Sau hơn hai năm triển khai thực hiện Đề án “Huế - Kinh đô áo dài”, bằng những giải pháp đồng bộ, hợp lí và mạnh mẽ, Huế đã tạo nên những hiệu ứng và sức hút tích cực về dự án văn hóa lớn này. Năm 2025 là năm đánh dấu chặng đường đầu tiên của tầm nhìn đến năm 2030 trên hành trình triển khai Đề án với những mục tiêu cụ thể đã đề ra. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với TS Phan Thanh Hải, Uỷ viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Thành phố Huế về những vấn đề xoay quanh câu chuyện Huế nỗ lực xây dựng thương hiệu "Kinh đô áo dài".
Sau hơn hai năm triển khai thực hiện Đề án “Huế - Kinh đô áo dài”, bằng những giải pháp đồng bộ, hợp lí và mạnh mẽ, Huế đã tạo nên những hiệu ứng và sức hút tích cực về dự án văn hóa lớn này. Năm 2025 là năm đánh dấu chặng đường đầu tiên của tầm nhìn đến năm 2030 trên hành trình triển khai Đề án với những mục tiêu cụ thể đã đề ra. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với TS Phan Thanh Hải, Uỷ viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Thành phố Huế về những vấn đề xoay quanh câu chuyện Huế nỗ lực xây dựng thương hiệu "Kinh đô áo dài".
PV: Trang phục truyền thống có thể xem là một “sứ giả” văn hóa. Vậy ông nhận định như thế nào về vai trò của áo dài trong việc định vị bản sắc văn hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới?
TS. Phan Thanh Hải: Trang phục truyền thống là một biểu tượng giàu tính biểu cảm của bản sắc văn hóa dân tộc. Áo dài Việt Nam – đặc biệt là áo dài ngũ thân truyền thống – không chỉ tôn vinh vẻ đẹp hình thể mà còn phản ánh hệ giá trị văn hóa, đạo đức và triết lí sống của người Việt. Khi một người Việt Nam khoác lên mình chiếc áo dài, đó không chỉ là việc mặc một trang phục, mà là sự tiếp nối một dòng chảy văn hóa lâu đời. Chính vì vậy, áo dài Việt Nam, mà cụ thể là áo dài Huế, hoàn toàn có thể được xem như một “sứ giả văn hóa”, có sức mạnh truyền thông vượt qua biên giới quốc gia.
Trong các sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế, nhiều người nước ngoài đã nhận diện Việt Nam ngay lập tức qua hình ảnh chiếc áo dài. Giống như khi nhắc đến Nhật Bản là kimono, Hàn Quốc là hanbok… thì Việt Nam là áo dài. Đó là một niềm tự hào không nhỏ, và là cơ sở quan trọng để chúng ta đưa áo dài vào các chiến lược quảng bá văn hóa quốc gia.
Áo dài - một nét văn hóa độc đáo riêng có của người Việt. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
PV: Ông có thể chia sẻ thêm về giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mĩ và sức hút đặc biệt của áo dài Huế nói riêng?
TS. Phan Thanh Hải: Áo dài Huế có lịch sử phát triển lâu đời, gắn bó mật thiết với triều Nguyễn – triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Các mẫu áo ngũ thân cao cấp dù tay chẽn, tay rộng, hay áo Nhật Bình của phụ nữ… vốn là trang phục trong chốn cung đình và các tầng lớp trí thức, quan lại, mệnh phụ phu nhân. Điều đặc biệt là các thiết kế đó đều rất chặt chẽ về quy chuẩn, có sự hài hòa giữa thẩm mĩ, lễ nghi và chức năng xã hội.
Ví dụ, áo ngũ thân – với thiết kế năm thân, với 5 vạt áo ghép nối khéo léo, cổ đứng – mang triết lí "ngũ thường" (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Áo này được sử dụng trong cả nghi lễ và sinh hoạt thường nhật. Áo Nhật Bình là kiểu phục trang của các mệnh phụ phu nhân, với cách trang trí hoa văn biểu tượng mang ý nghĩa cát tường.
Sức hút của áo dài Huế chính là sự dung hòa giữa cổ điển và hiện đại, giữa hình thức và tinh thần. Người mặc áo dài không chỉ đẹp mà còn cảm thấy tự hào vì đang mang trong mình một phần di sản của cha ông.
Huế - cái nôi của áo dài Việt Nam và cũng chính tại đây tri thức may và mặc áo dài được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của Quốc gia. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
PV: Ông có thể khái quát kết quả bước đầu của Đề án “Huế – Kinh đô áo dài”?
TS. Phan Thanh Hải: Tính đến nay, sau hơn hai năm triển khai, Đề án đã tạo được nhiều hiệu ứng tích cực, có thể kể đến một số kết quả tiêu biểu như:
Tri thức may và mặc áo dài Huế được ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia (2024).
Nhiều nội dung thuộc Đề án “Huế – Kinh đô áo dài” như hoạt động trải nghiệm, quảng bá, phổ biến áo dài... được tổ chức thường xuyên, liên tục, tiêu biểu là các lễ hội áo dài trong các kì Festival Huế, Tuần lễ áo dài cộng đồng được tổ chức tháng 6 hàng năm, các cuộc thi sắc đẹp với phần trình diễn áo dài, các chương trình âm nhạc quy mô lớn gắn với trang phục áo dài...
