn trong nhiều tình huống công việc khó khăn phức tạp,” – anh Sơn chia sẻ với chúng tôi về lợi ích của việc luyện tập Kendo.

Đến với sàn tập Kendo các võ sinh được hòa nhập vào môi trường luyện tập thân thiện, nhưng rất nghiêm túc và kỷ luật. Để tham gia luyện tập Kendo các võ sinh cần chuẩn bị bộ dụng cụ bao gồm: Giáp phòng hộ (Bogu), mặt nạ(men), giáp cổ tay (kote), giáp thân (do), giáp hông (tare), áo võ (dogi) quần võ (hakama) đai (himo), khăn (tenugui) và quan trọng nhất là kiếm tre (shinai).

Là vũ khí chủ yếu của mỗi kendoka, shinai được làm bằng 4 thanh tre gép vào nhau với phần đầu được bọc cố định bằng kim loại.


Khi mới gia nhập lớp học, kendoka sẽ được giáo viên (sensei) hoặc sư huynh (sempai) hướng dẫn các quy tắc căn bản của Kendo như nghi thức tập luyện, dụng cụ luyện tập, các bài khởi động, các bài kiếm căn bản và các động tác phòng thủ. Hệ thống kỹ thuật của Kendo gồm 4 đòn cơ bản: Men, Kote, Do và Tsuki. Men là đòn đánh vào đỉnh đầu đối phương. Kote là đòn đánh nhằm vào cổ tay đối phương. Đòn đánh vào bụng của đối phương được gọi là Do. Tsuki được coi là đòn đánh nâng cao khi kendoka dùng kiếm đâm thẳng vào cổ họng đối phương.

Tuy chỉ có 4 đòn đánh cơ bản, nhưng đây đều là những đòn “nhất chiêu tất sát” (chỉ cần 1 đòn đánh là hạ gục đối thủ) được kế thừa từ tinh hoa võ thuật truyền thống lâu đời của Nhật Bản. Để thành thạo những đòn đánh này, các kendoka phải kiên trì rèn luyện trong thời gian dài với nhiều bài tập ở các mức độ khó khác nhau.



Các võ sinh mới sẽ được chỉ dẫn sơ lược về các khẩu lệnh bằng tiếng Nhật.


Các kendoka mới thực hiện các bài tập di chuyển cơ bản...


Thanh kiếm tre (shinai) được dùng thay thế cho thanh kiếm Nhật Katana trong tập luyện.
Kiếm được làm từ bốn thanh tre ghép lại, giữ chặt với nhau bằng các miếng da hoặc kim loại.


Anh Lê Hải Sơn (Chủ nhiệm CLB Kendo Thăng Long) hướng dẫn cho các võ sinh mới về các kĩ thuật bộ pháp trong Kendo.


Luyện tập Kendo đòi hỏi các võ sinh phải nỗ lực rèn luyện các đòn đánh đến mức thành thục.
Cùng một đòn đánh nhưng đòi hỏi về tốc độ và độ chính xác sẽ tăng lên theo quá trình luyện tập của người học.


Các kendoka chia thành hai nhóm luyện tập các bài tấn công và phòng thủ.


Gìn giữ tính nhân bản, sự tôn trọng và lịch sự giữa con người là một trong những mục đích luyện tập của các kendoka.


Để đảm bảo an toàn trong việc tập luyện các võ sinh Kendo bắt buộc phải trang bị các loại giáp bảo vệ.


Cũng giống như các môn võ thuật khác của Nhật Bản, các kendoka tập luyện và thi đấu với chân không.
Vì vậy, Kendo được tập luyện lý tưởng nhất là ở trong các võ đường
hoặc nhà thi đấu lớn với sàn gỗ sạch và có độ đàn hồi tốt cho động tác dậm chân.


Kendo chỉ có 4 đòn tấn công cơ bản với mục tiêu là đỉnh đầu, cổ tay, bụng và yết hầu đối phương.


Kiếm Đạo căn bản nằm trong bốn chữ Khí, Kiếm, Thể, Nhất (ki, ken, tai, ichi). Khí là khí công, kiếm là vũ khí,
thể là thể lực và nhất là hợp nhất. Luyện Kendo là phải luyện làm sao cho chân khí nhập vào kiếm,
phối hợp với sức mạnh của cơ thể để những uy lực đó trở thành một thể thống nhất. 


Triết lý của Kendo là sự rèn luyện tính cách của con người thông qua sự gắn kết những nguyên lý của Katana (kiếm).
Do vậy, việc chiến thắng bản thân quan trọng hơn rất nhiều so với việc chiến thắng đối thủ.


Cuối mỗi buổi tập các giáo viên sẽ lựa chọn các kendoka có trình độ tương đương nhau để thi đấu giao hữu,
giúp các võ sinh có thể quan sát và học hỏi lẫn nhau.


Những động tác được luyện tập lặp đi lặp lại trong các tình huống giao ước giúp các kendoka thuần thục trong các đòn đánh.  


Trong quá trình luyện tập, các kendoka thường xuyên trao đổi với nhau cách thức thực hiện các đòn đánh đúng kỹ thuật.

Tuy là môn võ mới được du nhập, nhưng các kendoka Việt Nam đã đạt nhiều thành tích đáng khích lệ ở đấu trường Kendo khu vực và quốc tế, trong đó có HCB đơn nam giải vô địch Kendo Đông Nam Á (2007, 2013), HCB đồng đội nam nội dung 3 người giải Kendo Hong Kong mở rộng năm 2014./.
 
Bài: Trần Hiếu - Ảnh: Khánh Long

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/kendo-–-mon-vo-ren-cot-cach-nguoi-dung-kiem-154374.html


top