Phóng sự chuyên đề

Huế - Nơi lưu giữ tinh hoa nghề Việt

Trong hơn 300 năm (1636-1945), Huế đóng vai trò là thủ phủ rồi kinh đô của các triều đại quân chủ, nên đây là nơi hội tụ của rất nhiều nghề thủ công truyền thống.

Trong hơn 300 năm (1636-1945), Huế đóng vai trò là thủ phủ rồi kinh đô của các triều đại quân chủ, trong đó có 13 triều vua nhà Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam - nên đây là nơi hội tụ của rất nhiều nghề thủ công truyền thống, trong đó có những nghề đặc biệt vốn có nguồn gốc từ các quan xưởng, hay làng nghề cổ chuyên phục vụ cho triều đình, giai cấp quan lại… Có lẽ vì thế mà nghề truyền thống Huế hình thành nên hai hình thái khá rõ rệt là nghề cung đình và nghề dân gian. Đến nay, dù trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, cố đô Huế vẫn bảo tồn được một hệ thống làng nghề phong phú, độc đáo và được xem là nơi lưu giữ nhiều tinh hoa nghề Việt.

Dấu ấn quan xưởng triều Nguyễn

Dẫu đã qua hàng trăm năm sương gió, Huế vẫn rực rỡ vàng son với lớp lớp cung vàng điện ngọc, thành quách, lăng tẩm đền đài và vô số bảo vật của các triều đại phong kiến để lại, góp phần tạo nên một di sản văn hóa thế giới có một không hai của nhân loại.


Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ con đường phát triển của Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 là dựa trên nền tảng văn hóa, di sản, bảo vệ bản sắc văn hóa Huế... Đó chính là cơ hội và cũng là điều kiện tất yếu buộc Huế phải không ngừng bảo tồn, phát huy giá trị di sản, trong đó có hệ thống làng nghề thủ công.

Để tạo dựng nên quần thể, hệ thống di sản độc đáo và đồ sộ ấy không ai khác chính là những người thợ thủ công, nghệ nhân hoàng gia nổi tiếng nhà Nguyễn. Họ chính là những bậc thầy về nghề thủ công của xứ Huế và khắp nơi trên cả nước được các vua nhà Nguyễn triệu về kinh phục vụ cho triều đình. Bằng đôi bàn tay tài hoa và sức sáng tạo bay bổng tuyệt vời, các nghệ nhân đã làm nên những kiệt tác nghệ thuật không chỉ thỏa mãn yêu cầu và niềm đam mê vô tận của các bậc vua chúa mà còn để lại cho hậu thế những báu vật vô giá đến muôn đời sau.

Thời nhà Nguyễn có một cơ quan đặc biệt được xem là bộ máy quản lí các ngành nghề thủ công của hoàng gia, đó là hệ thống quan xưởng. Nhiệm vụ chính của quan xưởng là trực tiếp trông coi việc xây dựng cung điện, sản xuất các vật dụng trong hoàng cung cũng như việc đúc tiền, khí giới, đóng tàu thuyền... Trong quan xưởng có các tượng cục, là nơi quy tụ nhiều thợ thủ công giỏi và các nghệ nhân nổi tiếng của Huế và cả nước. Vì thế, thời kì này trong phiên chế các quan xưởng của triều Nguyễn người ta thấy có rất nhiều ngành nghề thủ công khác nhau như: mộc, nề, đúc, gốm sứ, gạch ngói, kim hoàn, may thêu, chạm khắc, hội họa...

Theo sử sách, từ thời vua Gia Long (trị vì 1802-1820) đến đầu thời vua Tự Đức (trị vì 1847-1883), do nhu cầu kiến thiết kinh đô lớn nên số lượng nhân công tập trung đông, chỉ tính riêng lớp thợ lành nghề do triều đình trực tiếp quản lí đã lên tới hàng nghìn thợ cả (thợ chính).



Kĩ thuật tạo hoa văn khuôn đúc của thợ đúc đồng làng nghề Phường Đúc, Huế. Ảnh: Thanh Hòa / VNP
 

Bộ bảo vật Quốc gia "Cửu đỉnh" - đỉnh cao nghệ thuật đúc đồng thời Nguyễn. Ảnh: Thanh Hòa / VNP



Kim sách và ấn vàng triều Nguyễn. Ảnh: Thanh Giang / VNP



Bảo vật Quốc gia “Cửu vị thần công” được đúc tinh xảo bằng đồng đỏ. Ảnh: Thanh Hòa /  VNP









Kỹ thuật may, thêu lễ phục cung đình truyền Nguyễn đã đạt đến độ tinh xảo. Ảnh: Tư liệu VNP



Hài gấm thêu chỉ bạc do các nghệ nhân kim hoàn Huế thực hiện. Ảnh: Thanh Hòa / VNP



