Mới đây, nhiều chuyên gia, kiến trúc sư quốc tế đến từ khu vực Đông Nam Á và Châu Âu đã tham gia chuỗi hội thảo và trưng bày kiến trúc cảnh quan của Việt Nam với sự hợp tác của Pháp nhân kỷ niệm 55 năm thành lập Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Chuỗi sự kiện bao gồm Trưng bày sản phẩm đào tạo và hội thảo quốc tế mang tên "Liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và hành nghề Kiến trúc, Quy hoạch và Cảnh quan bằng tiếng Pháp ở Đông Nam Á". Chương trình nhằm mục đích chia sẻ các thành tựu đổi mới và sáng tạo trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và triển khai thực tế về kiến trúc, quy hoạch và cảnh quan tại Việt Nam và các quốc gia trong khu vực. Đồng thời, hội thảo cũng tạo điều kiện để kết nối mạng lưới chuyên gia và thúc đẩy phát triển hệ thống của kiến trúc Việt Nam gắn kết với cộng đồng quốc tế.
Tại Việt Nam có nhiều công trình kiến trúc thế kỷ gắn liền với Pháp như: biệt thự Pháp ở đường Trần Hưng Đạo, Nhà hát Lớn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)…đều là minh chứng của lịch sử và sự hợp tác hai quốc gia Việt Nam- Pháp trong lĩnh vực kiến trúc.
Các đại biểu và sinh viên ngành kiến trúc tham quan những dự án được trưng bày tại Hội thảo.
Đại học Kiến trúc Hà Nội trong lịch sử 55 năm của mình cũng đã hợp tác đào tạo sinh viên, kiến trúc sư với các trường ĐH của Pháp như Normandie, Bordeaux và Toulouse. Ông Arnaud Pannier - Tùy viên hợp tác giáo dục và ngôn ngữ, Đại sứ quán Pháp cho biết: Trong hội thảo quốc tế đặc biệt Việt Nam- Pháp, chúng tôi mong muốn đưa ra những tham luận thực tế về công tác bảo tồn, phát triển và đào tạo trong lĩnh vực kiến trúc cảnh quan; Kết nối mạng lưới chuyên gia kiến trúc, quy hoạch và cảnh quan trong khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy phát triển mạng lưới này gắn kết với thế giới; Từ đó phát huy giá trị các thành tựu đổi mới sáng tạo đã đạt được, hướng tới phát triển mô hình thực nghiệm đô thị sống Laboratoire vivant (Living Lab) dựa trên 4 nền tảng: chính quyền, người dân, khối hàn lâm và khối kinh tế- xã hội.
Các đại biểu và khách mời tham quan những bản vẽ dự án.
Hội thảo đã thu hút lượng lớn sinh viên và những người làm trong ngành kiến trúc, nội thất…
Các chuyên gia quốc tế đã mang đến hội thảo những bài phát biểu thực tế và tâm huyết. Trong đó việc đào tạo kiến trúc sư tương lai và mối quan hệ hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á được đề cập nhiều. TS. Soukanh Chithpanya- Trưởng khoa Kiến trúc, Trường Đại học Quốc gia Lào đã trình bày chủ đề: Phục hồi di sản, kinh nghiệm hợp tác giữa Lào, Việt Nam và Pháp. GS. Francois Fleury- Giám đốc TT nghiên cứu ATE, ĐH Kiến trúc Normandie, Pháp với bài diễn thuyết: Thích ứng, thực nghiệm đô thị sống trong kiến trúc, quy hoạch và cảnh quan. Cùng với các chuyên gia quốc tế, các đại diện của Việt Nam cũng đã sôi nổi đưa ra những góc nhìn mới về Kiến trúc Việt Nam trong sự phát triển và bảo tồn di sản. TS. KTS Phan Đăng Sơn- Chủ tịch Hội kiến trúc sư trình bày chuyên đề: Đổi mới trong đào tạo KTS ở Việt Nam, hướng tới hội nhập quốc tế. TS. Đinh Nam Đức, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng với tham luận: Tái hiện hình ảnh lịch sử 3D của di sản văn hoá: trường hợp của Văn Miếu, Hà Nội.
Ngoài các bài tham luận, sự kiện trưng bày các cảnh quan tại đây cũng đã thu hút công chúng theo dõi. Một số mô hình như: “Thực hành sơn mài tại làng nghề Hạ Thái, Thường Tín, Hà Nội” hay mô hình “Tiếp cận từ kiến trúc và cảnh quan trong nghiên cứu thực hành. Câu chuyện của đồng nát ở Việt Nam”…
Ông Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam), người cũng đã tham gia quá trình trùng tu, bảo tồn biệt thự Pháp ở Hà Nội cho biết: Nhiều chuyên gia Pháp đã tham gia trùng tu, bảo tồn các giá trị về kiến trúc cảnh quan của ngôi biệt thự Pháp cổ tại 49 Trần Hưng Đạo (46 Hàng Bài). Dự án này nằm trong Dự án bảo tồn biệt thự mẫu nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử - kiến trúc của khu phố cũ Hà Nội. Dự án được nghiên cứu từ năm 2016, trong khuôn khổ hợp tác giữa TP.Hà Nội và vùng Ile-de-France, quận Hoàn Kiếm và Cơ quan hợp tác quốc tế vùng Ile-de-France (PRX). Ông đang rất mong chờ công trình này hoàn thiện sớm.
Bắc Bộ Phủ, công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp còn lưu giữ được đầy đủ tại Hà Nội.
Với sự hợp tác và đóng góp từ các chuyên gia Pháp và quốc tế sẽ tạo ra những đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch và cảnh quan tại Việt Nam hội nhập với khu vực và quốc tế.
Bài: Bích Vân Ảnh: Công Đạt/Báo ảnh Việt Nam
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/hop-tac-viet-phap-trong-cong-tac-bao-ton-kien-truc-canh-quan-371667.html