Tại Huế, ngoài Hội áo dài Huế thì nhiều câu lạc bộ áo dài truyền thống và nhóm nghiên cứu – phục dựng mẫu áo cổ đã được thành lập.
Các trường học, công sở tại Huế từng bước khuyến khích mặc áo dài trong ngày lễ và ngày làm việc đầu tuần. Có những trường học, tiêu biểu như trường Tiểu học Quang Trung - phường Thuận Hóa - đã may áo ngũ thân cho khoảng 1.300 em học sinh của trường với sự đồng thuận và chung tay hỗ trợ của phụ huynh. Ngay cả giới doanh nhân, tiểu thương (tiêu biểu như các thành viên của Hội doanh nhân trẻ thành phố Huế, tiểu thương chợ Đông Ba…) cũng đặc biệt quan tâm đến việc mặc trang phục áo dài trong các ngày lễ, Tết.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một số khó khăn như hệ thống sản xuất – tiêu thụ áo dài còn manh mún, thiếu thiết chế chuyên trách như bảo tàng áo dài Huế, không gian sáng tạo áo dài, trường đào tạo nghề may truyền thống, v.v.
Huế cũng chính là nơi văn hóa áo dài được thể hiện phổ biến và đậm nét cả trong đời sống nghi lễ và đời sống thường nhật. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam & Tư liệu
PV: Định hướng sắp tới đến năm 2030 để hiện thực hóa Đề án là gì?
TS. Phan Thanh Hải: Có bốn nhóm giải pháp trọng tâm:
1. Thể chế hóa chính sách: ban hành các cơ chế hỗ trợ phát triển nghề may truyền thống, truyền thông quảng bá áo dài; từng bước xây dựng đề xuất công nhận áo dài là quốc phục (hoặc nghi lễ phục).
2. Thiết chế văn hóa: hình thành Bảo tàng áo dài Huế, trung tâm sáng tạo về trang phục truyền thống; tổ chức Festival áo dài định kì hàng năm.
3. Giáo dục và truyền thông: đưa tri thức về áo dài vào trường học, khuyến khích học sinh – sinh viên mặc áo dài trong ngày lễ, đặc biệt là áo ngũ thân cho học sinh nữ; sử dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng bá.
4. Kết nối du lịch: gắn trải nghiệm mặc áo dài với tour du lịch di sản, chụp ảnh tại các điểm như Đại Nội, các khu lăng tẩm, đồi Vọng Cảnh, cầu Trường Tiền, tuyến đi bộ ven sông Hương...
Áo dài xuất hiện phổ biến trong đời sống và trong hầu hết các sự kiện, lễ nghi quan trọng của người Huế. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
PV: Phong trào mặc áo dài truyền thống ở Huế đang thu hút đông đảo giới trẻ. Theo ông, đó là hiệu ứng bền vững hay chỉ là hiện tượng nhất thời?
TS. Phan Thanh Hải: Tôi cho rằng đây là hiệu ứng tích cực có định hướng, không phải chỉ mang tính phong trào. Điều đáng quý là giới trẻ đã bắt đầu đồng hành với di sản, không chỉ qua việc mặc áo dài mà còn qua hoạt động nghiên cứu, tái hiện, phục dựng. Nhiều bạn trẻ thành lập các nhóm sáng tạo áo dài xưa, quay clip hướng dẫn mặc áo ngũ thân, áo Nhật Bình, làm các chương trình TikTok và YouTube thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.
Vấn đề là chúng ta cần tiếp sức và dẫn dắt đúng cách để họ không chỉ “mặc đẹp” mà còn “hiểu sâu” và “tự hào” về những gì mình đang khoác lên người. Vì thế, việc tổ chức các lớp tập huấn, trưng bày, tọa đàm, và hướng dẫn trải nghiệm tại điểm di tích là rất quan trọng.
Việc được trải nghiệm mặc áo dài trong một khung cảnh nên thơ là điều không thể thiếu đối với mỗi du khách khi đến với xứ Huế mộng mơ và cổ kính. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
PV: Có nên công nhận áo dài là quốc phục hay không thưa ông?
TS. Phan Thanh Hải: Đây là một đề xuất có lí, nhưng cần cân nhắc thấu đáo. Áo dài – đặc biệt là áo dài nữ – đã gần như trở thành biểu tượng quốc gia rồi. Tuy nhiên, để định chế áo dài là quốc phục, nhất là trong các lễ tân cấp cao, thì cần có một quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, và đồng thuận rộng rãi.
Riêng áo dài nam, hiện vẫn chưa được sử dụng phổ biến trong các dịp lễ tân hiện đại, do tính tiện dụng chưa cao. Vì vậy, tôi cho rằng trước mắt, hãy khuyến khích mạnh mẽ sử dụng áo dài trong các sự kiện truyền thống, văn hóa, giáo dục, du lịch, nghệ thuật… Khi điều kiện chín muồi và nhận thức xã hội đầy đủ, việc đưa áo dài thành quốc phục sẽ là bước đi khả thi và tự nhiên hơn.
Tôi vẫn tin, áo dài truyền thống Việt Nam sẽ trở thành quốc phục, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng khẳng định trong diễn văn bế mạc Seagame lần thứ 31 (ngày 23/5/2022): “Việt Nam là đất nước của Hồn Sen - Nón Lá - Áo Dài!”
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
-
- Bài: Thanh Hòa - Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam & Tư liệu nhân vật cung cấp
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/hue-no-luc-xay-dung-thuong-hieu-kinh-do-ao-dai-403924.html