Du lịch

Huyền thoại Lang Biang

Tại Kỳ họp lần thứ 27 của Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO (ICC MAB) ở Paris tháng 6/2015 đã công nhận khu dữ trữ sinh quyển Lang Biang (Lâm Đồng) là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nơi đây còn lưu giữ những giá trị toàn cầu về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên hòa quyện với những nét văn hoá đặc sắc, góp phần xây dựng và phát triển Đà Lạt trở thành Thành phố du lịch và trung tâm nghiên cứu quốc tế về rừng nhiệt đới.
Chinh phục đỉnh Lang Biang
Đến Đà Lạt, chúng tôi được người K'Ho ở vùng Lâm Đồng kể câu chuyện huyền thoại về núi Lang Biang rằng: Ngày xưa có người con trai tên Lang, tù trưởng bộ tộc Lát, thương người con gái tên Biang, con gái tù trưởng bộ tộc Chil. Do khác bộ tộc nên nàng Biang không cưới được chàng Lang, vì vậy hai người đành lấy cái chết để giữ trọn tình và phản đối luật tục khắt khe. Khi Lang và Biang mất, cha của Biang hối hận đã thống nhất các bộ tộc người Lát, Chil, Sré... thành chung một dân tộc K'Ho. Ngọn núi cao ở làng La Ngư Thượng, nơi chàng Lang và nàng Biang chết được đặt lên là Lang Biang - tên ghép của đôi trai gái, để tưởng nhớ hai người và tình yêu của họ.



Biển mây vào buổi chiều tà nhìn  từ đỉnh núi Lang Biang ở độ cao 2169 mét. Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam


Thành phố Đà Lạt mở ảo trong sương với những khu nhà kính trồng rau,
hoa công nghệ cao nhìn từ đỉnh núi có độ cao 1950 mét. Ảnh: Tất Sơn

Chính câu chuyện huyền thoại được nhiều người ví như là thiên tình sử “Romeo và Juliet của Việt Nam” đã tôi thúc chúng tôi chinh phục đỉnh Lang Biang thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang.

Dưới chân núi Lang Biang là một thung lũng khá lớn, gọi là thung lũng Trăm Năm, được thiết kế như một khu du lịch sinh thái. Tại đây, du khách có thể cắm trại qua đêm, quây quần bên ánh lửa với ché rượu cần, thưởng thức những giai điệu Tây Nguyên và nhạc cụ cổ truyền của bà con dân tộc Lạch.
Chúng tôi quyết định mua tour và tham khảo thông tin trên mạng về các dịch vụ lữ hành ở đây. Được biết, để đưa du khách lên trải nghiệm loại hình du lịch mạo hiểm thú vị này đã có hơn 50 công ty du lịch trực tiếp bán tour với giá từ 199 – 500 nghìn đồng/ du khách. Chúng tôi quyết định chọn  tour 500 nghìn đồng, bao gồm phương tiện vận chuyển, bữa ăn trưa, tiền vé và hướng dẫn.

Từ Tp. Đà Lạt xe đưa chúng tôi chạy 12 km và dừng dưới chân núi Lang Biang, nơi bắt đầu xuất phát để chinh phục 2 đỉnh núi thuộc Khu dữ trữ sinh quyển thế giới Lang Biang với quãng được đi bộ và leo núi là 14km.

Lang Biang có hai đỉnh núi để chinh phục, với đỉnh cao 1950 mét, chúng tôi đi bộ len lỏi men theo đường mòn trong rừng thông để thỏa sức ngắm nhìn hồ Dan Kia có làn nước trong veo.

Để lên đỉnh cao 2169 mét, khi đến gần đỉnh 1950 mét, chúng tôi rẽ phải vòng theo một con đường khác, sau đó sẽ mất khoảng 2 giờ đồng hồ đi bộ trong rừng già nguyên sinh khi cái lạnh cứ rần rật da thịt theo mỗi bước chân lên cao.

Càng lên cao đường đi càng khó khăn và thu hẹp lại, vài trở ngại nhỏ bắt đầu xuất hiện với những gốc cây mục, dây leo chằng chịt, các tảng đá to lớn, đường dốc khúc khuỷu.