Đồ ngự dụng trang trí pháp lam của triều Nguyễn. Ảnh: Công Đạt / VNP



 Long sàng sơn son thếp vàng triều Nguyễn. Ảnh: Tư liệu VNP



Diều phượng hoàng theo phong cách cung đình Huế. Ảnh: Thanh Giang / VNP

 

Thợ xây dựng theo phong cách cung đình truyền thống Huế. Ảnh: Trọng Chính / VNP



Diện mạo kiến trúc cung đình Huế hôm nay có dấu ấn tài hoa của các nghệ nhân xứ Huế xưa. Ảnh: Thanh Hòa / VNP


Thợ thủ công hoàng gia triều Nguyễn tất thảy đều được tuyển chọn khắt khe nên tay nghề tinh thông, điêu luyện, thậm chí có người giỏi đến mức được vua yêu quý và phong cho chức tước phẩm hàm, ruộng nương, nhà cửa. Điển hình như hai cha con nghệ nhân nghề kim hoàn Cao Đình Độ và Cao Đình Hương, người được xem là ông tổ của nghề kim hoàn xứ Huế, trước đó từng được thời Tây Sơn phong chức Lãnh binh và Phó Lãnh binh, sang đến thời vua Gia Long vẫn được trọng dụng, cấp bổng lộc và giữ nguyên tước cũ để tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề kim hoàn trong kinh thành Huế. Hay như nghệ nhân nghề mộc Nguyễn Văn Khả, quê làng An Nong, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế được vua Khải Định ban cho chức Lãnh hành chuyên lo việc thiết kế nội ngoại thất, trùng tu, xây dựng đền đài cung điện Huế, lại ban cho 4 chữ “đệ nhất xảo thủ“ (bàn tay tài hoa bậc nhất) và được biệt đãi không phải hành lễ bái lạy khi gặp vua, được tự do đi xe kéo khi ra vào cấm thành. Hoặc như việc nghệ nhân Phan Văn Tánh nằm ngửa dùng chân vẽ nên bức họa trứ danh “Cửu long ẩn vân” (9 con rồng ẩn trong mây) trên trần nhà cung Thiên Định của lăng Khải Định đã trở thành giai thoại nổi tiếng trong làng hội họa Việt Nam xưa nay.

Có thể nói, nhờ vào đội ngũ thợ thủ công tuyệt giỏi trong các công xưởng này mà nhà Nguyễn đã tạo dựng nên được một hệ thống thành quách, cung điện, lăng tẩm, đền đài vùng với vô số các vật dụng, đồ ngự dụng, tượng, chuông, đỉnh, vạc, súng thần công... có giá trị đặc biệt cả về mặt kiến trúc, tạo hình, thẩm mĩ lẫn tính ứng dụng. Nhiều hiện vật trong số ấy nay đã trở thành bảo vật của quốc gia.

Ngày nay, đến với Huế cố đô trầm mặc cổ xưa, ngắm nhìn những tòa cung điện nguy nga người ta không khỏi ngạc nhiên, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những lớp ngói lưu li lung linh vàng óng, những họa phẩm pháp lam rực rỡ mãi với thời gian và biết bao bảo vật khác. Tất cả những thứ đó là dấu ấn của hệ thống quan xưởng triều Nguyễn, hay nói chính xác hơn nó là dấu ấn của những đôi tay tài hoa và trí óc sáng tạo đỉnh cao của những người nghệ nhân hoàng gia xứ Huế.

Những làng nghề nổi tiếng xứ Thần kinh


“Chính công cuộc bảo tồn di sản ở Huế đã tiếp tục nuôi dưỡng, phát triển đội ngũ thợ thủ công truyền thống của Huế và “tái trưng tập” các thợ giỏi cả nước về Huế, tiêu biểu là các nghề mộc, nề ngõa, sơn thếp, pháp lam, may thêu...”
(TS Phan Thanh Hải, Giám đốc
Sở Văn hóa – Thể thao
tỉnh Thừa Thiên Huế)

Theo các nhà nghiên cứu, gắn liền với quá trình mở mang bờ cõi của các chúa Nguyễn, rồi sau đó là sự hình thành kinh đô của hai triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn nên dân làm ăn buôn bán và thợ giỏi khắp nơi tụ về làm ăn sinh sống đã dần biến Huế trở thành một trong những cái nôi nghề truyền thống của nước ta. Từ đây, nhiều nghề thủ công và thợ giỏi có cơ hội phát triển rực rỡ. Điển hình như năm 1868, khi người Pháp chiếm xong Nam Kỳ, viên thống đốc Nam Kỳ Pierre-Paul Marie de La Grandière đã xin triều đình Huế gửi hai người thợ khảm trai giỏi vào Sài Gòn để truyền nghề. Tới năm 1877, hàng khảm trai của Việt Nam đã được triều đình gửi sang Pháp dự hội chợ đấu xảo (triển lãm).

