Tin tức

Họp báo về Lễ hội Nho -Vang Ninh Thuận năm 2023

Chiều 5/5, tại TP.Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức họp báo về Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và Lễ hội Nho-Vang Ninh Thuận năm 2023.

  Ông Trần Quốc Nam - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chủ trì họp báo thông tin tổ chức Lễ hội. Lê Minh/VNP  
  Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Lê Minh/VNP  

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Thuận cung cấp thông tin về Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và Lễ hội Nho-Vang Ninh Thuận năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 13/6 đến ngày 18/6/2023. Trong đó, Lễ khai mạc được tổ chức vào lúc 20 giờ, ngày 15/6/2023 và Lễ bế mạc vào lúc 20 giờ, ngày 18/6/2022 tại Quảng trường, đường 16 Tháng 4, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.

Trong thời gian tổ chức Lễ hội sẽ diễn ra chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch sổi nổi, mang thế mạnh đặc trưng, khác biệt của tỉnh với 12 hoạt động cấp tỉnh, gồm: Hội chợ Công Thương Khu vực Nam Trung Bộ - Ninh Thuận 2023; Lễ hội Âm thực; Chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố Chương trình khai mạc Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023 và đón nhận Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”; Giải đua xe ô tô - mô tô địa hình trên cát…

  Ông Nguyễn Long Biên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận giới thiệu về Lễ hội sắp tới. Lê Minh/VNP  

Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Ngày 29/11/2022, tổ chức UNESCO đã chính thức ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Sự kiện này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố là một trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2022. Do đó, tỉnh tổ chức đón nhận Bằng công nhận của UNESCO sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”.

Ninh Thuận vừa là miền đất hội tụ những giá trị khác biệt, vừa là địa phương có văn hóa, sản vật và tài nguyên thiên nhiên thuận lợi phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh nằm trên giao điểm của các trục giao thông quốc gia, có Quốc lộ 1 và đường sắt đi qua; bờ biển dài và đẹp với hơn 105 km cùng hệ sinh thái biển đa dạng. Đây cũng là nơi có bức tranh về văn hóa nhiều màu sắc với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như: nghệ thuật văn hóa Chăm với những làn điệu dân ca, điệu múa Chăm, các nghề truyền thống và những phong tục tập quán, các nghi lễ tín ngưỡng của người Chăm... Đặc biệt, những giá trị kinh tế cây nho mang lại đã góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh của Ninh Thuận về kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển gắn với văn hóa, du lịch...

  Các đại biểu dự buổi họp báo. Lê Minh/VNP  

Theo ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, để phát triển du lịch theo hướng toàn diện, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh đã có những định hướng phát triển cụ thể cho giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030.

Mục tiêu đến năm 2025, ngành Du lịch Ninh Thuận cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP. Năm 2023, ngành Du lịch tỉnh phấn đấu đạt và vượt mục tiêu đón 2,7 triệu lượt khách; trong đó, khách quốc tế đạt 20.000 lượt. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 1.900 tỷ đồng.

Đến năm 2030, du lịch Ninh Thuận thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, thu hút 6 triệu lượt khách, doanh thu ngành Du lịch đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, đóng góp 15% GRDP./.

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/hop-bao-ve-le-hoi-nho-vang-ninh-thuan-nam-2023-330290.html


top