Khám phá

Hội làng ở ngôi đình đẹp nhất Xứ Đoài

Hàng năm, vào ngày mồng 8 tháng 2 âm lịch, người dân làng So (thuộc xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) lại tưng bừng khai hội làng mình. Đây không chỉ là dịp để dân làng tưởng nhớ các vị Thành hoàng mà còn là cơ hội gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời.

Hàng năm, vào ngày mồng 8 tháng 2 âm lịch, người dân làng So (thuộc xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) lại tưng bừng khai hội làng mình. Đây không chỉ là dịp để dân làng tưởng nhớ các vị Thành hoàng mà còn là cơ hội gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời.

Đoàn rước kiệu thánh hướng về Miếu Ông và Miếu Bà, nơi thờ thân sinh của các vị Thành hoàng làng.

Làng So, nằm giữa vùng Xứ Đoài văn hiến, từ lâu đã nổi tiếng với ngôi đình cổ được mệnh danh là "danh lam đệ nhất Xứ Đoài". Đây là một kiệt tác kiến trúc với những chạm khắc tinh xảo, mái đình cong uyển chuyển và không gian cổ kính. Mang đậm dấu ấn tài hoa của các nghệ nhân xưa, đình làng So đã được xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt, trở thành niềm tự hào của bao thế hệ người dân nơi đây.

Ngay từ sáng sớm ngày khai hội, tiếng trống hội rộn ràng vang khắp làng, báo hiệu đoàn rước kiệu thánh bắt đầu hành trình từ đình So đến Miếu Ông và Miếu Bà – nơi thờ thân sinh của các vị Thành hoàng. Dẫn đầu đoàn rước là đội múa lân với những màn trình diễn điêu luyện, tiếp theo là cờ ngũ sắc phấp phới trong gió. Trung tâm của đoàn rước là kiệu thánh trang nghiêm, được các trai làng khiêng trong làn hương trầm nghi ngút. Hai bên đường, trẻ nhỏ háo hức, người lớn thành kính dõi theo, tạo nên một khung cảnh sống động.


Sau khi hoàn tất nghi lễ tại miếu, đoàn rước trở về đình So. Dừng lại trước cổng đình, đội lân rồng cùng đội trống biểu diễn tưng bừng như một lời chúc phúc cho dân làng. Khi kiệu thánh tiến qua cổng đình, nghi lễ dâng hương và lễ tế chính thức bắt đầu.

Màn múa rồng như lời chúc phúc đến tất cả mọi người trong ngày hội.
Kiệu thánh được rước vào đình để làm lễ.

Điểm nhấn của hội làng So chính là nghi thức tế lễ. Đội tế gồm các bậc cao niên trong làng, vận trang phục truyền thống, thực hiện các nghi thức tế một cách trang nghiêm. Mọi người cùng nhau tưởng nhớ công đức của các vị Thành hoàng và cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Các vị cao niên trong làng thực hiện nghi thức tế lễ trang nghiêm.

Theo sắc phong của đình So, ba vị Thành hoàng làng là ba anh em sinh ra tại chính mảnh đất này. Từ nhỏ, họ đã nổi tiếng với sức khỏe phi thường và tài trí hơn người. Khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, ba anh em đã góp công lớn, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Sau khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vào năm 968, nhà vua sắc phong họ là "Tam vị Thông Hiện Nguyên soái Đại vương". Khi ba vị hóa về trời, dân làng So suy tôn họ là Tam thánh Thành hoàng, lập miếu thờ để tưởng nhớ công lao. Trải qua bao thăng trầm, ngôi miếu được trùng tu, mở rộng và trở thành đình làng So như ngày nay.

Đông đảo người dân tham gia lễ hội làng So.

Lễ hội làng So không chỉ là dịp tri ân các bậc tiền nhân mà còn là cơ hội để truyền lại những giá trị văn hóa quý báu cho thế hệ sau. Những nghi thức tế lễ, phong tục tập quán trong hội làng chính là sợi dây gắn kết tâm thức cộng đồng, giữ gìn tinh thần đoàn kết và niềm tự hào về quê hương.

Dù cuộc sống hiện đại ngày càng đổi thay, nhưng lễ hội làng So vẫn được tổ chức trang trọng dưới mái đình cổ kính. Không chỉ là nét đẹp văn hóa của riêng làng So, lễ hội này còn là một di sản quý báu của Xứ Đoài và cả nước, minh chứng cho sức sống bền bỉ của văn hóa truyền thống./.

  • Bài và ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/hoi-lang-o-ngoi-dinh-dep-nhat-xu-doai-391141.html


top