Thời nhà Nguyễn được xem là giai đoạn nghề truyền thống Huế phát triển cực thịnh, xuất hiện nhiều làng nghề và thợ thủ công nổi tiếng cả nước. Chẳng hạn như làng Phước Tích có nghề làm gốm nổi tiếng đến mức suốt từ đời Minh Mạng (trị vì 1820-1841) đến đời Khải Định (trị vì 1916-1925), hàng tháng làng phải dâng nộp triều đình Huế 30 chiếc “om ngự” để làm nồi nấu cơm cho vua. Thời đó các sản phẩm gốm không tráng men của làng cũng đã được bán sang Nhật Bản và được sử dụng trang trọng trong các buổi tiệc trà của người Nhật. Hay như làng Tiên Nộn có nghề sơn mài cũng từng được vua Khải Định giao cho việc phục chế sơn son thếp vàng ở Đại Nội Huế. Đặc biệt phải kể đến làng nghề đúc đồng Phường Đúc và làng kim hoàn Kế Môn. Tương truyền đây là hai làng nghề đã có công lớn làm nên nhiều sản phẩm được xếp vào hàng kiệt tác, nhiều sản phẩm trong số đó nay đã trở thành bảo vật của quốc gia như: bộ cửu đỉnh (9 đỉnh đồng lớn), cửu vị thần công (9 khẩu đại bác bằng đồng), bộ vạc đồng thời chúa Nguyễn, chuông đồng chùa Thiên Mụ, ấn vàng “Sắc mệnh chi bảo”, kim sách “Đế hệ thi”...




Nghệ nhân tranh dân gian làng Sình xứ Huế Kỳ Hữu Phước và các tác phẩm của mình. Ảnh: Thanh Hòa / VNP


Du khách Nhật trải nghiệm nghề làm hương truyền thống Huế. Ảnh: Thanh Giang / vnp


Chạm trổ là một trong những nghề truyền thống nổi tiếng xứ Huế. Ảnh:  Tư liệu VNP




Trúc Chỉ là một nghề thủ công và cũng là một nghệ thuật mới của Huế. Ảnh: Thanh Giang / VNP


Bộ dụng cụ của người dân làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, Huế. Ảnh: Thanh Giang / VNP


Nghệ nhân Thân Văn Huy làng nghề hoa giấy Thanh Tiên truyền nghề cho con trai. Ảnh: Thanh Giang / VNP


Một gia đình làm hoa giấy truyền thống của làng hoa giấy Thanh Tiên, Huế. Ảnh: Thanh Hòa / VNP


Theo kết quả nghiên cứu của tác giả Vũ Thành Huy, Đại học Huế, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 110 làng nghề với gần 30 nghề và nhóm nghề truyền thống. Trong đó có nhiều làng nghề được hình thành và phát triển từ lâu đời và cũng có những nghề thủ công mới được du nhập từ nơi khác. Nhiều nghề hiện vẫn được bảo tồn và phát triển khá tốt như: đúc đồng, mộc mĩ nghệ, mây tre đan, chế biến nông sản...

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chính sách, chương trình, dự án nghiên cứu liên quan đến việc phục hồi và phát triển các nghề thủ công truyền thống; xác định phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề là một trong những chương trình trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội nhằm góp phần đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp-nông thôn.

Để tăng cường việc tôn vinh, quảng bá một cách sâu rộng nghề truyền thống Huế, từ năm 2005, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế định kỳ vào các năm lẻ, tạo thành một sự kiện văn hóa lớn mang đậm dấu ấn văn hóa Huế. Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Festival không chỉ quảng bá, khuyến khích nghề truyền thống mà còn tạo cơ hội để đội ngũ thợ thủ công giỏi cả nước và quốc tế tụ hội về Huế giao lưu, trao đổi, nâng cao tay nghề.

Trải qua gần 500 năm kể từ ngày các chúa Nguyễn vào Huế khai hoang mở đất, nhiều ngành nghề truyền thống của người Việt từ khắp nơi cũng theo chân con người vào khai hoa nở nhụy trên mảnh đất thiêng này để từ đó góp phần tạo dựng nên một diện mạo bản sắc văn hóa rất riêng của xứ Huế, cũng như tạo phương kế sinh nhai, phát triển kinh tế, xã hội của người dân đất Cố đô xưa và nay./.

 
Bài: Thanh Hòa -  Ảnh: VNP

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/hue-noi-luu-giu-tinh-hoa-nghe-viet-266432.html


top