Văn hóa

Hoài niệm Hà Nội phố thế kỷ 19

Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay luôn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá và giáo dục lớn của cả nước, là biểu tượng cho các giá trị văn hóa của dân tộc và là niềm tự hào của người dân Việt Nam. Mới đây, Cục Văn thư và Lưu trữ quốc gia phối hợp với Đại sứ quán Pháp tổ chức triển lãm “Hoài niệm Hà nội phố” để người dân Thủ đô và công chúng có cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử, văn hóa, đất và người Thăng Long - Hà Nội trong những năm đầu thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX. 
Triển lãm diễn ra tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số 18, đường Vũ Phạm Hàm (Hà Nội) đến hết 31/12/2018. 

Hơn 130 phiên bản tài liệu, hình ảnh, bản đồ, bản vẽ kỹ thuật… được lựa chọn trưng bày tại triển lãm “Hoài niệm Hà Nội phố” đã tái hiện đời sống sinh hoạt, văn hoá, tôn giáo của người dân Hà Nội. Đến với Triển lãm du khách bắt gặp khu phố cổ - nơi lưu giữ dấu ấn của một “Hà Nội ba sáu phố phường” thuở xưa; Thành cổ Hà Nội với quy mô và kiến trúc độc đáo; Văn Miếu Quốc tử Giám - Trường Đại học lâu đời nhất Việt Nam; thắng cảnh Hồ Tây cùng nhiều di tích lịch sử bao quanh; Hồ Hoàn Kiếm với cầu Thê Húc, tháp Rùa, đền Ngọc Sơn cùng các công trình mang đậm phong cách kiến trúc Á - Âu thời Pháp thuộc…

Đến với “Hoài niệm Hà Nội phố”, dù là người Việt Nam hay người nước ngoài đều cảm thấy bồi hồi, nhất là những ai đã từng một thời gắn bó với Hà Nội từ những góc phố, con đường ngày ấy. Không gian trưng bày triển lãm với những bức ảnh đen trắng đầy cảm xúc và cả những video giới thiệu về Hà Nội giúp người xem ngược dòng quá khứ nhớ về Thăng Long xưa và Hà Nội hôm nay.


Nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp, Cục Văn thư và Lưu trữ quốc gia
phối hợp với Đại sứ quán Pháp tổ chức Triển lãm  Hoài niệm Hà nội phố.


Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp
tại Việt Nam Bertrand Lortholary cùng các quan khách cắt băng khai mạc triển lãm.


Không gian triển lãm được bài trí hiện đại với  hơn 100 phiên bản tài liệu,
hình ảnh, hiện vật liên quan đến một gia đoạn lịch sử của Hà Nội.


Khách thăm quan triển lãm thích thú với những tài liệu quý liên quan đến mảnh đất Thăng Long.


Với 3 chủ đề những người tổ chức hy vọng công chúng có cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử,
văn hóa, đất và người Thăng Long từ thế kỉ 19 đến giữa thế kỷ 20.


Những hiện vật, tài liệu… được bài trí khoa học, đẹp mắt tại triển lãm “Hoài niệm Hà nội phố”.


Nhiều phiên bản tài liệu cổ được lần đầu giới thiệu rộng rãi đến công chúng.


Những tấm ảnh xưa quý giá  về Hà Nội được giới thiệu với công chúng trong  Hoài niệm Hà nội phố.


Những hiện vật chân thực, nguyên bản cũng giới thiệu đến công chúng.


Khánh tham qua đến xem triển lãm.

Bà Nguyễn Thu Hoài, Phó giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia I cho biết: "Xuất phát từ tình trạng vật lý và yêu cầu bảo vệ an toàn tài liệu, Ban tổ chức chỉ đưa ra trưng bày các phiên bản. Phần lớn bản gốc tài liệu hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước. Du khách trong và ngoài nước có thể đến xem triển lãm tại số 18 Vũ Phạm Hàm".

Triển lãm “Hoài niệm Hà Nội phố” gồm 3 chủ đề: Từ Nhượng địa Pháp đến khu phố Tây; Phố cổ Hà Nội; Thành Hà Nội và phụ cận. Mỗi chủ đề đều được minh họa bằng hình ảnh và hiện vật. Là bản đồ thời Pháp thuộc, hình ảnh Nhà hát lớn do Pháp xây dựng, khu phố Tây một thời là trung tâm thương mại sầm uất. Với phố cổ Hà Nội, người xem được chứng kiến gánh hàng hoa, chiếc xích lô bằng hiện vật và những bức ảnh rất đời thường về sinh hoạt của người Hà Nội thời Pháp thuộc như xe kéo tay, gánh hàng rong, chợ lao động đến các kiến trúc đô thị như ga Hà Nội, thành cổ Hà Nội, Cầu Thê húc, bưu điện Hà Nội…

Giáo sư – Tiến sĩ khoa học lịch sử Nguyễn Văn Thâm cho biết: "Hoài niệm Hà Nội phố không chỉ là tư liệu quý nói lên chiều dài phát triển của Hà Nội ngàn năm văn hiến mà còn là sự trân trọng của chúng ta trước những đóng góp của nhiều thế hệ tạo nên một Hà Nội hôm nay".

Ông Trần Hữu Quang, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội cưu học sinh trường Trung học Albert Sarraut (nay là trường THPT Trần Phú). Đây là một trong những trường trung học nổi tiếng nhất ở Đông Dương được thành lập từ năm 1919 tại Hà Nội giải thể năm 1965. Nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Đông Dương từng học ở trường này. Ông xúc động khi đến với Hoài niệm Hà nội phố nơi ông tìm thấy mái nhà xưa, phố cũ, trường năm nào, cảnh xưa người cũ. Ông Quang cho biết: Với ông triển lãm thực sự là một cuốn cẩm nang quý khi ông và bạn bè từng sống ở nước ngoài về Hà Nội mới thấy ý nghĩa như thế nào…

Rất nhiều du khách trong và ngoài nước đã đến xem “Hoài niệm Hà Nội phố” để được tiếp cận nguồn tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, tìm hiểu các công trình nghiên cứu công phu về lịch sử, văn hóa, quy hoạch, kiến trúc của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đó vừa là niềm tự hào, vừa là động lực để người dân Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cũng như phấn đấu xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại./.
 
Bài: Bích Vân - Ảnh: Việt Cường

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/hoai-niem-ha-noi-pho-the-ky-19-187086.html


top