Khám phá

Kể Truyện Kiều trên sân khấu rối cạn

Vở Thân phận nàng Kiều (tác giả NSƯT Lê Chức và nhà văn Nguyễn Hiếu; đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng dàn dựng) được chuyển thể từ tác phẩm kinh điển Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Đây là lần đầu nhân vật nàng Kiều từ thơ nôm lục bát của đại thi hào Nguyễn Du được giải mã bằng ngôn ngữ rối cạn (rối và người).
Để làm nên sự thành công của một vở diễn cần rất nhiều sự đóng góp của cả một ê kíp, từ khâu kịch bản đến đạo diễn, dàn diễn viên, âm nhạc, ánh sáng, thiết kế mỹ thuật... Nhưng riêng với thể loại múa rối, tạo hình ra con rối để phù hợp với từng nhân vật vô cùng quan trọng và họa sĩ làm công việc này chính là tạo nên hồn cốt của vở diễn. Vai trò của tạo hình rối ở "Thân phận nàng Kiều" là họa sĩ Lê Đình Nguyên.


Vở diễn chủ yếu là rối mặt nạ, điểm nhấn về tính cách của nhân vật được thể hiện qua những chiếc mặt nạ đó.


Nghệ sĩ múa rối chuẩn bị trang điểm trước giờ diễn.



Các nghệ sĩ chuẩn bị đạo cụ cho nhân vật Hoạn thư.



Hình ảnh những con rối cạn thể hiện rõ tính cách nhân vật trong Truyện Kiều.


Với tài tạo hình của họa sĩ Lê Đình Nguyên, những con rối có hồn, đã mang lại nhiều sắc thái trong suốt chuyện kịch.
 
"Thân phận nàng Kiều" đã được kể lại bằng những lát cắt ngắn gọn, đủ để người xem hiểu được những thăng trầm của cuộc đời nàng Kiều. Mọi tình tiết, cảnh trí trong "Thân phận nàng Kiều" không chỉ được xử lý bằng các mảng miếng, trò diễn múa rối, mà còn bằng cách tạo dựng không gian - ánh sáng trừu tượng, mới lạ, âm nhạc truyền thống kết hợp đương đại, xen giữa là những chi tiết hài hước sâu cay, mang hơi thở thời đại. Những yếu tố đó khiến cho một tác phẩm văn học kinh điển trở nên dễ xem và lôi cuốn trên sân khấu.
Vở diễn đã đoạt nhiều giải thưởng cao tại Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm 2019 như HCV cho vở diễn xuất sắc, giải Đạo diễn xuất sắc, giải Họa sĩ tạo hình xuất sắc, 2 HCV cho diễn viên xuất sắc, 5 Huy chương Bạc cho các diễn viên tham gia vở.


Không theo thứ tự thời gian của Truyện Kiều, đạo diễn chỉ chọn vài diễn biến cao trào của cuộc đời Thúy Kiều. Bắt đầu từ vu oan giá họa của thằng bán tơ đã khiến gia đình Vương Ông lâm vào hoàn cảnh khốn cùng. Thúy Kiều phải hai lần sa chốn lầu xanh và hành trình gian truân suốt 15 năm.


Hoạt cảnh tái hiện lại cảnh cha mẹ Thúy Kiều bị bắt.


Hoạt cảnh Thúy Kiều bán mình chuộc cha.



Hoạt cảnh cò kè ngã giá của Mã Giám Sinh và Tú Bà.



Hoạt cảnh Kiều gặp Từ Hải.



Hoạt cảnh Từ Hải xử những tên vô lại đã từng vùi dập cuộc đời Thúy Kiều.



Hoạt cảnh Từ Hải gặp Hồ Tôn Hiến.



Hoạt cảnh Thúy Kiều khuyên nhủ Từ Hải quy phục triều đình.



Hoạt cảnh Từ Hải bị lừa quy phục và bị quân Hồ Tôn Hiến giết.



Hoạt cảnh Hoạn Thư đánh ghen được tái hiện trên sân khấu rối cạn.

Vở rối hư cấu thêm hai nhân vật quan trọng - Nguyễn Du (nhân vật con rối Bút lông) và Đạm Tiên (hình hài Đàn tỳ bà) - là thử nghiệm rất sáng của cấu trúc chuyện kịch - rối. Những lớp chuyển thật sự mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.

Vở diễn chủ yếu là rối mặt nạ, điểm nhấn về tính cách của nhân vật được thể hiện qua những chiếc mặt nạ đó. Nấp sau những tạo hình con rối đó là bàn tay khéo léo của các nghệ sĩ múa rối. Với tài tạo hình của họa sĩ Lê Đình Nguyên, những con rối có hồn, đã mang lại nhiều sắc thái trong suốt chuyện kịch.


Gương mặt lưỡi cày hiểm ác của Thằng bán tơ với cách diễn tung hứng đầy tài năng của diễn viên Thanh Tùng đã khắc họa trên sân khấu một hình tượng điển hình về cái ác. Nhân vật Bà mối chỉ với độc một cặp môi khổng lồ đỏ chon chót bay lượn trên nền một tấm vải hình con bướm màu đen đã khắc hoạ một cách cô đọng nhất tính cách và miệng lưỡi giảo hoạt của một kẻ chuyên “cò mồi xác thịt”.

Nhân vật Hồ Tôn Hiến cũng là một tạo hình rối xuất sắc khi gương mặt vương ngạnh, bề thế, nham hiểm với đôi mắt không có lòng đen, chỉ có những vệt lòng trắng trợn lên trên bọng mắt màu đỏ ngự giữa một tấm áo quan tối màu khắc họa một Hồ Tôn Hiến vừa nham hiểm vừa hèn hạ.

Một trong những tạo hình nhân vật thành công nữa là Tú Bà với mặt heo, mồm heo, bụng Trư Bát Giới và hai cái bầu vú là hai quả bầu treo lúc lĩu trước ngực. Cứ nhìn mặt mà bắt hình dong thì tạo hình Tú Bà là điển hình của những gì vừa bần tiện vừa tham lam xôi thịt, hành ngón nghề ghê tởm ở chốn lầu xanh. Hay như nhân vật Sở Khanh với tạo hình rối hai mặt, Thúc Sinh mặt ngược mặt xuôi… cho thấy ý đồ thâm sâu của họa sĩ khi làm rối rất rõ, nhằm lột tả tận cùng tính cách điển hình của nhân vật.

NSND Nguyễn Tiến Dũng đã đưa âm nhạc mới vào dàn dựng rối với các sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến và Trần Đức Minh. Đó là những giai điệu day dứt vò xé đầy thương cảm về thân phận của Kiều.

“Thân phận nàng Kiều” của Nhà hát Múa rối Việt Nam dựa vào truyện xưa mà đề cập đến những vấn đề đáng lên án trong xã hội hiện tại, cũ mà rất mới, mới mà vẫn chứa đựng nét giao thoa những vấn đề của xã hội, của thời đại xưa và nay./.

 
Thực hiện: Công Đạt

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/ke-truyen-kieu-tren-san-khau-roi-can-251140.html


top