TS Lê Thị Tuyết Mai, Vụ trưởng Vụ Pháp luật và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam (giữa); bà Deborah Paul, Đại sứ Canada tại Việt Nam (trái) và ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam (phải) đồng chủ trì. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
|
Sáng 13/11, Hội thảo Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ hai về thực thi Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (Công ước Luật biển) và các văn kiện pháp lý quốc tế khác trong ứng phó với các thách thức, do Việt Nam, Canada và Liên minh châu Âu (EU) đồng chủ trì đã khai mạc tại Hà Nội. Tham dự Hội thảo có hơn 100 quan chức, chuyên gia, học giả về quản lý biển đến từ 20 thành viên ARF.
Hội thảo là hoạt động tiếp nối Hội thảo ARF lần thứ nhất cùng tên tổ chức tại Nha Trang tháng 2/2019 và các Hội thảo ARF về Công ước Luật biển các năm 2011 và 2014. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Nhóm Công tác giữa kỳ của ARF về An ninh biển, đồng thời là một trong các nỗ lực nhằm thực hiện Kế hoạch Hành động Hà Nội về triển khai Tuyên bố Tầm nhìn ARF và Chương trình hoạt động của ARF về An ninh biển giai đoạn 2018-2020.
Mục tiêu chính của Hội thảo là nhằm tạo ra diễn đàn để các chuyên gia, học giả và quan chức các thành viên ARF trao đổi về các phương thức để áp dụng hiệu quả các văn kiện quốc tế về biển, đặc biệt là Công ước Luật biển để giải quyết các thách thức trong quản lý biển hiện nay, góp phần nâng cao nhận thức về các thách thức an ninh biển đang nổi lên, chia sẻ nhận thức, kinh nghiệm và thực tiễn tốt, các nội dung liên quan đến thực thi luật biển, xác định cơ hội, giải pháp thúc đẩy hợp tác về biển giữa các thành viên ARF.
Phát biểu khai mạc, các đồng chủ trì Hội thảo: Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ Canada tại Việt Nam Deborah Paul, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti, đã khẳng định vai trò quan trọng của Công ước Luật biển trong việc quản lý hoạt động của các quốc gia trên biển trong suốt 25 năm qua. Công ước Luật biển không chỉ là công cụ pháp lý quan trọng điều chỉnh các vấn đề trên biển, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia, bao gồm cả các quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo, quốc gia tham gia hoạt động khai thác biển, mà còn là khuôn khổ quan trọng để các quốc gia giải quyết các tranh chấp và tăng cường hợp tác biển. Trên cơ sở Công ước Luật biển, một số sáng kiến hợp tác đã được đề xuất và thúc đẩy giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác đối thoại nhằm ứng phó với các thách thức an ninh biển.
Chương trình Hội thảo lần này bao gồm 4 phiên thảo luận, tập trung vào các chủ đề: Những thách thức an ninh truyền thống liên quan đến biển trong khu vực, như các tranh chấp chủ quyền và phân định biển, thực thi pháp luật trên biển; Công ước Luật biển và các vấn đề nổi lên trong bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên biển, trong đó có các vấn đề liên quan đến ô nhiễm biển, khai thác biển sâu, bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ngoài các khu vực thuộc quyền tài phán quốc gia và các hoạt động đánh bắt trái phép, không khai báo và không được quản lý; biến đổi khí hậu và luật biển, những tác động và giải pháp khả thi, trong đó có các thách thức toàn cầu như mực nước biển dâng và a-xít hóa đại dương ảnh hưởng đến các rạn san hô, thực tiễn đối phó với các ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu thông qua các khuôn khổ khu vực. Họi thảo còn tập trung vào các chủ đề: Hợp tác quốc tế và khu vực: sáng kiến và giải pháp cho tương lai, trong đó có vấn đề nâng cao sự tương tác giữa các thỏa thuận khu vực và Công ước Luật biển trong bảo vệ, bảo tồn môi trường, tăng cường phối hợp, tương tác giữa các diễn đàn, cơ chế liên quan đến biển của ASEAN và hợp tác an ninh biển đa phương.
Bên cạnh các thách thức an ninh truyền thống như tranh chấp biển, đảo, nguy cơ đụng độ giữa các lực lượng thực thi pháp luật tại các vùng chồng lấn, khủng bố, tội phạm cướp biển và cướp có vũ trang trên biển… ngày càng có nhiều thách thức đặt ra cho các nước trong quản lý biển như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khai thác tài nguyên biển thiếu bền vững, ô nhiễm biển do các hoạt động của con người, các vấn đề này sẽ tác động trực tiếp đến an ninh và phát triển bền vững của các quốc gia.
Dự kiến, trong hai ngày làm việc, Hội thảo sẽ tập trung thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả thực thi Công ước Luật biển và các văn kiện pháp lý quốc tế có liên quan trong giải quyết các thách thức nêu trên; trao đổi quan điểm về những phát triển mới trong giải thích Công ước Luật biển; chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn mới trong thực thi luật biển và các văn kiện pháp lý, nhất là về giải quyết tranh chấp và ứng phó với các vấn đề mới nổi trong khu vực; từ đó đề xuất các khuyến nghị để củng cố hơn nữa hợp tác giữa các quốc gia, tăng cường vai trò của các cơ chế và khuôn khổ khu vực trong quản trị biển và đại dương.
Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) được thành lập năm 1994, với mục tiêu chính là xây dựng lòng tin và tăng cường đối thoại trong khu vực với ASEAN làm trung tâm. Hiện tại, tổng cộng 27 quốc gia và tổ chức quốc tế tham dự Diễn đàn này. Trong đó, Việt Nam là một trong số các thành viên sáng lập của Diễn đàn./.
TTXVN/VNP
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/hoi-thao-dien-dan-khu-vuc-asean-arf-lan-thu-hai-ve-thuc-hien-cong-uoc-luat-bien-1982-va-cac-van-kien-lien-quan-215363.html