Tin tức

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương

Sáng 29/12, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tiếp tục làm việc với phần phát biểu ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Chính phủ.

Trong phần kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong năng lực cạnh tranh của nền kinh tế của từng ngành, từng địa phương và từng doanh nghiệp. Mọi cấp, mọi ngành phải không ngừng phấn đấu, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cao, đề cao trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ; các chỉ tiêu kinh tế-xã hội 2018 phải được lượng hóa, đo đếm được.

Báo cáo tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nêu rõ, trên cơ sở định hướng và chỉ đạo của Chính phủ, năm 2017, Ngân hàng Nhà nước điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp. Ngân hàng Nhà nước đã giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành. Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Một trong những thành tích nổi bật của Ngân hàng Nhà nước năm 2017 là đã mua được lượng lớn ngoại tệ, nâng mức dự trữ ngoại hối Nhà nước lên gần 52 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, góp phần củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp, tăng uy tín, tiềm lực quốc gia. Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước chủ động, quyết liệt chỉ đạo việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu theo lộ trình cụ thể, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, lành mạnh, góp phần thiết thực vào quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng lòng tin vào hệ thống ngân hàng.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, năm 2017 để lại tiền đề tốt nhưng cũng là áp lực lớn cho việc thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2018. Theo đó, nhiệm vụ cần tiếp tục ưu tiên là các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, tái cấu trúc các sản phẩm, ngành hàng để có đề án tái cấu trúc phù hợp với nhu cầu thị trường, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh; “tránh tình trạng tái cấu trúc theo phong trào.” Phát triển rộng rãi hơn nữa các doanh nghiệp bán lẻ, giữ vững các thị trường truyền thống và từng bước phát triển các thị trường mới trên cơ sở các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Về nhiệm vụ 2018, Thủ tướng đặt yêu cầu phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng cận trên chỉ tiêu mà Quốc hội giao là từ 6,5 đến 6,7%. Bởi chỉ có tăng trưởng mới giải quyết được nhiều vấn đề về việc làm, nợ công, nâng cao GDP bình quân đầu người. Song song với đó, chất lượng tăng trưởng phải được nâng lên, đặc biệt là năng suất lao động phải cao hơn, các chỉ số môi trường phải được cải thiện rõ rệt hơn.

Yêu cầu các cấp, các ngành nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng nhấn mạnh đến chủ đề của năm 2018 với 10 chữ: Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả. Trên cơ sở đó, các địa phương, bộ, ngành cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu đồng bộ, hiệu quả cụ thể của ngành, địa phương mình để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và thực hiện quyết liệt; trong đó, chú trọng phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo kinh tế vĩ mô, tiếp tục các đột phá chiến lược.

Thủ tướng cũng nhắc đến yêu cầu tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế với một hiệu quả thực chất; đi liền với tăng cường nền tảng xã hội, xây dựng bộ máy trong sạch; phòng, chống tham nhũng; kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc của người dân.

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng căn dặn các địa phương liên quan tiếp tục nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai mới chỉ giải quyết được một bước, chống tái nghèo. Chính quyền phải trực tiếp đi kiểm tra vấn đề này, Thủ tướng chỉ đạo và đề nghị phát động, lan tỏa một lối sống tiết kiệm sâu rộng trong toàn xã hội. Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát tốt mùa Lễ hội năm nay, không để lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Chỉ rõ một khó khăn lớn của nền kinh tế là nguồn lực đầu tư, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt mục tiêu huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 34% GDP năm 2018. Trong phát triển, cần tăng cường xem xét, chọn lọc các dự án FDI, nhất là các nhóm dự án tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, không đầu tư bằng mọi giá, Thủ tướng lưu ý./.
VNP/TTXVN

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/hoi-nghi-truc-tuyen-chinh-phu-voi-cac-dia-phuong-167345.html


top