Chiều tối 2/4, kết luận Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngoại giao kinh tế phải có những đột phá trong năm 2024 với tinh thần: “Đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong sách lược, thống nhất trong nhận thức và hành động; cơ hội phải nắm bắt, vướng mắc phải tháo gỡ, giải pháp phải đột phá, triển khai phải quyết liệt, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm và bền vững”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Chủ tịch UBND, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng; đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài.
Tại hội nghị, đại biểu đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai công tác ngoại giao kinh tế một cách toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, mở ra các hướng đi mới mang tính đột phá, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất siêu khoảng 28 tỷ USD, nhiều nhất từ trước tới nay; thu hút FDI đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế như: Thiếu sáng tạo, nhạy bén; tham mưu chưa theo kịp diễn biến; sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn chưa kịp thời; tính kết nối trong quảng bá, triển khai công tác ngoại giao kinh tế chưa cao; hợp tác kinh tế với một số địa bàn chiến lược chưa xứng tầm với khuôn khổ quan hệ; việc khai thác, mở rộng thị trường với đối tác tiềm năng chưa hiệu quả và còn các hạn chế nhất định.
Đặc biệt, một số vướng mắc tồn đọng với một số đối tác chưa được xử lý dứt điểm; chưa có các cơ chế ưu đãi đặc thù để nắm bắt, tận dụng hiệu quả các cơ hội từ những xu thế mới của thế giới và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trong một số lĩnh vực quan trọng như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng, công nghiệp hàng không...
Các đại biểu đề xuất tiếp tục thúc đẩy triển khai quyết liệt các cam kết, thoả thuận đã đạt được; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế; nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu phục vụ điều hành kinh tế; đổi mới mạnh mẽ trong phối hợp triển khai ngoại giao kinh tế...
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng chuyển lời thăm hỏi ân cần, lời chúc sức khỏe và thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến các đại biểu, đại diện các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; cho biết, Tổng Bí thư mong các đồng chí làm hết sức mình vì sự phát triển đất nước.
Thủ tướng nhất trí với các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị; đề nghị các chủ thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động trên tinh thần 3 cùng: Cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn hành động; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển.
Thủ tướng cũng đề nghị các chủ thể đẩy mạnh “3 phát huy”: Phát huy thế và lực của đất nước để thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư; phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, giao lưu nhân dân, phát triển du lịch; phát huy tính năng động, sáng tạo, linh hoạt, thông minh của người Việt Nam để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và phát huy tối đa hiệu quả từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Phân tích tình hình thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, công tác ngoại giao kinh tế còn đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Bên ngoài, kinh tế thế giới phục hồi chậm; căng thẳng địa chính trị gia tăng, xu hướng chính trị hóa hợp tác kinh tế tiếp tục lan rộng; tình trạng phân hóa, phân mảnh, đứt gãy các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng…
Trong khi đó, ở trong nước, sức ép lạm phát còn cao; tình hình sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn những khó khăn, điểm nghẽn, nhất là về thị trường, tiếp cận vốn, chi phí. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, nhất là cho các ngành, lĩnh vực mới nổi. Thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn rườm rà. Một số cơ chế, chính sách chậm được sửa đổi. Hạ tầng chiến lược trên một số lĩnh vực còn hạn chế…
Trước tình hình đó, Thủ tướng đề nghị phải luôn giữ thăng bằng, “thắng không kiêu, bại không nản”, giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, kiên trì; không quá say sưa với thắng lợi khi thuận lợi; không hoang mang, dao động khi gặp khó khăn, thách thức; tuân thủ và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước phù hợp tình hình.
Cho rằng công tác ngoại giao kinh tế cần tiếp tục phục vụ nhiệm vụ phát triển đất nước, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng, hợp pháp của các đối tác, Thủ tướng chỉ rõ 4 định hướng lớn với ngoại giao kinh tế thời gian tới. Theo đó, phải tổ chức tốt các chương trình đối ngoại của lãnh đạo cấp cao và hoạt động đối ngoại các cấp, đưa nội dung kinh tế tiếp tục trở thành một trọng tâm của các hoạt động đối ngoại; xác định rõ các sản phẩm, dự án, kế hoạch cụ thể, khả thi với từng đối tác để thúc đẩy triển khai.
Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải cùng nhau làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (thương mại, đầu tư, tiêu dùng), đồng thời phát huy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức), các lĩnh vực mới và mang tính đột phá (công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, hydrogen, trí tuệ nhân tạo…).
Thủ tướng yêu cầu khai thác tối đa tiềm năng của các khuôn khổ, quan hệ vừa được nâng cấp, các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết; nghiêm túc rà soát, theo dõi và thúc đẩy quá trình triển khai các cam kết với các đối tác quốc tế; đẩy mạnh huy động nguồn lực hơn 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước.
“Phải tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để kiều bào được đóng góp vào quá trình phát triển đất nước, trở thành một chủ thể quan trọng trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế thời gian tới”, Thủ tướng lưu ý.
Về các biện pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu, tích cực, chủ động chuyển tải thông điệp tới các đối tác quốc tế về tinh thần cầu thị và cam kết của Chính phủ bảo đảm môi trường chính trị, đầu tư, kinh doanh an toàn, hấp dẫn tại Việt Nam; đôn đốc triển khai các thỏa thuận, cam kết quốc tế đã ký kết, trong quá trình xây dựng báo cáo định kỳ về tình hình triển khai Chỉ thị 15, Nghị quyết 21 về công tác ngoại giao kinh tế, các bộ, ngành, địa phương phải lượng hóa, báo cáo rõ về những kết quả cụ thể đã đạt được, nếu có khó khăn thì phải xác định rõ kiến nghị giải quyết, cấp có thẩm quyền giải quyết.
Cùng với đó, củng cố quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với các thị trường lớn, chủ chốt và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chú trọng hơn các địa bàn tiềm năng, còn nhiều dư địa hợp tác như UAE, Trung Đông - châu Phi, thị trường Halal… ; tạo đột phá trong thu hút đầu tư các lĩnh vực mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng...; thúc đẩy và đón tiếp chu đáo đoàn công tác của các tổ chức doanh nghiệp, các tập đoàn lớn trên thế giới tới Việt Nam; nắm bắt và kiến nghị xử lý phù hợp, kịp thời các đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp…
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo tổ chức thiết thực, hiệu quả Diễn đàn trí thức, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài và Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài để các chuyên gia, trí thức Việt kiều chia sẻ, đóng góp cho những vấn đề về phát triển của đất nước; nâng cao chất lượng, tính nhạy bén, kịp thời của công tác nghiên cứu, thông tin, tham mưu chiến lược, nắm bắt xu thế, phản ứng chính sách kịp thời, phục vụ điều hành kinh tế - xã hội; tập trung vào các xu thế mới, xu hướng điều chỉnh chính sách, ưu tiên mới của các đối tác, “những thứ họ cần chứ không phải thứ mình có”.
Thủ tướng nhấn mạnh, ngoại giao kinh tế phải có những đột phá trong năm 2024 với tinh thần: “Đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong sách lược, thống nhất trong nhận thức và hành động; cơ hội phải nắm bắt, vướng mắc phải tháo gỡ, giải pháp phải đột phá, triển khai phải quyết liệt, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm và bền vững, nhất là trong điều kiện đất nước còn khó khăn./.
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/huy-dong-nguon-luc-tu-hon-6-trieu-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-de-phat-trien-dat-nuoc-364014.html