Du khách vượt qua rừng nguyên sinh trên đường chinh phục đỉnh núi cao 2169 mét. Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam


Du khách vượt rừng bằng xe cơ giới trên đường chinh phục đỉnh Lang Biang. Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam


Du khách nước ngoài thích thú chia sẻ những khuôn hình đẹp ghi được trên đỉnh núi cao 2169 mét.
Ảnh Tư liệu Báo ảnh Việt Nam


Du khách nghỉ chân ăn trưa trên đường chinh phục Lang Biang. Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam


Dựng lều trại để nghỉ đêm trên đỉnh Lang Biang cao 2169 ngắm phong cảnh bình minh của Tp. Đà Lạt
và Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà hùng vĩ. Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam


Niềm vui của những du khách chinh phục đỉnh Lang Biang. Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam

Chúng tôi lên đến đỉnh 2169 vào lúc chiều tà và “bữa tiệc hoàng hôn” của một “biển mây” bao quanh đỉnh núi hiện ra trước mắt. Từ đỉnh Lang Biang có thể ngắm toàn cảnh thành phố Ðà Lạt hiện ra như một bức tranh thủy mặc, cùng với hồ Đan Kia và Suối Vàng trông như tấm lụa đào khổng lồ nổi bật giữa màu xanh bạt ngàn của núi đồi.

Lang Biang – Trung tâm nghiên cứu quốc tế về rừng nhiệt đới
Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang bao gồm một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn với vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup -Núi Bà, nơi được đánh giá là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam. Các nhà khoa học đã ghi nhận khu vực này có 153 loài động thực vật nằm trong Sách đỏ ViệtNam (2007) và 154 loài có tên trong Danh Lục Đỏ IUCN (2010). Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) cũng đã xác định nơi đây là khu vực ưu tiên bảo tồn số 1 (Khu vực SA3) trong Chương trình bảo tồn động vật trên các dãy núi Nam Trường Sơn của Việt Nam.



Các nhà nghiên cứu đã khảo sát, thống kê Khu dự trữ sinh quyển Thế giới Lang Biang có tới 62 loài thực vật quý hiếm,
29 loài có tên trong Sách Đỏ của Việt Nam và Hiệp hội bảo tồn Thiên nhiên thế giới (IUCN).
Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam


Lang Biang là nơi có sức hút đặc biệt với giới nghiên cứu vì hiện sở hữu loài cổ thực vật sinh cùng thời với khủng long,
được xem như hóa thạch sống như loài thông hai lá dẹt. Ảnh: Hà Hữu Nết


Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang cũng là nơi có hệ thực vật phong phú với 153 loài
nằm trong Sách đỏ ViệtNam (2007) và 154 loài có tên trong Danh Lục Đỏ IUCN (2010).
Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam


Khu dữ trữ sinh quyển Thế giới Lang Biang được Birdlife International (tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động
trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học chim và môi trường sống của chúng) xác định là 1 trong 5 khu vực chim đặc hữu
tại Đông Dương, một trong 221 trung tâm chim đặc hữu của thế giới.
Việt Nam có 13 loài chim đặc hữu thì riêng khu vực này sở hữu tới 7 loài trong đó có loài Mi Lang Biang. Ảnh: Hà Hữu Nết


Loài vượn đặc hữu ở Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang. Ảnh: Hà Hữu Nết

Lang Biang cũng là nơi hệ sinh thái tự nhiên đã mang lại sinh kế bền vững cho cộng đồng bản địa thông qua chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng của chính phủ Việt Nam. Đã có hơn 8.000 hộ dân được hưởng lợi từ dịch vụ hệ sinh thái trong Khu dự trữ sinh quyển thông qua những đóng góp của họ cho việc bảo vệ và duy trì các giá trị của hệ sinh thái.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang được UNESCO công nhận là tiền đề để Lâm Đồng phát triển bền vững thông qua việc khai thác các giá trị tổng hợp của dịch vụ hệ sinh thái mà trọng tâm là phát triển du lịch và dịch vụ, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch, đào tạo, nghiên cứu khoa học về rừng nhiệt đới./.


Lang Biang là Khu dữ trữ sinh quyển Thế giới thứ 9 của Việt Nam đã được UNESSCO công nhận, cùng với: Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang, Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An, Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau và Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm.

 
Bài: Quang Minh, Hà Hữu Nết - Ảnh: Hà Hữu Nết, Tất Sơn và Tư liệu Báo ảnh Việt Nam

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/huyen-thoai-lang-biang-89196.html


top